Dị ứng là phản ứng của cơ thể với các chất xung quanh. Đây là cách nói ngắn gọn của dị ứng với các phân tử trong không khí như phấn hoa, bụi, lông vật nuôi hoặc nấm mốc. Dị ứng xuất hiện khi hệ miễn dịch (hệ thống bảo vệ cơ thể khỏi vi trùng) phản ứng với các chất này (được gọi là “dị ứng nguyên”).
Phản ứng do hệ miễn dịch gây ra các triệu chứng dị ứng. Triệu chứng dị ứng do các dị nguyên trong không khí (chất gây dị ứng trong không khí) bao gồm:
- Sổ mũi
- Nghẹt hoặc chảy nước mũi
- Ngứa mũi và cổ họng
- Ho
- Đàm trong cổ họng
- Ngứa, chảy nước mắt hoặc sưng mắt
- Nặng mũi, má, trán
- Da phát ban da hoặc ngứa.
Ở một số người, dị ứng có thể gây triệu chứng hen suyễn (thở khò khè, ho, khó thở hoặc đau thắt ngực).
Một số dị ứng, như dị ứng phấn hoa, chỉ xuất hiện vào những thời điểm nhất định trong năm (ví dụ, khi cây cối và cỏ giải phóng phấn hoa), gọi là “dị ứng theo mùa” hay “sốt cỏ khô”. Dị ứng khác, như dị ứng bụi, thì xảy ra quanh năm, gọi là “dị ứng quanh năm”. Một người có thể chỉ bị dị ứng theo mùa, hay chỉ bị dị ứng quanh năm, hoặc cả hai.
Điều trị dị ứng như thế nào?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, tiền sử bệnh và kiểm tra để xác định loại dị ứng của bạn. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc dị ứng để điều trị triệu chứng dị ứng. Bác sĩ cũng đưa ra những cách tránh các chất gây dị ứng cho bạn.
Thuốc dị ứng
Thuốc dị ứng thường gặp gồm các thuốc kháng histamine không kê toa như fexofenadine (Allegra®), loratadine (Claritin®) hoặc cetirizine (Zyrtec®). Bác sĩ có thể kê steroid dạng thuốc xịt mũi như fluticasone propionate (Flonase®) hoặc mometasone furoate (Nasonex®).
Tránh các chất gây dị ứng
Bác sĩ sẽ đề nghị cách phòng tránh các chất gây dị ứng (phân tử không khí gây dị ứng), chẳng hạn bạn nên giặt thảm và màn thường xuyên, sử dụng bộ lọc không khí, hoặc sử dụng drap giường và gối đặc biệt để giảm lượng bụi dị ứng bạn có thể hít vào trong khi ngủ.
Nếu bạn dùng thuốc dị ứng và phòng tránh các chất gây dị ứng không đủ làm giảm các triệu chứng, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra dị ứng của bạn. Xét nghiệm da hoặc máu có thể được thực hiện để phát hiện nguyên nhân phản ứng. Một khi bạn tìm ra nguyên nhân, bác sĩ có thể yêu cầu chích ngừa dị ứng hoặc nhỏ thuốc dị ứng.
Chích ngừa hoặc nhỏ thuốc dị ứng
Phương pháp điều trị này hoạt động khác các loại thuốc dị ứng. Chích ngừa và nhỏ thuốc dị ứng giảm bớt phản ứng của cơ thể với chất gây dị ứng. Bác sĩ sẽ chích ngừa hoặc nhỏ thuốc để giảm tần suất hoặc bớt mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
- Chích ngừa dị ứng: được tiêm dưới da (thường ở trên cánh tay) tại phòng khám bác sĩ
- Thuốc nhỏ dị ứng: dung dịch đặt dưới lưỡi và có thể thực hiện ở nhà (còn được gọi là “liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi”).
Chích ngừa và thuốc nhỏ dị ứng là gì?
Chích ngừa dị ứng và thuốc nhỏ dị ứng giúp hệ miễn dịch ít nhạy cảm hơn với dị nguyên. Thuốc tiêm và thuốc nhỏ có chứa một lượng nhỏ các chất gây dị ứng cho bạn. Ví dụ, nếu bạn bị dị ứng với phấn hoa cây sồi, thuốc tiêm và thuốc nhỏ sẽ có chứa một số lượng nhỏ phấn hoa cây sồi gỗ sồi. Chích ngừa dị ứng và thuốc nhỏ dị ứng đều chứa các chất gây dị ứng. Sự khác biệt chỉ đơn giản là cách sử dụng của từng loại.
Lượng chất gây dị ứng trong thuốc tiêm hoặc thuốc nhỏ rất ít nên hệ miễn dịch sẽ không phản ứng quá mạnh. Bác sĩ sẽ nói với bạn cần làm gì nếu phản ứng mạnh xảy ra.
Bác sĩ sẽ từ từ tăng liều lượng các chất gây dị ứng vào thuốc tiêm hoặc thuốc nhỏ của bạn cho tới khi hệ miễn dịch bớt nhạy cảm với các chất gây dị ứng. Có nghĩa là hệ miễn dịch của bạn sẽ không phản ứng quá mạnh khi bạn hít phải chất gây dị ứng. Qua một thời gian, hệ miễn dịch sẽ bắt đầu chịu được chất gây dị ứng và giảm bớt các triệu chứng dị ứng.
