Xét nghiệm hCG

(3.77) - 22 đánh giá

Tên kĩ thuật y tế: hCG – Human Chorionic Gonadotropin

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: Máu hoặc nước tiểu

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm hCG là gì ?

Xét nghiệm hCG được thực hiện để kiểm tra nồng độ hCG trong máu hoặc nước tiểu. Một số xét nghiệm hCG định lượng được chính xác và một số khác chỉ kiểm tra xem có sự tồn tại của hormone hay không. Hormone hCG được tạo thành từ nhau thai trong suốt thai kỳ. Xét nghiệm hCG có thể được sử dụng để xem người phụ nữ có mang thai hay không hoặc là một phần của xét nghiệm tầm soát tìm dị tật bẩm sinh trong thai kỳ.

Hormone hCG có thể có trị số bất thường do một số khối u, đặc biệt là các u xuất nguồn từ trứng hoặc tinh trùng (u tế bào mầm). Nồng độ hCG thường được kiểm tra ở phụ nữ có:

  • Khối tăng sinh bất thường trong tử cung;
  • Thai trứng (thai trứng là tình trạng mà sau khi trứng thụ tinh, thay vì phát triển thành một phôi thai bình thường với các thành phần phụ tương đồng gồm túi ối, nhau, gai nhau… thì trứng chỉ có thể phát triển thành một nang khiến cho phần gai nhau dần thoái hóa đi, sưng to lên và làm thành những túi dịch dính chùm như trứng ếch);
  • Ung thư tử cung (u biểu mô của màng đệm-màng được tạo thành từ lớp tế bào ngoài của phôi).

Ít khi xét nghiệm nàyđược thực hiện ở thai kỳ bình thường. Nhiều xét nghiệm hCG có thể được tiến hành sau khi bị sảy thai để chắc chắn rằng bạn không bị thai trứng. Ở nam giới, bác sĩ có thể đo nồng độ hCG để giúp tìm ung thư tinh hoàn.

HCG trong thai kỳ

Trứng bình thường được thụ tinh bởi tinh trùng tại vòi trứng. Trong vòng 9 ngày sau khi thụ tinh, trứng đã được thụ tinh sẽ di chuyển xuống theo vòi trứng đến tử cung và đính vào (gọi là làm tổ) trong thành tử cung. Một khi trứng đã làm tổ, nhau thai phát triển sẽ tiết ra hCG vào máu của bạn. Một phần lượng hCG sẽ được thải qua nước tiểu. HCG có thể được tìm thấy trong máu trước khi phát hiện trễ kinh, khá sớm vào khoảng 6 ngày sau làm tổ.

HCG giúp duy trì thai kỳ của bạn và ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé (thai nhi). Nồng độ hCG tăng cao trong 14 đến 16 tuần lễ đầu tiên sau kỳ kinh chót, đạt đỉnh xung quanh tuần thứ 14 sau kỳ kinh chót và sau đó giảm xuống dần dần. Lượng hCG tăng sớm trong thai kỳ có thể cho thông tin về thai kỳ của bạn và sức khỏe của em bé. Ngay sau sinh, hCG sẽ không còn được tìm thấy trong máu.

HCG được phóng thích nhiều hơn nếu bạn có đa thai, chẳng hạn như sinh đôi hoặc sinh ba. HCG được phóng thích ít hơn nếu trứng được thụ tinh làm tổ ngoài tử cung của bạn, ví dụ như trong vòi trứng. Điều này được gọi là thai ngoài tử cung.

Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm hCG?

Xét nghiệm hCG được tiến hành để:

  • Xem bạn có thai hay không;
  • Tìm thai ngoài tử cung;
  • Tìm và kiểm tra điều trị thai trứng;
  • Tìm xem có tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh như hội chứng Down hay không. Xét nghiệm này được dùng phối hợp với các xét nghiệm tầm soát khác;
  • Tìm và kiểm tra điều trị ung thư xuất nguồn từ trứng hay tinh trùng (gọi là u tế bào mầm), chẳng hạn như ung thư buồng trứng hoặc tinh hoàn. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm alpha-fetoprotein cùng với hCG.

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm hCG?

Xét nghiệm máu tìm hCG thường chính xác hơn xét nghiệm nước tiểu. Nếu nghi ngờ có thai ngay cả khi kết quả xét nghiệm nước tiểu ra không có thai (âm tính), bạn có thể tiến hành xét nghiệm máu hoặc lặp lại một xét nghiệm nước tiểu khác sau một tuần.

