Bạn đã bao giờ thắc mắc hormone FSH là gì và nó có vai trò như thế nào đối với sức khỏe của cơ thể chưa? Đây là một trong những nội tiết tố rất quan trọng đối với hệ sinh dục của cả nam và nữ. Nồng độ FSH trong máu có liên quan trực tiếp đến khả năng sinh sản của phụ nữ và đôi khi đó là còn là dấu hiệu của một vài bệnh lý.
Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng nói rõ hơn về hormone FSH, cũng như tìm hiểu xem liệu điều gì sẽ xảy ra khi mức hormone này quá cao hoặc quá thấp.
Hormone FSH là gì?
FSH (Follicle-stimulating hormone) hay hormone kích thích nang trứng, là một trong 2 nội tiết tố hướng sinh dục được sản xuất bởi thùy trước của tuyến yên trong não. Chất còn lại chính là hormone luteinizing (LH), hay còn có tên khác là hormone tạo hoàng thể. Cả 2 nội tiết tố này được gọi chung là gonadotropin.
Hormone kích thích nang trứng nằm trong danh sách những hormone cần thiết cho sự phát triển của trẻ ở tuổi dậy thì. Đồng thời cũng cần thiết cho việc đảm bảo chức năng của buồng trứng ở phụ nữ và tinh hoàn ở nam giới được hoạt động bình thường.
Ở phụ nữ, hormone FSH kích thích sự phát triển của các nang trứng ở giai đoạn đầu, nhằm mục đích tạo trứng trưởng thành để sẵn sàng cho quá trình rụng trứng và bài tiết estradiol. Đối với nam giới, hormone này hoạt động trên các tế bào Sertoli của tinh hoàn để kích thích và duy trì sự sản xuất tinh trùng.
Vai trò của hormone FSH đối với cơ thể là gì?
Bình thường, quá trình sản xuất các hormone gonadotropin được kiểm soát bởi hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) từ vùng dưới đồi, tạo thành một hệ thống gọi là trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục. Hormone GnRH sau khi được tạo ra từ vùng dưới đồi sẽ đi đến liên kết với các thụ thể ở thùy trước tuyến yên để kích thích sự tổng hợp, giải phóng hormone FSH và LH. Sau đó, hai hormone này sẽ phóng thích vào máu, chuẩn bị gắn với các thụ thể ở tinh hoàn và buồng trứng để bắt đầu thực hiện vai trò kiểm soát các chức năng của tuyến sinh dục. Vai trò cụ thể như sau:
Ở nữ giới
Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, sẽ có sự gia tăng nồng độ hormone FSH ở nửa đầu chu kỳ nhằm kích thích sự phát triển của các nang trứng chưa trưởng thành đồng thời giải phóng ra estradiol. Từ đó phát tín hiệu ngược lên vùng dưới đồi và tuyến yên, dẫn đến tăng cường sự bài tiết GnRH và LH để thúc đẩy quá trình rụng trứng.
Ngay trước thời điểm rụng trứng, hormone kích thích nang trứng FSH sẽ đạt mức cực đại. Tại thời điểm rụng trứng, dưới sự tác động của hormone LH, nang trứng sẽ vỡ ra tạo thành hoàng thể và phóng thích ra một lượng lớn progesterone làm ức chế giải phóng FSH. Khi đó lượng hormone FSH trở lại bình thường hoặc có thể giảm nhẹ. Về cuối chu kỳ, hoàng thể bị phá vỡ khiến cho việc sản xuất progesterone giảm dần, tạo điều kiện cho hormone kích thích nang trứng tăng trở lại và bắt đầu một chu kỳ kinh nguyệt mới.
Ở nam giới
Việc sản xuất hormone GnRH được điều hòa bởi mức độ testosterone do tinh hoàn tiết ra. Khi nồng độ testosterone cao, vùng dưới đồi sẽ cảm nhận tín hiệu và giảm tiết GnRH dẫn đến nồng độ hormone FSH, LH cũng sẽ bị giảm. Ngược lại, khi mức testosterone giảm xuống sẽ làm gia tăng hoạt động sản xuất FSH và LH. Đây được gọi là quá trình “’phản hồi âm tính” để duy trì ổn định việc bài tiết testosterone.
Tại tinh hoàn, FSH kích thích sự phát triển của ống sinh tinh và tế bào Sertoli nằm ở thành ống sinh tinh. Ngoài ra FSH cũng có vai trò tiết ra các chất tham gia vào quá trình sinh tinh, chẳng hạn như protein gắn kết androgen (ABP). Trong khi đó, LH sẽ kích thích tế bào Leydig phát triển để tiết ra testosterone. Nồng độ FSH và testosterone trong ống sinh tinh càng cao thì càng làm tăng quá trình sản xuất tinh trùng.
