Bệnh nhân thiếu máu cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là chất sắt, để cơ thể sản sinh ra đủ tế bào hồng cầu cho máu. Hãy cùng Chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu về chế độ ăn uống hợp lý nếu bạn mắc phải chứng thiếu máu nhé.
Thiếu máu là một loại bệnh rất phổ biến ở Việt Nam và có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Thay đổi chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng giúp hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu.
Chứng thiếu máu có rất nhiều loại. Một trong những loại phổ biến nhất là tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Việc hấp thụ không đủ lượng sắt khiến cơ thể bạn không thể sản sinh ra hemoglobin, huyết sắc tố cần thiết để tạo nên lượng tế bào hồng cầu đầy đủ, giúp vận chuyển oxy cho cơ thể.
Có 2 loại sắt được tìm thấy trong các loại thực phẩm là heme iron (nguồn sắt từ động vật như thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản) và nonheme iron (nguồn sắt từ thực vật cũng như các loại thực phẩm tăng cường chất sắt). Cơ thể bạn có thể hấp thu cả hai loại sắt này, tuy nhiên, heme iron dễ hấp thụ hơn so với nonheme iron.
Để hỗ trợ điều trị thiếu máu, đặc biệt là bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bạn có thể bổ sung chất sắt cho cơ thể từ các loại thực phẩm sau đây:
Rau củ quả
Rau xanh (đặc biệt là các loại có màu xanh thẫm) là nguồn cung cấp nonheme iron tốt nhất cho cơ thể, bao gồm:
- Cải bó xôi;
- Cải xoăn;
- Cải rổ;
- Bồ công anh.
Ngoài ra, chế độ ăn uống chứa ít folate cũng sẽ gây ra chứng thiếu máu do thiếu folate. Các loại trái cây họ cam, đậu và ngũ cốc là nguồn cung cấp folate tốt cho cơ thể.
Bên cạnh đó, những loại rau củ giàu vitamin C như cam, ớt đỏ, dâu… giúp dạ dày tăng cường hấp thu sắt tốt hơn.
Thịt đỏ và thịt gia cầm
Tất cả các loại thịt đỏ và thịt gia cầm đều chứa heme iron. Bệnh nhân thiếu máu nên tiêu thụ thịt đỏ hay thịt gia cầm kèm với các loại thực phẩm chứa nonheme iron như rau xanh để giúp tăng cường khả năng hấp thu sắt cho cơ thể.
Gan
Rất nhiều người hay e ngại và tránh xa thịt từ các cơ quan của động vật, tuy nhiên, chúng lại là nguồn cung cấp sắt vô cùng tuyệt vời cho cơ thể. Trong đó, gan là loại thực phẩm điển hình không những giàu sắt mà còn rất giàu folate. Ngoài ra, một vài cơ quan khác của động vật cũng có chứa nhiều sắt bao gồm tim, thận và lưỡi.
Hải sản
Hải sản là nguồn cung cấp heme iron tốt cho cơ thể. Các loại hải sản có vỏ như hàu, trai và tôm đều cung cấp rất nhiều sắt. Bên cạnh đó, cá cũng là một nguồn cung cấp sắt tuyệt vời. Các loài cá giàu chất sắt bao gồm:
- Cá mòi;
- Cá ngừ tươi hay đóng hộp;
- Cá hồi tươi;
- Cá bơn tươi;
- Cá rô tươi;
- Cá tuyết tươi.
Mặc dù cá hồi tươi và cá hồi đóng hộp đều cung cấp sắt tốt cho cơ thể, tuy nhiên, cá hồi đóng hộp lại giàu canxi hơn. Khi canxi kết hợp với sắt sẽ làm giảm khả năng hấp thụ của sắt vào cơ thể. Do đó, bạn không nên ăn thực phẩm giàu canxi kết hợp với thực phẩm giàu sắt cùng một lúc.
Các loại đậu
Các loại đậu là nguồn cung cấp sắt dồi dào cho chúng ta, kể cả người ăn chay. Bạn có thể lựa chọn một vài loại đậu giàu sắt như đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành…
Các loại hạt
Bệnh nhân thiếu máu có thể hấp thu nhiều chất sắt thông qua các loại hạt như:
- Hạt bí ngô;
- Hạt điều;
- Hạt hồ trăn;
- Hạt gai dầu;
- Hạt thông;
- Hạt hướng dương.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với các bệnh nhân thiếu máu. Vì vậy, ngoài việc dùng thuốc và các thực phẩm bổ sung, bạn hãy tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng như sắt để chiến đấu với bệnh thiếu máu nhé.