Mặc dù bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện từ rất lâu nhưng nhiều người khi mắc căn bệnh này lại cho rằng đấy chỉ là cơn sốt thông thường do virus hoặc sốt phát ban, không mấy nghiêm trọng. Chính vì sự sai lầm này đã gây ra không ít biến chứng nghiêm trọng. Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả thì cần phải biết cách phân biệt rõ hai loại sốt trên.
Mỗi khi mùa dịch sốt xuất huyết đến, nhiều gia đình lại vô cùng lo lắng, đặc biệt là với những nhà có con nhỏ. Đôi khi, không ít lần chúng ta bị nhầm lẫn giữa các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết với những triệu chứng của các loại sốt khác còn lại như sốt do virus thông thường.
Vì lẽ đó mà chúng ta chủ quan dẫn đến việc không đi thăm khám hoặc điều trị không đúng phương pháp theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia ” từ đó mà dẫn đến những nguy cơ lớn hơn. Chúng tôi sẽ cho bạn một cái nhìn khái quát nhất về sự khác nhau giữa hai chứng sốt trên, để có biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả nhất.
Phòng chống sốt xuất huyết: Những điểm khác biệt giữa sốt thông thường và sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết hay thường gọi với tên khác là sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm mà do virus gây nên (virus Dengue là loại gây bệnh phổ biến ở Việt Nam). Con đường lây nhiễm cho người là thông qua vết muỗi đốt từ một loại muỗi vằn đã bị nhiễm bệnh.
Sốt phát ban cũng do virus, nhưng chủ yếu lại là virus đường hô hấp như sởi, rubella gây ra. Bệnh lây truyền thông qua sự tiếp xúc với dịch tiết như nước mũi hoặc cổ họng người bệnh.
Trong khi đó, sốt virus là do virus hoặc nhiễm trùng gây ra. Loại sốt này rất dễ xảy ra, không chỉ ở trẻ em, mà cả người lớn cũng có thể mắc một khi sức đề kháng yếu.
Trên đây chỉ là những phân biệt sơ bộ về sự khác nhau giữa các chứng bệnh sốt. Để phòng chống sốt xuất huyết cần tìm hiểu sâu hơn về các dấu hiệu của từng loại riêng biệt:
1. Các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh thường kéo dài từ 7 – 10 ngày với những biểu hiện như: sốt cao trên 39°C trong vòng nhiều ngày, mệt mỏi, chán ăn, chảy máu… Các biểu hiện trên hoàn toàn khá tương đồng với những triệu chứng khi chúng ta bị sốt thông thường. Do đó, bệnh sốt xuất huyết khó có thể nhận ra nếu không thực hiện thêm các xét nghiệm bổ trợ. Một vài triệu chứng điển hình như:
Xuất huyết: khi bị sốt xuất huyết thì trên bề mặt da sẽ xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hoặc những vết bầm. Đây là biểu hiện của xuất huyết dưới da. Đôi khi cũng có thể nhầm lẫn giữa các vết đỏ này với vết muỗi cắn. Bạn có thể phân biệt dễ dàng bằng cách căng vùng da xung quanh chấm đỏ đó, nếu chấm đỏ vẫn còn, người bệnh đã bị sốt xuất huyết, nếu chấm đỏ mất đi thì đó là vết muỗi cắn hay côn trùng đốt.
Hơn nữa, người bệnh cũng có thể bị xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng. Với phụ nữ đang ở kỳ hành kinh, xuất huyết niêm mạc sẽ làm kỳ kinh của họ kéo dài hơn. Việc có kinh cũng có thể đến sớm hơn bình thường khi phụ nữ mắc bệnh. Đối với trẻ em, bên cạnh những ban xuất huyết trên cơ thể thì chúng còn có dấu hiệu khác như tiểu ra máu.
Nghiêm trọng hơn nữa là người bệnh có thể bị biến chứng xuất huyết tiêu hóa với các biểu hiện là đi đại tiện ra máu, nôn ra máu kèm theo các biểu hiện liên quan đến thần kinh như nhức đầu, đau các cơ khớp. Muốn phòng ngừa biến chứng sốt xuất huyết, nhất định bạn cần rõ những thông tin này.
- Sốt cao: là biểu hiện đầu tiên của người bệnh sốt xuất huyết. Tình trạng sốt cao xảy ra đột ngột, nhiệt độ lên đến 39 – 40°C, kéo dài liên tục (khoảng từ 3 – 4 ngày) khiến bệnh nhân thấy mệt mỏi, buồn nôn, có thể có phát ban kèm theo.
