Căng thẳng (stress) là gì?
Căng thẳng là những gì bạn cảm nhận khi phải đương đầu với áp lực, từ thế giới bên ngoài (trường học, công việc, các hoạt động ngoại khóa, gia đình, bạn bè) hoặc từ bên trong mình (muốn làm tốt trong trường, mong muốn hòa hợp với mọi thứ). Căng thẳng là một phản ứng bình thường của con người ở mọi lứa tuổi. Nó được tạo ra bởi bản năng của cơ thể nhằm bảo vệ bản thân từ áp lực về tình cảm hoặc thể chất, hoặc trong trường hợp cực đoan, khỏi nguy hiểm.
Có phải căng thẳng luôn luôn xấu?
Không, trong thực tế, một chút ít căng thẳng là tốt. Hầu hết chúng ta không thể bắt buộc chính mình làm tốt những thứ như – thể thao, âm nhạc, khiêu vũ, làm việc, trường học – mà không cảm thấy áp lực của việc muốn làm tốt. Nếu không có sự căng thẳng gây ra bởi một hạn chót, hầu hết chúng ta cũng sẽ không thể hoàn thành dự án hay đến trường hoặc công ty đúng giờ.
Nếu căng thẳng là bình thường, sao tôi lại cảm thấy tệ hại vậy?
Với tất cả những điều xảy ra ở tuổi của bạn, rất dễ dàng để cảm thấy bị choáng ngợp. Những điều mà bạn không thể kiểm soát thường gây khó chịu nhất, như khi cha mẹ cãi nhau, hoặc cuộc sống xã hội của bạn là một mớ hỗn độn. Bạn cũng có thể cảm thấy tồi tệ khi bạn gây áp lực lên bản thân bạn – giống như có được điểm tốt hoặc để được thăng chức trong công việc bán thời gian. Một phản ứng thường gặp khi căng thẳng là chỉ trích chính mình. Bạn thậm chí có thể buồn bã đến nỗi thấy mọi điều không còn thú vị nữa và cuộc sống có vẻ khá nghiệt ngã. Khi điều này xảy ra, dễ nghĩ rằng bạn chẳng làm được gì để thay đổi sự việc. Nhưng bạn có thể! Hãy xem các mẹo bên dưới.
Dấu hiệu bạn bị căng thẳng
- Cảm thấy chán nản, căng thẳng, tội lỗi, mệt mỏi
- Bị đau đầu, đau bụng, khó ngủ
- Cười hay khóc không có lý do
- Đổ lỗi cho người khác vì những điều xấu xảy ra cho bạn
- Chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của vấn đề
- Cảm giác như điều mà bạn đã từng thích thú không còn thú vị hoặc là một gánh nặng
- Không bằng lòng với người khác hoặc với trách nhiệm của bản thân.
Những điều giúp chống lại căng thẳng
- Ăn đủ chất và điều độ
- Uống ít caffeine
- Ngủ đủ giấc
- Tập thể dục một cách thường xuyên
Làm thế nào tôi có thể đối phó với căng thẳng?
Mặc dù bạn không thể luôn luôn kiểm soát những căng thẳng, bạn có thể kiểm soát cách mình phản ứng với chúng. Cách bạn cảm nhận sự việc dẫn đến cách bạn nghĩ về sự việc. Nếu bạn thay đổi cách suy nghĩ, bạn có thể thay đổi điều mình cảm nhận. Hãy thử một số những lời khuyên để đối phó với căng thẳng của bạn:
Lập một danh sách những điều đang gây ra căng thẳng cho mình. Hãy nghĩ về bạn bè, gia đình, trường học và các hoạt động khác. Chấp nhận rằng bạn không thể kiểm soát tất cả mọi thứ.
Kiểm soát những gì bạn có thể. Ví dụ, nếu bạn đang làm việc quá nhiều giờ và bạn không có thời gian để học, hãy cắt giảm giờ làm việc.
Cho mình thời gian nghỉ ngơi. Hãy nhớ rằng bạn không thể lúc nào cũng làm mọi người hạnh phúc. Và việc mắc sai lầm lúc nào đó là chuyện bình thường.
Không cam kết những điều bạn không thể hoặc không muốn làm. Nếu bạn đang quá bận rộn, đừng hứa hẹn trang trí cho tiệc khiêu vũ ở trường. Nếu bạn đang mệt mỏi và không muốn đi ra ngoài, nói với bạn bè rằng bạn sẽ đi hôm khác.
Tìm một ai đó để nói chuyện. Nói chuyện với bạn bè hoặc gia đình có thể giúp đỡ bạn bởi vì đây là cơ hội cho bạn thể hiện cảm xúc. Tuy nhiên, các vấn đề trong đời sống xã hội hoặc gia đình có thể lại khó nói nhất. Nếu thấy không thể nói chuyện với gia đình hoặc bạn bè, hãy nói chuyện với ai đó bên ngoài. Có thể là linh mục, người quản lý, một tư vấn viên ở trường hoặc bác sĩ gia đình của bạn.
Những gì không thể giúp bạn đối phó với căng thẳng?
Có những cách an toàn và không an toàn để đối phó với căng thẳng. Rất nguy hiểm để cố gắng thoát khỏi vấn đề của bạn bằng cách sử dụng ma túy và rượu. Cả hai có thể rất hấp dẫn, và bạn bè có thể cung cấp cho bạn. Ma túy và rượu có thể có vẻ như câu trả lời dễ dàng, nhưng không phải vậy. Sử dụng ma túy và rượu để đối phó với căng thẳng chỉ gây thêm những vấn đề mới, như nghiện, các căng thẳng khác trong gia đình và vấn đề về sức khỏe.
Tôi đã thử đối phó với căng thẳng, nhưng tôi chỉ cảm thấy muốn đầu hàng
Đây là một dấu hiệu nguy hiểm. Căng thẳng có thể trở nên quá sức giải quyết. Nó có thể dẫn đến những cảm xúc khủng khiếp khiến bạn nghĩ đến việc tự làm tổn thương hoặc thậm chí tự sát. Khi bạn cảm thấy muốn đầu hàng, dường như sự việc chẳng thể nào tiến triển tốt hơn. Khi đó, hãy nói chuyện với ai đó ngay lập tức. Bộc lộ về cảm xúc của mình là bước đầu tiên trong việc học đối phó với stress và bắt đầu cảm thấy tốt hơn.
Tài liệu tham khảo
http://familydoctor.org/familydoctor/en/teens/emotional-well-being/teens-and-stress-who-has-time-for-it.html