Mẹ bầu mang thai to: Dấu hiệu đáng mừng hay đáng lo?

(3.63) - 30 đánh giá

Thai to không hẳn là điều đáng mừng bởi tình trạng này ảnh hưởng đến mẹ lẫn em bé trong cả thai kỳ lẫn quá trình sinh nở.

Khi bạn mang thai, bác sĩ sẽ theo dõi kích thước của thai nhi để đánh giá mức độ tăng trưởng của con. Mức độ tăng trưởng là một chỉ số tốt, thể hiện tình trạng sức khỏe của thai nhi. Trong một số trường hợp, thai nhi lại phát triển vượt quá mong đợi.

Một số bà mẹ cảm thấy vui mừng khi bác sĩ thông báo bé cưng trong bụng phát triển đạt đến mức thai to. Thực tế, điều này không hề có lợi cho cả mẹ lẫn con.

Bài viết sau sẽ đem đến các thông tin quan trọng về tình trạng này, bao gồm nguyên nhân, cách điều trị, biện pháp phòng ngừa để bạn trải qua một thai kỳ suôn sẻ và vượt cạn thành công.

Thai to là gì?

Cân nặng của trẻ sơ sinh trung bình khoảng 2,8 – 3,5kg nếu bé sinh đủ tháng. Một thai nhi nặng hơn 4kg thì sẽ được gọi là thai to. Trong trường hợp thai to, nguy cơ mẹ bầu gặp khó khăn khi sinh nở và bé cưng bị chấn thương trong quá trình sinh sẽ tỷ lệ thuận với cân nặng của trẻ. Ngoài ra, nguy cơ gặp phải biến chứng cũng tăng lên khi em bé nặng hơn 4,5kg và nguy cơ cao nhất khi em bé nặng hơn 5kg.

Nguyên nhân gây thai to

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kích thước của bé và đôi khi chính bác sĩ cũng không biết vì sao thai nhi lại phát triển đến kích thước to. Một số ý kiến cho rằng cân nặng của mẹ bầu, sức khỏe và yếu tố di truyền đều góp phần dẫn đến tình trạng thai to. Ngoài ra, còn có các yếu tố sau:

  • Lượng đường trong máu cao: Mẹ bầu có nhiều nguy cơ sinh con nặng cân nếu bị đái tháo đường trước khi mang thai hoặc mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
  • Từng có thai to trước đây: Nếu em bé trước đó chào đời nặng hơn 4kg, bạn có khả năng gặp lại điều này ở lần mang thai tiếp theo.
  • Thừa cân trước khi mang thai: Nếu bị béo phì trước lúc mang thai, mẹ bầu dễ gặp phải thai to.
  • Tăng cân quá nhiều khi mang thai: Những gì bạn bạn ăn và số cân nặng tăng lên trong thời gian bầu bí sẽ ảnh hưởng đến trọng lượng của em bé khi chào đời.
  • Mang thai nhiều lần trước đó: Trường hợp này không phải lúc nào cũng xảy ra nhưng thông thường, bé sau thường nặng cân hơn bé sinh trước đó.
  • Mang thai con trai: Con trai có xu hướng nặng hơn bé gái.
  • Vượt qua ngày dự sinh: Em bé tiếp tục tăng cân và phát triển khi ở trong bụng mẹ. Vì vậy, nếu thời gian mang thai của bạn tiếp tục kéo dài hơn 40 tuần, em bé sẽ càng lớn.
  • Tuổi tác của người mẹ: Bạn có nhiều khả năng gặp phải thai to nếu mang thai trên 35 tuổi.
  • Ăn các loại tinh bột đã qua chế biến: Nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng việc ăn các thực phẩm giàu chất bột đường không chỉ khiến mẹ bầu tăng cân quá nhiều mà còn có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của thai nhi. Điều này còn làm tăng nguy cơ cơ quan của thai nhi phát triển một cách phì đại.

Dấu hiệu nhận biết thai to

Thông thường, việc phát hiện thai to không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, một vài dấu hiệu cảnh báo thai nhi có nguy cơ to như:

  • Bề cao tử cung: Khi bạn đi khám thai, bác sĩ sẽ đo bề cao tử cung (khoảng cách từ xương mu đến đỉnh tử cung) của mẹ bầu. Thông thường, khi thai kỳ bước qua tuần thứ 16, độ dài đo được của bề cao tử cung sẽ tương ứng với tuổi thai tính theo tuần. Nếu bề cao tử cung có kích thước lớn hơn dự kiến, đây có thể là dấu hiệu thai to.
  • Nước ối quá nhiều: Việc mẹ bầu có quá nhiều nước ối có thể là một dấu hiệu cho thấy thai lớn hơn mức trung bình. Lượng nước ối phản ánh lượng nước tiểu của em bé và thai to sẽ tiết ra nhiều nước tiểu hơn.
  • Phương pháp giúp chẩn đoán thai to