Kết quả hCG có thể vẫn còn cao (tức là dương tính) đến 4 tuần sau sảy thai hoặc phá thai điều trị.

Giá trị hCG bình thường không loại trừ được khả năng có khối u trong tử cung, buồng trứng hoặc tinh hoàn. HCG chỉ là một phần của đánh giá tổng quát khi nghi ngờ khối u.

Ngoài ra, kiểm tra nồng độ hCG trong máu thường được đi kèm trong bộ ba hoặc bộ bốn xét nghiệm tầm soát huyết thanh mẹ.

Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm hCG?

Nếu xét nghiệm máu, bạn không cần phải làm gì trước khi tiến hành thủ thuật.

Nếu xét nghiệm nước tiểu thì mẫu nước tiểu đầu tiên trong ngày thường là tốt nhất bởi vì nó có nồng độ hCG cao nhất. Mẫu nước tiểu được lấy ít nhất 4 giờ sau lần đi tiểu cuối cùng của bạn cũng có có lượng hCG cao.

Quy trình thực hiện xét nghiệm hCG như thế nào?

Hormone hCG có thể được đo từ mẫu máu hoặc nước tiểu.

Lấy máu

Bác sĩ sẽ làm sạch một vùng nhỏ trên cánh tay hoặc khuỷu tay bằng một miếng gòn sát khuẩn hoặc miếng gòn tẩm cồn. Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ quấn dải băng đàn hồi xung quanh phần trên cánh tay để làm tăng lưu lượng máu. Điều này làm cho việc rút máu từ tĩnh mạch của bạn được dễ dàng hơn.

Sau đó, bác sĩ sẽ đâm kim vào tĩnh mạch ở cánh tay. Ống đựng máu sẽ được gắn ở đầu còn lại của kim. Khi đã rút đủ máu, bác sĩ sẽ lấy kim ra. Sau đó bác sĩ sẽ chặn một miếng gòn hoặc gạc lên để cầm máu tại vị trí đâm kim trên da.

Lấy nước tiểu

Nếu có thể, hãy lấy mẫu nước tiểu đầu tiên trong ngày (mẫu này thường có nồng độ hCG cao nhất). Mẫu nước tiểu được lấy ít nhất 4 giờ sau lần đi tiểu cuối cùng cũng có có lượng hCG cao.

Đặt lọ chứa vào giữa dòng nước tiểu và lấy khoảng 60 ml nước tiểu.

Đừng chạm miệng lọ chứa vào vùng sinh dục và đừng để giấy vệ sinh, lông mu, phân hoặc các vật ngoại lai khác nhiễm vào mẫu nước tiểu.

Bạn hãy cẩn thận đậy nắp lọ chứa lại và đem nó quay trở lại phòng thí nghiệm. Nếu bạn lấy nước tiểu ở nhà và không thể đem tới phòng thí nghiệm trong vòng một giờ thì hãy bỏ nó trong tủ lạnh.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm hCG?

Bạn sẽ được hẹn lịch để lấy kết quả xét nghiệm. Bác sĩ sẽ giải thích kết quả xét nghiệm có ý nghĩa như thế nào. Bạn nên tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về quy trình thực hiện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì ?

Kết quả bình thường

Giá trị bình thường được liệt kê ở đây – gọi là khoảng tham chiếu – chỉ có giá trị hướng dẫn. Các khoảng tham chiếu này thay đổi tùy theo phòng xét nghiệm, và phòng xét nghiệm của bạn có thể có khoảng giá trị bình thường khác với những nơi khác. Bảng kết quả của phòng xét nghiệm sẽ có ghi khoảng giá trị bình thường mà ở đó sử dụng.