Mặc dù sự hiện diện của FSH cần thiết cho sự trưởng thành của tinh trùng, tuy nhiên cơ thể nam giới có thể không cần FSH trong nhiều tháng vì testosterone có thể đảm nhận và duy trì hoạt động này. Trái lại, lượng FSH ở nữ giới có sự thay đổi nhịp nhàng theo chu kỳ và không thể thiếu đối với quá trình rụng trứng hằng tháng.
Điều gì xảy ra khi mức hormone FSH quá cao?
Đến đây, chắc hẳn bạn đã phần nào hiểu được hormone FSH là gì cũng như tầm quan trọng của nó đối với cơ thể. Vậy câu hỏi đặt ra là, nếu như nồng độ FSH trong máu quá cao thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Thông thường, nồng độ hormone kích thích nang trứng tăng cao là dấu hiệu cho thấy sự bất thường ở buồng trứng hoặc tinh hoàn. Nguyên nhân do các tuyến sinh dục không điều hòa được sự bài tiết cũng như ức chế estrogen, progesterone và testosterone khiến cho việc kiểm soát sản xuất hormone FSH từ tuyến yên bị mất đi, từ đó gây ra sự gia tăng nồng độ của cả hormone FSH và hormone LH. Tình trạng này được gọi là thiểu năng tuyến sinh dục, thường được thấy trong các trường hợp như:
- Không có đủ số lượng tinh hoàn
- Vô kinh nguyên phát
- Suy tinh hoàn, suy buồng trứng
- Hội chứng Klinefelter ở nam giới
- Sau khi cắt tinh hoàn, tử cung
- Dậy thì sớm
Ngoài ra, nồng độ hormone kích thích nang trứng cũng bắt đầu tăng lên một cách tự nhiên ở phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh, điều đó cho thấy sự suy giảm chức năng của buồng trứng và suy giảm sản xuất estrogen và progesterone.
Mặc dù rất hiếm gặp, nhưng tuyến yên phát triển quá mức cũng là một nguyên nhân làm tăng nồng độ hormone FSH. Tình trạng này có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng với các triệu chứng bao gồm: tăng kích thước buồng trứng (có thể gây khó chịu ở vùng chậu) và tăng tính thấm thành mạch, dẫn đến tích tụ chất lỏng trong khoang bụng rất nguy hiểm.
Điều gì xảy ra khi mức hormone FSH quá thấp?
Tương tự như tình trạng mức hormone tăng cao, khi hormone FSH giảm xuống thấp cũng sẽ gây ra một số tác động đến sức khỏe. Cụ thể ở phụ nữ, thiếu hormone kích thích nang trứng dẫn đến sự phát triển không hoàn thiện ở tuổi dậy thì và chức năng buồng trứng bị suy giảm (suy buồng trứng).
Bên cạnh đó, khi mắc hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS) cũng thường có nồng độ FSH trong máu thấp. Khi mắc PCOS, các nang trứng không được kích thích phát triển và không có hiện tượng rụng trứng, do đó có thể dẫn đến vô sinh. Lúc này, chị em phụ nữ rất cần sự tư vấn và can thiệp từ các bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ về khả năng mang thai vào thời điểm thích hợp.
Đa phần để xử lý vấn đề này, các bác sĩ thường sử dụng một dạng hormone FSH đưa vào nhằm kích thích buồng trứng sản xuất noãn bào để thụ tinh nhân tạo trong tử cung (bơm tinh trùng vào buồng tử cung để cho thụ tinh – IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (tinh trùng và trứng được nuôi cấy trong môi trường thuận lợi, tạo điều kiện cho quá trình thụ tinh xảy ra trong ống nghiệm).
Hoạt động của hormone FSH cũng cần thiết cho việc sản xuất tinh trùng ở nam giới. Chính vì vậy, trong trường hợp thiếu hoàn toàn hormone kích thích nang trứng, có thể xảy ra tình trạng vô sinh do thiếu tinh trùng. Đối với việc thiếu một phần hormone này sẽ dẫn đến hiện tượng dậy thì muộn và hạn chế tạo ra tinh trùng, tuy nhiên vẫn có thể sinh con. Sau tuổi dậy thì, nếu tình trạng mất hormone FSH xảy ra thì khả năng sinh sản vẫn bị giảm tương tự.
Qua bài viết này, hy vọng có thể giúp bạn biết được hormone FSH là gì và những vấn đề liên quan giữa hormone này với khả năng sinh sản của cơ thể. Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe cũng như gặp khó khăn trong việc mang thai, hãy đến nhờ sự tư vấn và trợ giúp từ các bác sĩ chuyên khoa để có thể sớm cải thiện tình trạng.