Bạn là một phụ huynh hiện đại với suy nghĩ phóng khoáng hay vẫn đi theo các tư tưởng nuôi dạy con được truyền tai nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác? Vậy thì hãy tìm câu trả lời cho bản thân thông qua 7 tình huống trong bài viết sau.
Hầu hết mọi người đều tuân theo các tư tưởng nuôi dạy con mà bố mẹ của họ đã đặt ra như “học giỏi mới có việc làm”, “lao động trí óc mới nhiều tiền”… nhưng thật ra, chúng đều không còn quá phù hợp với hiện nay. Bài viết sau, Chúng tôi sẽ chỉ ra 7 suy nghĩ bạn nên cân nhắc khi muốn nuôi dưỡng thiên thần nhỏ trở thành một người thành công trong cuộc sống mai sau.
1. Con phải tiết kiệm thật nhiều tiền
Ai cũng phải tiết kiệm nhưng lời khuyên đó của nhiều bố mẹ chưa hẳn đã đúng lắm. Bạn có thể tiết kiệm tiền trong thời gian ngắn nhưng lại nên cân nhắc nếu muốn gửi tiền dài hạn trong ngân hàng. Tích cóp là điều tốt nếu chúng sinh ra lợi nhuận.
Theo xu hướng tài chính, tiền nên được đầu tư thận trọng và không phải ai cũng biết cách làm điều đó. Đó là lý do tại sao các khái niệm cơ bản về lập kế hoạch tài chính rất hữu ích cho mọi người. Ngoài ra, bố mẹ cũng hãy nhắn nhủ với con cái và bản thân rằng: “Đừng làm nô lệ cho đồng tiền mà hãy để nó làm việc cho chúng ta”.
2. Làm gì cũng phải làm tốt hết mức
Đây là một trong những tư tưởng nuôi dạy con mà mọi người đưa ra từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng nếu nhìn vào một ngày của con mình, bạn sẽ thấy bé phải làm rất nhiều việc. Cách duy nhất để hoàn thành tất cả là quyết định những gì nên được thực hiện thật tốt, những việc làm vừa phải và những thứ chỉ cần làm “phiên phiến cho qua”.
Kỹ năng “đánh giá, phân chia nỗ lực” này vô cùng hữu ích trong cuộc sống của người trưởng thành khi nói đến việc phải sắp xếp thời gian cũng như tâm sức giữa công việc, gia đình, sở thích và những thứ quan trọng khác.
3. Cần cù bù khả năng
Đây là tư tưởng nuôi dạy con của nhiều bố mẹ hoặc chính bản thân của bạn cũng sẽ có suy nghĩ: “Siêng năng để đạt được thành công”. Thế nhưng, nếu là người thường xuyên sử dụng Facebook hay các sản phẩm từ Apple, có thể bạn không biết rằng người sáng lập ra những thứ trên chẳng cần cần cù và làm những thứ mình không thích.
Họ chỉ làm những gì mình muốn, yêu mến các ý tưởng của bản thân và có kết quả tuyệt vời. Dĩ nhiên, sẽ vẫn có những người không cần nỗ lực nhưng lại đạt được điều mình muốn. Thành công và chăm chỉ đôi khi chẳng hề đồng nghĩa mà hoàn toàn trái ngược nhau: Bạn càng làm việc ở một nơi mình không thích, thì tỷ lệ hài lòng, ước mơ và cũng như cơ hội để thăng tiến sẽ càng giảm. Do đó, trẻ nhỏ cần được khuyến khích tìm ra niềm vui trong công việc mình đang làm hoặc biết dừng lại khi cảm thấy quá bức bối.
4. Phải biết mọi thứ
“Cái này dễ mà sao con lại không biết?”. Bố mẹ thở dài ngao ngán khi trẻ tỏ ra bối rối lúc được hỏi về một nhân vật nổi tiếng nào đó, thế nhưng bạn có chắc rằng bạn biết hết các nhân vật nổi tiếng? Thật ra, những điều này đều thật sự chẳng ảnh hưởng lắm đến tương lai của bé cũng như con có thể tự chủ động tìm hiểu về những thông tin này trên mạng nếu có hứng thú.
Biết được nhiều kiến thức chung là một điều tuyệt vời, song hầu như chúng đều không áp dụng được nhiều vào thực tế. Chính vì thế, bố mẹ hãy hướng dẫn cho con cách tra cứu tư liệu hoặc quản lý thời gian.
5. Phải có một công việc ổn định
Trong tư tưởng dạy con của một vài ông bố, bà mẹ chắc chắn sẽ có suy nghĩ: “Phải có công việc văn phòng mới gọi là được” và tỏ ra không hài lòng khi trẻ bộc lộ ước mơ muốn được làm nhà văn hoặc thợ chụp ảnh. Dