Không chỉ trẻ con mới nghiện chơi game, ngay cả người lớn cũng có thể mê mẩn thú vui này đến quên mất mọi thứ xung quanh!
Gần đây có một câu hỏi rất được nhiều người quan tâm, đó chính là kể từ lúc nào mà thú vui chơi game đã từ sự hào hứng, thích thú trở thành một loại nghiện? Để trả lời cho câu hỏi trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bắt đầu bước vào cuộc để tìm hiểu về vấn đề này.
Việc định nghĩa cụm từ “rối loạn chơi game” trong danh sách Phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan (ICD-11) thể hiện sự quan tâm của WHO đối với chứng nghiện phổ biến này. Hello Bacsi sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về rối loạn chơi game thông qua bài viết dưới đây.
Định nghĩa về chứng rối loạn chơi game
Theo WHO, chứng rối loạn chơi game là một hệ quả của những triệu chứng nghiện chơi game. Triệu chứng này được WHO phân chia thành 3 phần chính:
1. Thiếu kiểm soát trong khi chơi game: Một ví dụ dễ thấy ở trường hợp này đó chính là mức độ thường xuyên cũng như thời lượng chơi game của bạn. Có thể trước đây bạn đơn thuần tìm đến game để giảm thiểu căng thẳng, tuy nhiên sau đó bạn thường xuyên chơi game hơn mỗi ngày.
2. Tăng dần mức độ ưu tiên dành cho game: Tiếp theo, bạn sẽ ngày càng có xu hướng đặt việc chơi game bài lên trên những sở thích khác, hoặc thậm chí những trách nhiệm, nhiệm vụ mà bạn cần phải hoàn thành.
3. Triệu chứng ngày càng nặng hơn: Cuối cùng, những biểu hiện của chứng rối loạn chơi game là bạn sẽ tiếp tục chơi game ngày càng nhiều. Bạn cũng không có dấu hiệu suy giảm cho dù đã xuất hiện những hậu quả tiêu cực, kể cả việc gây ảnh hưởng đến cộng đồng, công việc hoặc cuộc sống gia đình.
Tuy nhiên, theo như những cán bộ y tế của WHO, các triệu chứng vừa kể trên phải kéo dài, ít nhất 12 tháng, trước khi các bác sĩ có thể chuẩn đoán rằng bạn đang mắc chứng rối loạn chơi game.
Phân loại triệu chứng để điều trị hiệu quả hơn
Việc phân loại các triệu chứng như vừa liệt kê là một bước tiến lớn trong việc tìm ra cách chữa trị cho chứng rối loạn chơi game. Điều đó giúp mở ra một số phương pháp cũng như dịch vụ để giúp những người đang mắc phải chứng bệnh này.
Bên cạnh đó, việc phân loại này cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy rằng các tổ chức y tế lớn đang dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề trên. Đã có nhiều bậc phụ huynh thắc mắc và lo lắng về vấn đề này hàng năm trời, điều này sẽ giúp họ giảm được phần nào lo âu.
Tuy là trường hợp hiếm khi xảy ra, nhưng một trong những tác hại lớn nhất của việc nghiện chơi game đó chính là có thể dẫn đến tử vong. Đã từng có những người tử vong do chơi game, chủ yếu là do chơi game liên tục trong một thời gian dài cùng với áp lực do game mang lại. Hiện nay, các chuyên gia cũng đã kết luận rằng chứng rối loạn chơi game cũng nằm trong số các triệu chứng rối loạn bị ảnh hưởng bởi các tác động của các chứng nghiện.
Bạn có thể thấy chơi game là một cách tốt để kiểm soát phiền muộn và lo âu, tuy nhiên bạn cần phải biết chơi game một cách điều độ và tránh mắc chứng nghiện chơi game nhé.