Đôi khi bạn quên từ, nói câu tối nghĩa, ậm ờ quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ngôn ngữ. Đây là chứng bệnh phổ biến ở trẻ em, song nếu không được điều trị sẽ kéo dài đến cả khi trưởng thành.
Trong quá trình học nói, đôi khi trẻ dùng từ sai cách hay nói câu không đúng ngữ pháp. Khi tình trạng này kéo dài thì bạn cần để tâm vì đây có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ngôn ngữ thường gặp ở trẻ em. Nếu không được chữa trị, bệnh sẽ là một rào cản giao tiếp rất lớn khi trẻ trưởng thành.
Rối loạn ngôn ngữ là gì?
Rối loạn ngôn ngữ là tình trạng một người gặp khó khăn trong việc nói ra những suy nghĩ của bản thân cũng như hiểu những gì người khác đang nói. Bệnh xảy ra ở 10 – 15% trẻ dưới 3 tuổi nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân tới tuổi trưởng thành mới được chẩn đoán bệnh.
Dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em
Nếu phát triển bệnh rối loạn ngôn ngữ khi còn nhỏ, trẻ sẽ có những biểu hiện sau đây:
– Thường xuyên không nhớ tên gọi của những vật dụng xung quanh và dùng những từ thay thế như “cái đó” hay “cái ấy” để thay thế.
– Lẫn lộn những từ có liên quan với nhau, ví dụ như gọi “cái bàn” là “ghế”, gọi “thịt bò” là “thịt gà”…
– Vô thức đảo các âm trong một từ, ví dụ “mèo con” thì đọc thành “mòn ceo”…
– Thường xuyên quên từ và phải tự chế một từ khác để thay thế.
– Nói những câu tối nghĩa hay sắp xếp từ ngữ trong câu sai thứ tự.
– Dùng sai hoặc nói sai thành ngữ, tục ngữ.
– Luôn hiểu mọi thứ theo đúng nghĩa đen nên không hiểu được những câu đùa ẩn ý.
– Không thể tập trung khi nghe người khác nói, đặc biệt là khi có những tiếng ồn như tiếng tivi, tiếng nhạc…
– Không hứng thú khi nói chuyện, ngay cả khi nói chuyện với người nhà hay bạn bè thân thiết.
– Không nhớ thông tin trong cuộc đối thoại vừa xảy ra.
Dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ ở người trưởng thành
Đối với người ở độ tuổi trưởng thành, những biểu hiện của chứng rối loạn ngôn ngữ ở môi trường làm việc có thể là:
– Lo lắng khi phải nói chuyện hay thuyết trình trước mặt nhiều người.
– Gặp khó khăn khi phải trả lời những câu hỏi từ cấp trên, ngay cả khi đã biết câu trả lời.
– Gặp khó khăn trong những cuộc tán gẫu nhỏ ở công ty.
– Không nhớ được những từ ngữ chuyên ngành trong công việc của mình.
– Không theo kịp trong các cuộc họp, đặc biệt trong các cuộc họp có nhiều người phát biểu.
– Nghiêm trọng hóa những câu nói bình thường.
– Gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi khi họp.
– Gặp khó khăn trong việc làm theo các hướng dẫn phức tạp và thường chỉ muốn nhận nhiệm vụ qua email.
Nguyên nhân của chứng rối loạn ngôn ngữ thường không rõ. Tuy nhiên, hai nguyên nhân ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ có thể kể đến là di truyền và dinh dưỡng. Đôi khi một số chấn thương đầu cũng có thể gây ra bệnh.
Triệu chứng rối loạn ngôn ngữ
Bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ có thể bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt, rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận hay cả hai. Bạn hãy tham khảo những triệu chứng sau để hiểu rõ hơn về hai dạng rối loạn ngôn ngữ này.
Triệu chứng rối loạn ngôn ngữ diễn đạt
Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt là khi khả năng nói hay viết của người bệnh bị ảnh hưởng. Những ai mắc chứng này thường gặp vấn đề trong việc nhớ từ vựng, ngữ pháp và chọn từ. Một triệu chứng dễ thấy là người bệnh thường dùng những từ như “ờm”, “ừm” khi không kiếm được từ ngữ phù hợp.
