Rối loạn nhân cách tránh né là một trong những dạng rối loạn nhân cách. Người mắc bệnh có thể phục hồi gần như hoàn toàn nếu tìm được phương pháp điều trị rối loạn nhân cách tránh né phù hợp.
Các chuyên gia đã sớm xác định được chứng rối loạn nhân cách này thuộc nhóm “rối loạn nhân cách lo lắng”. Theo đó, bệnh có đặc trưng là sự hồi hộp, sợ hãi.
Người mắc chứng rối loạn nhân cách tránh né thường có lòng tự trọng thấp và phản ứng thái quá với các lời đánh giá. Do đó, họ luôn cảm thấy không thoải mái trong các tình huống xã hội, dẫn đến việc tránh né tham gia các hoạt động nhóm và sợ đám đông.
Theo ước tính, thế giới có khoảng 2.5% dân số mắc chứng rối loạn nhân cách tránh né. Bệnh xuất hiện ở cả nam và nữ giới, tiềm ẩn từ khi người bệnh còn trong độ tuổi trẻ em. Cũng như hầu hết các loại rối loạn về nhân cách, căn bệnh này thường không được chẩn đoán ở những người dưới 18 tuổi.
Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách tránh né
Sau chẩn đoán, bác sĩ sẽ chọn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp hiệu quả nhất hiện nay gồm: tâm lý trị liệu, liệu pháp nhận thức hành vi và dùng thuốc.
Tâm lý trị liệu
Đây là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh rối loạn nhân cách tránh né. Theo đó, chuyên gia trị liệu sẽ sử dụng liệu pháp tâm lý nhằm giúp bệnh nhân xác định niềm tin vào bản thân và người khác. Nó cũng nhằm mục đích giúp các hoạt động xã hội của họ được thuận lợi hơn.
Theo Healthline, liệu pháp tâm lý được tiến hành qua các buổi nói chuyện. Từ đó, người bệnh sẽ dần nhận thức được những suy nghĩ vô thức, hiểu được những trải nghiệm trong quá khứ ảnh hưởng đến hành vi hiện tại như thế nào. Điều này cho phép họ kiểm tra và giải quyết những tổn thương trong quá khứ. Sau trị liệu, phần lớn người bệnh đều sẽ có cái nhìn lành mạnh hơn về bản thân và cách người khác nhìn nhận mình. Tâm lý trị liệu mang đến kết quả khả quan và hiệu quả kéo dài.
Trị liệu hành vi nhận thức
Trị liệu hành vi nhận thức (CBT – Cognitive Behavioral Therapy) cũng là một hình thức trị liệu nói chuyện. Theo đó, nhà trị liệu sẽ dùng lời nói để giúp người bệnh nhận ra và thay thế những niềm tin, những suy nghĩ không lành mạnh. Chuyên gia cũng sẽ khuyến khích họ kiểm tra suy nghĩ và niềm tin để xem liệu chúng có cơ sở thực tế hay không. Song song với đó, các ý nghĩ lạc quan sẽ được hình thành.
Có nhiều cách tiếp cận liên quan đến liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức thường được các chuyên gia sức khỏe tâm thần áp dụng, bao gồm: liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT), liệu pháp nhận thức, liệu pháp đa kiểu mẫu, liệu pháp hành vi biện chứng.
Điều trị bằng thuốc
Các tổ chức về y tế lớn trên thế giới vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại thuốc đặc trị nào cho chứng rối loạn nhân cách tránh né. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể kê toa thuốc chống trầm cảm cho bệnh nhân để giảm cảm giác lo lắng cho họ.
Tóm lại, căn bệnh này sẽ khiến cho cuộc sống của bệnh nhân trở nên rất khó khăn. Bệnh nhân cần được áp dụng các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách tránh né càng sớm càng tốt, tránh để xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Rối loạn nhân cách tránh né có thể gây ra biến chứng gì?
Theo các chuyên gia, căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh mà còn có thể xảy ra đồng thời với một số chứng rối loạn nhân cách khác. Chúng bao gồm:
– Rối loạn nhân cách phụ thuộc (người bệnh phụ thuộc quá mức vào người khác khiến cả hai cảm thấy khó chịu, mất dần các chức năng sống).
– Rối loạn nhân cách ám ảnh xã hội (người bệnh thường xuyên lo lắng và tự ý thức quá mức trong các tình huống xã hội phổ biến).
– Rối loạn nhân cách ranh giới (người bệnh gặp khó khăn trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm các mối quan hệ xã hội, hành vi, tâm trạng và hình ảnh bản thân).
Trong từng trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ riêng cho từng dạng và điều trị cùng lúc cho người bệnh. Lúc này, quá trình điều trị sẽ kéo dài hơn và phải kết hợp nhiều phương pháp.
Bên cạnh đó, do đặc thù nhiều bệnh xảy ra cùng lúc mà một số triệu chứng của rối loạn nhân cách tránh né có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Cần có thời gian để các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể chẩn đoán rõ ràng và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Bệnh rối loạn nhân cách tránh né không có khả năng thay đổi tính cách vốn có của bạn. Nếu sự nhút nhát trong bạn ngày một tăng lên, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị sẽ có thể làm giảm các triệu chứng bệnh. Đồng thời giúp bạn phát triển khả năng hòa nhập, kéo dài các mối quan hệ xã hội lành mạnh.
Nguyễn Anh Thư / HELLO BACSI