Một số người không thể chích ngừa hoặc dùng thuốc nhỏ. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu:
- Bạn (hoặc con bạn) bị bệnh hen suyễn nặng
- Bạn (hoặc con bạn) dùng thuốc “beta-blocker” để điều trị tăng huyết áp
- Bạn (hoặc con bạn) có vấn đề về tim
- Bạn đang mang thai hoặc đang nghĩ đến việc mang thai
- Bạn có dự định sử dụng chích ngừa hoặc thuốc nhỏ dị ứng cho trẻ em dưới 5 tuổi.
So sánh giữa chích ngừa dị ứng và thuốc nhỏ dị ứng
Cách sử dụng
- Thuốc chích dị ứng: Thuốc được tiêm dưới da (thường ở trên cánh tay), thực hiện tại bệnh viện.
- Thuốc nhỏ dị ứng: Dung dịch được đặt dưới lưỡi và có thể thực hiện tại nhà.
Thời gian sử dụng?
Chích ngừa dị ứng: Chích một mũi hoặc nhiều hơn khi đến khám bác sĩ.
- Một hoặc hai lần một tuần trong vài tháng đầu tiên.
- Một hoặc hai lần một tháng sau đó.
Nhỏ thuốc dị ứng: Một vài lần một tuần hoặc mỗi ngày.
Bạn cần thực hiện trong bao lâu?
- Chích ngừa dị ứng: 3–5 năm (hoặc có khi lâu hơn).
- Nhỏ thuốc dị ứng: Thông thường 3–5 năm (hoặc có khi lâu hơn).
Chích ngừa dị ứng và nhỏ thuốc dị ứng có những tác dụng phụ gì?
Chích ngừa dị ứng và nhỏ thuốc đều an toàn và tác dụng phụ thường rất nhẹ.
Tác dụng phụ thường gặp của chích dị ứng gồm:
- Ngứa, sưng và đỏ tại nơi tiêm
- Nhức đầu
- Ho
- Mệt mỏi
- Đàm ở cổ họng
- Sổ mũi.
Tác dụng phụ thường gặp của nhỏ thuốc dị ứng gồm:
- Rát họng
- Ngứa hoặc sưng nhẹ trong miệng.
Mặc dù rất ít, nhưng chích ngừa và nhỏ thuốc có thể gây phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng gọi là “sốc phản vệ”. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm phù mặt, họng hoặc lưỡi nghiêm trọng; ngứa; da nổi mẩn; khó thở; tức ngực; thở khò khè; chóng mặt; buồn nôn; tiêu chảy hoặc mất ý thức.
Nếu bạn hoặc con bạn có bất cứ triệu chứng này sau khi chích hoặc nhỏ thuốc dị ứng, hãy gọi cho bác sĩ ngay. Sốc phản vệ phải được điều trị ngay bằng một mũi tiêm epinephrine, loại hormone điều hòa nhịp tim và đường thở.
Tôi nên suy nghĩ gì khi đưa ra quyết định?
Có rất nhiều điều để suy nghĩ trước khi quyết định liệu chích dị ứng hay nhỏ thuốc dị ứng có an toàn hay không. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về:
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh dị ứng hay hen suyễn của bạn (hay con bạn)
- Cách phòng tránh hoặc giảm tiếp xúc với các chất gây dị ứng trong môi trường (ví dụ, làm sạch thảm và màn hoặc sử dụng bộ lọc không khí, dùng drap giường hoặc vỏ gối đặc biệt)
- Thuốc dị ứng (kháng histamine hoặc steroid xịt mũi) sẽ cải thiện triệu chứng của bạn (hay con bạn) như thế nào
- Tác dụng và tác dụng phụ của chích ngừa và nhỏ thuốc dị ứng
- Chích ngừa dị ứng hay nhỏ thuốc dị ứng, cách nào sẽ cải thiện bệnh dị ứng hay hen suyễn của bạn (hay con bạn) hơn?
- Chích ngừa dị ứng hay nhỏ thuốc dị ứng, cách nào sẽ phù hợp với lối sống của bạn hơn?
- Ví dụ, bạn sẽ thấy nhỏ thuốc dị ứng mỗi ngày hay đến phòng khám của bác sĩ mỗi vài ngày để chích ngừa, cái nào thoải mái hơn?
- Chi phí của mũi chích ngừa dị ứng hoặc thuốc nhỏ dị ứng.
Bạn cũng nên hỏi bác sĩ những câu hỏi này:
- Cách nào tốt nhất để tôi tránh hoặc giảm tiếp xúc chất gây dị ứng trong môi trường?
- Chích ngừa hay thuốc nhỏ có hiệu quả với tôi (hoặc con tôi) hay không?
- Liệu các bệnh khác của tôi (hoặc của con tôi) có ảnh hưởng đến hiệu quả của chích ngừa hay nhỏ thuốc dị ứng không?
- Bác sĩ nghĩ chích ngừa hay nhỏ thuốc tốt hơn?
- Phải mất thời gian bao lâu thì chích ngừa hay nhỏ thuốc mới bắt đầu có tác dụng?
- Tôi (hay con tôi) cần điều trị chích ngừa hay nhỏ thuốc trong bao lâu?
- Chích ngừa hay nhỏ thuốc sẽ cải thiện bệnh dị ứng hay hen suyễn của tôi (hay con tôi) trong bao lâu?
- Chi phí chích ngừa hay nhỏ thuốc là bao nhiêu?
- Có tác dụng phụ nào mà tôi cần phải gọi ngay cho bác sĩ hay cấp cứu không? Nếu có thì là gì? Tôi nên làm gì? Khi nào tác dụng phụ có khả năng xảy ra?