Một số triệu chứng khác của rối loạn ngôn ngữ diễn đạt bao gồm:
- Bỏ mất chữ khi nói
- Nói sai thứ tự từ trong câu
- Khả năng thành lập câu bị hạn chế
- Lặp lại câu hỏi khi suy nghĩ câu trả lời
- Giảm khả năng xây dựng một cuộc đối thoại
- Vốn từ vựng ít hơn so với những người cùng trang lứa
- Giảm khả năng sử dụng từ ngữ và kết nối các câu để giải thích hoặc mô tả một cái gì đó
- Không xác định đúng thời gian xảy ra các hành động trong câu nói (ví dụ như “đang ăn” nói thành “đã ăn”)
Một số triệu chứng kể trên có thể là một phần của quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường nếu trẻ đang trong giai đoạn tập nói. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng trên không cải thiện sau một quãng thời gian thì bé có thể mắc chứng rối loạn ngôn ngữ.
Triệu chứng rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận
Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận là khi bạn không thể tiếp thu hay hiểu thông tin mình nghe được. Điều này có thể khiến sinh hoạt hằng ngày ở trường, nơi làm hay ở nhà trở nên khó khăn.
Ví dụ như một bé 18 tháng tuổi không thể làm theo những hướng dẫn đơn giản như “nhặt đồ chơi lên”, “ngồi xuống” hay “đi vào phòng” thì có thể đã mắc rối loạn ngôn ngữ. Bé trên 30 tháng tuổi không trả lời những câu hỏi của người khác bằng lời nói hoặc bằng cách gật hay lắc đầu cũng là một dấu hiệu của rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận.
Giao tiếp hiệu quả là một phần quan trọng của việc hình thành các mối quan hệ trong xã hội. Những triệu chứng của rối loạn ngôn ngữ nếu không được chữa trị sẽ dẫn đến trầm cảm và các vấn đề về hành vi khác.
Cách điều trị chứng rối loạn ngôn ngữ
Những bệnh nhân rối loạn cần sự hợp tác điều trị của người nhà, thầy cô, chuyên gia ngôn ngữ và bác sĩ. Sau đây là những cách điều trị rối loạn ngôn ngữ mà bạn nên thực hiện càng sớm càng tốt:
1. Kiểm tra sức khỏe
Việc đầu tiên cần làm khi phát hiện triệu chứng rối loạn ngôn ngữ là đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để kiểm tra thể chất. Điều này sẽ giúp loại trừ các bệnh có liên quan như vấn đề về thính giác hoặc suy giảm giác quan khác.
2. Âm ngữ trị liệu
Phương pháp điều trị phổ biến cho chứng rối loạn ngôn ngữ là âm ngữ trị liệu. Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, nguyên nhân và mức độ rối loạn của người bệnh. Quá trình trị liệu sớm thường sẽ mang lại những kết quả khả quan hơn.
3. Chăm sóc tại nhà
Người thân có thể giúp đỡ người bệnh tại nhà bằng các cách như:
- Kiên nhẫn chờ đợi người bệnh tìm câu trả lời
- Giữ sự thoải mái để giảm bớt lo lắng cho người bệnh
- Nói rõ ràng, chậm rãi và chính xác khi đặt câu hỏi cho người bệnh
- Yếu cầu người bệnh nhắc lại hướng dẫn bạn vừa nói bằng từ của riêng họ
Nếu bạn có con bị rối loạn ngôn ngữ ở độ tuổi đi học, bạn nên liên hệ với giáo viên của trẻ để thảo luận về các hoạt động trong lớp.
4. Tâm lý trị liệu
Những khó khăn trong giao tiếp với mọi người có thể gây tâm lý khó chịu, ức chế và thậm chí có thể dẫn đến một số hành vi vượt ngoài tầm kiểm soát. Vậy nên, bệnh nhân có thể cần đến bác sĩ tâm lý trị liệu để cân bằng cảm xúc và hành vi.
Chứng rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, quá trình học tập và hiệu quả công việc của người bệnh. Tuy nhiên, việc ngừa chứng này rất khó khăn vì nguyên nhân gây bệnh thường không rõ ràng. Cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia ngôn ngữ hay tâm lý, bạn sẽ có thể từng bước vượt qua hoặc giúp người thân cải thiện tình hình khả quan hơn.
Như Vũ | HELLO BACSI