Nồng độ hCG trong máu:

  • Nam giới và phụ nữ không mang thai: Nhỏ hơn 5 đơn vị quốc tế trên lít (IU/l);
  • Phụ nữ mang thai 1 tuần (khoảng 3 tuần sau kỳ kinh chót): 5–50 IU/l;
  • Phụ nữ mang thai 2 tuần (khoảng 4 tuần sau kỳ kinh chót): 50–500 IU/l;
  • Phụ nữ mang thai 3 tuần (khoảng 5 tuần sau kỳ kinh chót): 100–10,000 IU/l;
  • Phụ nữ mang thai 4 tuần (khoảng 6 tuần sau kỳ kinh chót): 1080–30,000 IU/l;
  • Phụ nữ mang thai 6-8 tuần (khoảng 8-10 tuần sau kỳ kinh chót): 3500–115,000 IU/l;
  • Phụ nữ mang thai 12 tuần (khoảng 14 tuần sau kỳ kinh chót): 12,000–270,000 IU/l;
  • Phụ nữ mang thai 13-16 tuần (khoảng 15-18 tuần sau kỳ kinh chót): Lên đến 200,000 IU/l.

Nồng độ hCG nước tiểu:

  • Nam giới: không (âm tính);
  • Phụ nữ không mang thai: không (âm tính);
  • Phụ nữ mang thai: phát hiện (dương tính).

Kết quả có giá trị cao

Khi bạn đang mang thai, nồng độ hCG tăng rất cao sẽ có ý nghĩa đa thai (ví dụ như sinh đôi hoặc sinh ba), thai trứng, hội chứng Down hoặc là bạn mang thai sớm hơn so với ước tính của bạn theo kỳ kinh chót.

Ở nam giới hoặc phụ nữ không mang thai, nồng độ hCG cao có thể mang ý nghĩa có khối u ung thư hoặc khối u lành tính xuất nguồn từ tinh trùng hoặc tế bào trứng (gọi là u tế bào mầm), chẳng hạn như u buồng trứng hoặc tinh hoàn. Điều này cũng có thể gặp trong một số loại ung thư, ví dụ như ung thư dạ dày, tụy, ruột già, phổi hoặc gan.

Kết quả có giá trị thấp

Nếu bạn đang mang thai, nồng độ hCG thấp có thể có nghĩa là thai ngoài tử cung, thai chết lưu hoặc bạn không đang trong giai đoạn sớm hơn của thai kỳ so với dự tính của bạn bằng kỳ kinh chót.

Nếu bạn đang mang thai, nồng độ hCG giảm bất thường có nhiều khả năng là sẩy thai.

Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Đo đường huyết

(63)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm đo đường huyết (nồng độ đường glucose trong máu)Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chungXét nghiệm đo đường huyết là ... [xem thêm]

Khi nào cần nội soi dạ dày tá tràng ở trẻ em

(42)
Viêm loét dạ dày – hành tá tràng. Bệnh tưởng như chỉ có ở người lớn. Nhưng không, trẻ con cũng bị khá nhiều và dễ nhầm lẫn với các tình trạng khác. ... [xem thêm]

Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA)

(94)
Chọc hút bằng kim nhỏ là gì? Chọc hút bằng kim nhỏ là thủ thuật sử dụng một cây kim nhỏ và rỗng đâm xuyên qua da một cách nhẹ nhàng vào tổn thương để ... [xem thêm]

Chụp cộng hưởng từ MRI não

(99)
Chụp cộng hưởng từ não là gì? Chụp cộng hưởng từ (MRI) não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn và không gây đau nhờ sử dụng từ trường và sóng ... [xem thêm]

Xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạo

(34)
Tên kỹ thuật y tế: Xét nghiệm nhiễm khuẩn âm đạoBộ phận cơ thể/mẫu thử: Dịch lỏng và tế bào từ âm đạoTìm hiểu chungXét nghiệm nhiễm khuẩn âm ... [xem thêm]

Xạ hình gallium (Gallium Scan)

(45)
Hình: Xạ hình gallium (Gallium Scan) Lưu ý: Những thông tin dưới đây chỉ là hướng dẫn chung. Việc sắp xếp và cách thực hiện có thể thay đổi khác nhau ... [xem thêm]

Xét nghiệm CEA

(49)
Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm CEA/ Xét nghiệm kháng nguyên CEABộ phận cơ thể/Mẫu thử: MáuTìm hiểu chungXét nghiệm CEA là gì?Xét nghiệm CEA dùng để đo hàm ... [xem thêm]

Phân tích nhiễm sắc thể

(66)
Tên kĩ thuật y tế: Phân tích nhiễm sắc thể (Công thức nhiễm sắc thể/Cấy máu ngoại vi phân tích nhiễm sắc thể/di truyền học tế bào)Bộ phận cơ ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN