Núm vú đau nhức là tình trạng phổ biến đối với phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu bạn đang đau khổ vì tình trạng này và muốn tìm cách giảm đau núm vú, hãy đọc bài viết sau nhé.
Khi mới bắt đầu cho trẻ bú hoặc sữa mẹ chảy ra, nhiều chị em cảm thấy không thoải mái, có khi đau đớn, nhưng hiện tượng này sẽ nhanh chóng qua đi. Tuy nhiên, cơn đau núm vú có thể trở nên dữ dội hơn, từ đó ngăn khả năng sản xuất sữa mẹ, khiến lượng sữa bị giảm sút, thậm chí bé phải cai sữa mẹ sớm. Vậy làm thế nào để giảm đau núm vú? Chúng tôi sẽ mách bạn 7 mẹo hay sau đây.
1. Cho bé ngậm đầu vú đúng cách để giảm đau núm vú
Đây là một trong những chìa khóa thành công trong việc cho trẻ bú mẹ và giúp ngăn ngừa tình trạng đau núm vú. Để ngậm núm vú đúng cách, bé sẽ ngậm được toàn bộ đầu vú cũng như quầng vú của mẹ trong miệng. Núm vú nên ở sâu bên trong miệng trẻ.
Nếu chỉ ngậm núm vú, bé sẽ cố gắng lấy sữa mẹ bằng cách dùng lợi nghiến nhẹ phần đầu vú kèm theo hành động mút mạnh, từ đó gây đau núm vú. Bên cạnh đó, con yêu không nhận được nhiều sữa từ mẹ nên đói và khó chịu. Vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng đau núm vú, bạn hãy cố gắng cho trẻ ngậm được cả núm và quầng vú từ lần bú đầu tiên.
2. Cho con bú đúng tư thế
Tư thế cho bú tốt sẽ tạo cảm giác thoải mái cho bạn và con, đồng thời khuyến khích trẻ ngậm được trọn vẹn núm và quầng vú của mẹ.
- Tư thế ngồi xếp bằng giúp bạn dễ quan sát núm vú cũng như vị trí miệng của con yêu đã đúng chưa.
- Các bác sĩ khuyên chị em nên sử dụng gối lót dưới lưng trẻ để hỗ trợ đặt bé ngang tầm với vú của mẹ.
- Khi bạn ngồi thẳng và không nghiêng người về phía trước, việc cho con bú sẽ diễn ra dễ dàng hơn vì điều này có thể khiến các cơ vùng cổ, lưng, cánh tay bị căng ra.
- Bạn cũng có thể luân phiên thay đổi hai bên vú mỗi lần cho con bú. Khi bạn cho con bú cùng một vị trí, miệng của bé luôn gây áp lực lên cùng núm vú nên dễ gây đau. Tuy nhiên, nếu bạn thay đổi luân phiên hai bên vú có thể giúp ngăn ngừa tình trạng đầu núm vú bị cọ xát nhiều lần mỗi khi con mút sữa.
3. Làm mềm ngực
Căng tức sữa rất phổ biến trong vài tuần đầu tiên cho trẻ bú. Tuy nhiên, ngực của bạn cũng có khả năng bị căng tức nếu không cho con bú mà vú lại sản xuất quá nhiều sữa.
Khi vú trở nên căng cứng, con sẽ gặp khó khăn trong việc bú mẹ. Để giúp quá trình diễn ra dễ dàng hơn, bạn có thể nặn ra một ít sữa trước mỗi lần cho con bú. Điều này làm giảm độ căng và làm mềm các mô vú tạo điều kiện cho bé dễ dàng mút sữa.
4. Cho con bú mỗi 2 – 3 giờ
Dạ dày của trẻ sơ sinh đều rất nhỏ và có thể tiêu hóa sữa mẹ nhanh chóng, dễ dàng. Vì vậy, bé đòi ăn thường xuyên là điều bình thường. Bạn càng trì hoãn thời gian cho con bú càng lâu thì bé sẽ càng đói. Khi đó, trẻ sẽ dùng nhiều sức lực để có thể hút thật nhiều sữa. Từ đó, đầu ngực phải chịu nhiều áp lực nên dẫn đến đau nhức. Thêm vào đó, nếu giữ sữa quá lâu trong người thì bầu ngực của mẹ cũng trở nên căng tức khiến bé càng khó hút sữa hơn.
Sự kết hợp giữa việc con không ngậm được đầu vú và hút mạnh khi được cho bú có thể khiến bạn đau núm vú. Do đó, để tránh tình trạng này xảy ra, bạn cho trẻ ăn ít nhất mỗi 2 – 3 giờ và đừng để bé quá đói mới cho bú.
5. Giữ cho vùng da ngực và núm vú khỏe mạnh
Bạn có thể giữ cho làn da khỏe mạnh và ngăn ngừa đau núm vú bằng một số biện pháp dưới đây:
- Khi vệ sinh vú, bạn chỉ rửa bằng nước ấm, không nên dùng xà phòng chà sát kỹ vì có khả năng làm da khô, kích ứng, nứt nẻ.
- Không cần sử dụng kem, thuốc mỡ để ngăn ngừa các vấn đề về núm vú trước khi chúng bắt đầu. Nhiều sản phẩm đôi khi lại không mang đến tác dụng như mong đợi mà càng khiến tình trạng đau núm vú trở nên trầm trọng hơn.
- Nếu vẫn muốn dùng kem dưỡng ẩm, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn chọn sản phẩm phù hợp.
6. Thay áo ngực, miếng lót thấm sữa thường xuyên
Sữa rỉ ra liên tục khiến nhiều chị em cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, hãy cố gắng thay áo ngực, miếng lót thấm sữa thường xuyên. Nếu không cần thiết, bạn không mặc áo ngực để bầu ngực được thông thoáng. Khi thấy áo ngực ẩm ướt hoặc bẩn, bạn nên thay chiếc khác.
Dù sử dụng miếng lót dùng một lần hoặc loại có thể giặt và tái sử dụng nhiều lần, hãy bạn thường xuyên thay đổi miếng mới. Để những miếng lót này ẩm ướt trong thời gian quá lâu, có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Nếu số lượng vi khuẩn nhiều có thể gây hại cho vú dẫn đến vú bị nứt nẻ, đau núm vú, nhiễm trùng vú hoặc tưa đầu vú.
7. Cẩn thận khi tách con khỏi bầu ngực
Sau khi con bú đủ no, bé thường chìm vào giấc ngủ nhưng miệng vẫn ngậm chặt vú không chịu nhả ra. Chỉ đến khi con ngủ sâu, miệng mới từ từ mở. Lúc đó, bạn mới có thể tách con khỏi bầu ngực để làm những việc khác hoặc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều này đôi khi khiến bạn phải chờ đợi rất mất thời gian.
Nếu con vẫn không muốn rời đầu vú, bạn cũng không nên kéo con ra quá đột ngột. Điều này sẽ khiến núm vú bị tổn thương và gây đau núm vú. Để tách con ra khỏi núm vú, bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây:
- Đặt ngón tay vào khóe miệng của bé để miệng bé mở ra.
- Sau đó, di chuyển ngón tay vào bên trong miệng, chèn lên trên núm vú để đưa núm vú ra ngoài, tránh bị bé nghiến vú.