Theo thời gian, tầm nhìn sẽ suy yếu dần do lão hóa hoặc một số yếu tố khác gây ra. Một số vấn đề liên quan đến thị lực có thể được giải quyết nhanh chóng nhờ kính đeo mắt.
Thông thường, bạn không nhận thấy khi nào bản thân cần đến kính đeo mắt. Bạn càng lớn tuổi, đôi mắt sẽ càng yếu đi. Ngay cả khi bạn vốn có thị lực hoàn hảo, theo thời gian tầm nhìn của bạn vẫn sẽ kém dần. Đây chính là lúc bạn cần sắm cho mình một chiếc kính đeo mắt.
Theo ước tính từ Bệnh viện Mắt Trung ương, cho đến năm 2018, khoảng 36 triệu người Việt Nam phải nhờ sự hỗ trợ từ kính đeo mắt.
Khi nào bạn cần đến kính đeo mắt?
Thị lực sẽ suy yếu dần theo thời gian, nhưng không phải mọi sự thay đổi về tầm nhìn đều cần đến kính đeo mắt. Chẳng hạn như, có một số hình ảnh hoặc đồ vật bạn cần nhiều ánh sáng để nhìn rõ hoặc bạn gặp khó khăn khi phân biệt màu đen và xanh đen. Điều này hoàn toàn bình thường.
Một số người không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mình cần kính đeo mắt. Các triệu chứng cần kính đeo mắt có thể thay đổi dựa trên vấn đề mà mắt bạn gặp phải. Một số dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Mờ mắt
- Nhìn đôi
- Tầm nhìn bị nhòe
- Đau đầu
- Nheo mắt khi nhìn
- Mỏi mắt hoặc cảm thấy khó chịu ở khu vực mắt
- Tầm nhìn bị bóp mép
- Khó nhìn đường khi lái xe
Nếu bắt gặp bất kỳ triệu chứng nào như trên, bạn nên đến bệnh viện mắt để được kiểm tra kỹ lưỡng. Các bác sĩ nhãn khoa có thể ngay lập tức kiểm tra mắt của bạn và chỉ định một chiếc kính đeo mắt phù hợp.
Bạn có thể muốn tìm hiểu thêm: Những dấu hiệu của bệnh về mắt bạn không được bỏ qua.
Các vấn đề về thị lực
Theo bệnh viện Mắt Trung ương, các tật khúc xạ là vấn đề liên quan đến thị lực phổ biến nhất, bao gồm:
- Cận thị
- Viễn thị
- Loạn thị
- Lão thị
Khúc xạ là hiện tượng giác mạc và thủy tinh thể của mắt bẻ cong ánh sáng truyền đến, khiến nó tập trung ở võng mạc nằm ở phía sau mắt. Đây là điều kiện tiên quyết để bạn có thể nhìn thấy mọi vật. Khi tật khúc xạ xảy ra, ánh sáng truyền đến không còn tập trung ở võng mạc. Nguyên nhân có thể là do sự lão hóa hoặc thay đổi hình dạng của mắt hay giác mạc.
Các vấn đề về thị lực khác bao gồm thoái hóa điểm vàng, bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể. Kính đeo mắt không thể giúp ích gì trong những trường hợp này.
Cận thị
Cận thị là thuật ngữ mô tả tình trạng một người chỉ có thể nhìn rõ những vật ở gần. Tình trạng này xảy ra nếu nhãn cầu quá dài hoặc giác mạc quá cong. Các chuyên gia nhãn khoa ước tính rằng có đến 20–40% trẻ trong độ tuổi từ 6–15 ở khu vực thành thị bị cận thị, trong khi ở nông thôn là 10–15%.
Viễn thị
Trái ngược với cận thị, người mắc bệnh viễn thị chỉ có thể thấy những vật ở xa rõ ràng. Điều này xảy ra khi nhãn cầu quá ngắn hoặc giác mạc có hình dạng bất thường. Theo thống kê từ Bệnh viện Mắt Trung ương, khoảng 5–10% dân số Việt Nam bị viễn thị.
Loạn thị
Loạn thị là thuật ngữ mô tả hiện tượng ánh sáng không phân bố đều trên võng mạc, khiến hình ảnh có thể bị mờ hoặc kéo dài ra. Tuy nhiên, không phải tất cả những người loạn thị đều có tầm nhìn bị bóp méo.
Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Một số người có thể bị nhẹ, nhưng cũng có những người mắc chứng loạn thị nặng và cần đến kính đeo mắt để hỗ trợ thị lực.
Lão thị
Lão thị là một triệu chứng điển hình của sự lão hóa. Thông thường, những người trong độ tuổi từ 38 đến 42 sẽ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu bị lão thị. Các chuyên gia hàng đầu về nhãn khoa cho biết, tỷ lệ lão thị ở Việt Nam đang ngày một tăng, khoảng 81% người trên 45 tuổi mắc phải vấn đề này.
Khi bạn già, mắt sẽ không linh hoạt như trước đây. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tầm nhìn của bạn. Vì vậy, vai trò của kính đeo mắt lúc này đặc biệt quan trọng.
Kết luận
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào đã được đề cập phía trên, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt. Trong trường hợp cơ thể không biểu hiện triệu chứng nào, bạn vẫn nên đi kiểm tra mắt thường xuyên để đảm bảo sức khỏe của mắt cũng như thị lực.
Chỉ có những chuyên gia nhãn khoa mới có thể thực hiện kiểm tra mắt toàn diện và đưa ra kết luận bạn có cần kính đeo mắt hay không. Nếu kết quả chỉ ra rằng bạn cần đeo kính, bác sĩ có thể nói chuyện với bạn về loại tròng kính phù hợp nhất với tình trạng của bạn, cũng như bất kỳ phương pháp điều trị nào khác kèm theo.