- Đau bụng: Đây là tình trạng hay gặp ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ngoài ra, người bệnh có thể có cảm giác khó chịu, buồn nôn, nôn…
- Sốc: được xem là triệu chứng nguy hiểm nhất của bệnh này. Tình trạng này thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến thứ 6 trong quá trình diễn tiến của bệnh. Sốc cũng thường xuất hiện khi người bệnh đang sốt cao đột ngột sau đó lại chuyển sang hết sốt. Biểu hiện của chứng sốc này là mệt mỏi, li bì, chân tay lạnh, tê buốt các đầu chi, đi tiểu ít, có thể đại tiện ra máu. Nếu không kịp thời phát hiện và chữa trị sẽ dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh sốt xuất huyết được xếp vào hàng nguy hiểm do vẫn chưa có thuốc đặc trị, cũng như vaccine phòng bệnh hiệu quả. Thuốc được sử dụng để hạ sốt dùng được cho tình huống này là paracetamol (hay acetaminophen), nhưng lưu ý cần sử dụng theo đúng thời gian dùng thuốc và hàm lượng của từng lứa tuổi để tránh tác dụng phụ có hại.
2. Phòng chống sốt xuất huyết, cần phân biệt rõ với sốt siêu vi
Biểu hiện của chứng sốt này ban đầu giống với sốt xuất huyết, sốt từng cơn, thân nhiệt cao 38-39°C, có lúc 40 – 41°C. Khi sốt siêu vi, đầu và cơ thể có cảm giác đau mỏi, sau đó xuất hiện những triệu chứng ở đường hô hấp trên như: chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ, viêm đường hô hấp, khu vực quanh cổ – mặt – đầu thường có dấu hiệu sưng to, mắt đỏ và chảy nước.
3. Sốt phát ban
Người bị sốt phát ban thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt cao từng cơn 39 – 40°C. Tiếp đến là đau họng, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, nổi hạch và sưng to, sờ vào thấy đau ở vùng đầu, mặt, cổ. Da nổi ban khoảng độ 3 – 5 ngày có thể lặn. Các ban da có thể phân biệt với ban của sốt xuất huyết bằng cách căng da như đã nêu ở trên.
Cách tốt nhất để phân biệt rõ giữa các loại sốt trên là tiến hành làm xét nghiệm máu. Với trường hợp sốt xuất huyết, khi quan sát công thức máu bạn dễ nhận thấy phần bạch cầu và tiểu cầu giảm rõ rệt. Hơn nữa, xét nghiệm kháng nguyên virus Dengue cho kết quả dương tính. Trong khi ở các cơn sốt khác, công thức máu không có nhiều thay đổi.
Cách phòng chống sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành
Chúng ta đều đã biết rằng muỗi vằn chính là “đồng phạm” trong việc phát tán cũng như lây lan mầm bệnh sang người khác. Vì vậy mà để phòng chống sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành thì cách tốt nhất chính là tiêu diệt muỗi vằn và tránh muỗi đốt. Để làm được điều đó, mọi người có thể áp dụng các biện pháp sau:
1. Diệt lăng quăng để diệt muỗi tận gốc
Để phòng chống sốt xuất huyết, điều quan trọng là phải triệt đường sinh sôi của muỗi vằn. Theo đó, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp sau:
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà bằng nắp hoặc nylon để ngăn muỗi vào đẻ trứng.
- Vệ sinh các dụng cụ trên thường xuyên ít nhất 1 tuần một lần, đồng thời có thể thả cá 7 màu để cá ăn lăng quăng.
- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, các vật dụng không sử dụng nên gom và loại bỏ để muỗi không có nơi sinh sống.
- Thường xuyên kiểm tra các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà, nếu phát hiện có lăng quăng thì cần phải xử lý kịp thời.
- Phát quang các bụi cỏ xung quanh nhà để loại bỏ nơi sinh sống của muỗi.
2. Phòng tránh muỗi đốt
Không chỉ tiêu diệt lăng quăng và muỗi, chúng ta cần lưu ý đến việc ngăn ngừa muỗi đốt:
- Nên mặc các loại quần áo sáng màu, dài tay, thoáng mát khi ngủ
- Ngủ màn kể cả vào ban ngày, vì sáng sớm và chiều tối là thời điểm mà muỗi vằn hoạt động rất mạnh
- Diệt muỗi bằng cách dùng bình xịt, nhang muỗi hoặc vợt điện
- Dùng tinh dầu đuổi muỗi
- Có thể tẩm tinh dầu, hóa chất đuổi muỗi lên màn ngủ để xua muỗi
- Muỗi thường thích sống trong các góc tối nên cần dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng hơn.
Tuy có các biểu hiện tương tự với sốt phát ban hay sốt siêu vi nhưng căn bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể nhận biết thông qua các xét nghiệm bổ trợ. Ngoài ra, việc nâng cao hiểu biết về các chứng bệnh sốt thông thường cũng là cách hay không chỉ hữu ích trong việc phòng chống sốt xuất huyết mà còn giúp bảo vệ cả gia đình luôn khỏe mạnh.
Phú Đoàn / HELLO BACSI