    Bên cạnh việc đo bề cao tử cung còn có một số yếu tố để bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng này bao gồm:

    • Cân nặng mẹ bầu: Bác sĩ sẽ theo dõi quá trình tăng cân của bạn và đưa ra những câu hỏi về chế độ ăn uống. Nguyên do là tình trạng béo phì và tăng cân quá mức khi mang thai có nguy cơ dẫn đến thai to.
    • Siêu âm thai: Siêu âm sẽ hỗ trợ xác định kích thước đầu, kích thước vòng bụng và chiều dài xương đùi trên của thai nhi. Những yếu tố này nhằm xác định thai nhi có kích thước lớn hay không.
    • Xét nghiệm tiền sản: Các bài kiểm tra như non-stress test hoặc sơ lược tình trạng lý sinh của thai sẽ được tiến hành để theo dõi sức khỏe em bé.

    Biện pháp ngăn ngừa thai to

    Thực tế là bạn không thể ngăn ngừa thai phát triển đến mức to. Một số thai nhi có kích thước lớn một cách tự nhiên. Nhưng để tránh biến chứng khi thai nhi quá nặng, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng của mẹ bầu trong thời gian mang thai để quá trình bầu bí và chuyển dạ sẽ diễn ra suôn sẻ nhất.

    1. Kiểm soát cân nặng

    Đừng vì tư tưởng ăn cho hai người mà nạp vào cơ thể lượng calo không cần thiết, bạn nên dựa vào lời tư vấn của bác sĩ để lựa chọn thực đơn cho phù hợp. Bạn nên tránh ăn quá nhiều để không gây hại cho cả mẹ lẫn con. Ngoài ra, mức tăng cân lý tưởng gợi ý cho mẹ bầu qua từng tam cá nguyệt cụ thể như sau:

    • Tam cá nguyệt thứ nhất: khoảng: 0,8 – 8kg
    • Tam cá nguyệt thứ hai: khoảng 5 – 6kg
    • Tam cá nguyệt thứ ba: 3 – 5kg.

    2. Kiểm soát lượng đường trong máu

    Nếu mẹ bầu bị đái tháo đường trước khi mang thai hoặc gặp chứng đái tháo đường thai kỳ, hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ để kiểm soát tình trạng này. Việc kiểm soát lượng đường trong máu là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai, bao gồm cả thai to.

    3. Vận động đều đặn

    Việc vận động cơ thể mỗi ngày với cường độ phù hợp sẽ cải thiện sức khỏe mẹ bầu cũng như hạn chế nguy cơ thai phát triển to.

    Thai to ảnh hưởng đến quá trình sinh nở như thế nào?

    Thực tế không có biện pháp điều trị nào cho tình trạng thai phát triển to, thay vào đó, bác sĩ sẽ đưa ra các dự đoán để có thể có sự chuẩn bị tốt nhất cho ca sinh của bạn. Thai to sẽ gây ra một số vấn đề trong quá trình vượt cạn, chẳng hạn như:

    • Thời gian sinh con kéo dài hơn so với thông thường
    • Trẻ sơ sinh gãy xương đòn hoặc một số loại xương khác
    • Trẻ sơ sinh không nhận được đủ lượng không khí cần thiết
    • Sinh khó: Em bé quá to dễ dẫn đến nguy cơ khó sinh do kẹt vai. Tình trạng này có thể gây tổn thương một số dây thần kinh ở cánh tay, vai của bé và gây tổn thương vùng chậu của mẹ.

    Mẹ bầu sinh con khi có thai to như thế nào?

    1. Sinh thường

    Kích thước của em bé không phải là điều duy nhất mà bác sĩ nhìn vào khi lập kế hoạch sinh con cho mẹ bầu. Nếu các dấu hiệu chỉ ra em bé có kích thước lớn thì cũng chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc mẹ bầu bắt buộc phải sinh mổ mà bạn vẫn có thể sinh thường.

    Bác sĩ cũng sẽ xem xét kích thước và hình dạng xương chậu của bạn, vị trí của em bé, sức khỏe cả mẹ lẫn con.

    2. Sinh mổ

    Bác sĩ sẽ gợi ý sinh mổ nếu có lo ngại về sự an toàn của bạn hoặc em bé chẳng hạn như: Em bé ước tính nặng hơn 4,5kg hoặc mẹ bầu bị đái tháo đường.

    Mời bạn tham khảo bài viết: Mách mẹ bầu 9 bí quyết giúp hạn chế sinh mổ lấy thai để cập nhật nhiều thông tin hữu ích.

    Biến chứng thai to đối với trẻ sơ sinh

    Khi bé có trọng lượng vượt quá tiêu chuẩn, con có thể gặp các nguy cơ như:

    • Gặp chấn thương khi sinh ở đầu, vai, tay, xương đòn do bác sĩ dùng dụng cụ hỗ trợ đỡ sinh
    • Trẻ sơ sinh lớn hơn bình thường có nhiều nguy cơ bị hạ đường huyết sau sinh
    • Em bé dễ gặp vấn đề về hô hấp do sinh khó hoặc hít phải phân su
    • Thời gian nằm viện lâu hơn bình thường do bác sĩ muốn quan sát bé kỹ lưỡng hơn
    • Cân nặng khi sinh cũng có liên quan đến cân nặng sau này. Thai lớn có thể dẫn đến béo phì ở trẻ trong tương lai và các vấn đề sức khỏe đi kèm.

    Biến chứng thai to đối với người mẹ

    Việc hạ sinh một em bé có cân nặng từ 4kg trở lên có thể khiến mẹ bầu phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Các nguy cơ bao gồm:

    • Vỡ tử cung
    • Băng huyết sau sinh
    • Tổn thương vùng đáy chậu trong khi sinh như rách tầng sinh môn hoặc đau ở xương sống
    • Tiêu tiểu không tự chủ: rỉ nước tiểu khi bạn hắt hơi, cười hoặc nhảy, són phân.

    Hồi phục sau khi sinh con

    Quá trình hồi phục nhanh chóng sau khi sinh thường với một em bé nặng hơn tiêu chuẩn vẫn có thể xảy ra. Dĩ nhiên, nếu bạn sinh khó hoặc sinh mổ thì giai đoạn này sẽ diễn ra lâu hơn. Do vậy, bạn nên:

    • Nghỉ ngơi đầy đủ
    • Không hoạt động quá sức
    • Tái khám đều đặn, đặc biệt nếu bạn bị đái tháo đường
    • Làm theo những hướng dẫn của bác sĩ để chăm sóc vết mổ, chăm sóc tầng sinh môn.

    Việc lo lắng về kích thước của em bé quá lớn là điều bình thường khi bạn đến gần ngày dự sinh. Tuy nhiên, nếu thai kỳ của bạn được chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng, hầu hết các tình trạng thai to đều chào đời an toàn và không gặp biến chứng nghiêm trọng, lâu dài.

    Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

    • Mẹ bầu bị chuyển dạ kéo dài: Nguyên nhân do đâu?
    • Bà bầu có nên đi làm tóc khi mang thai?
    • Sa tử cung khi mang thai nguy hiểm đến mức nào?
    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    Hậu quả của thiếu máu khi mang thai và sau khi sinh

    (43)
    Theo báo cáo của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế Việt Nam, về tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng và cơ sở thực hiện tăng cường vi chất vào ... [xem thêm]

    Gà Spa: Nơi bạn gửi gắm sắc đẹp

    (85)
    Gà Spa là thương hiệu spa trị mụn và thâm ở Việt Nam hướng đến việc sử dụng những sản phẩm chăm sóc da xuất sứ từ thiên nhiên, chuyên đặc trị mụn ... [xem thêm]

    Quản lý những thay đổi về da và móng trong hóa trị liệu

    (51)
    Trong quá trình thực hiện hóa trị liệu, bạn sẽ thấy những thay đổi về da và móng. Những thay đổi đó là gì? Nó có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của ... [xem thêm]

    Trẻ biếng ăn: Nguyên nhân do đâu và giải pháp kịp thời

    (81)
    Việc chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ biếng ăn là nỗi vất vả của nhiều bậc cha mẹ. Khi bé yêu mắc chứng biếng ăn, bạn thường có xu hướng ép con ... [xem thêm]

    10 điều thú vị mà ba mẹ nên làm với con

    (97)
    Chăm sóc bé cưng là một công việc rất hạnh phúc nhưng cũng không kém phần mệt mỏi. Thế nhưng, ba mẹ có thể giảm bớt những áp lực này thông qua một số ... [xem thêm]

    4 bước giúp bạn tập luyện giữ dáng đạt hiệu quả cao nhất

    (14)
    Kế hoạch tập luyện giữ dáng đòi hỏi bạn cần phải có sự bền bỉ cùng quyết tâm cao độ trong suốt một thời gian dài.Có một lý do khiến nhiều người ... [xem thêm]

    Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tận gốc

    (19)
    Tại Việt Nam, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý thường gặp ở nhiều đối tượng. Chứng bệnh này đã mang lại nhiều phiền toái cho người ... [xem thêm]

    Lưu ý khi cho trẻ ăn kem mà mẹ không thể bỏ qua

    (88)
    Vào những ngày thời tiết nóng nực, kem luôn là một lựa chọn tuyệt vời cho nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Có nhiều ý kiến cho rằng, ăn kem sẽ không ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN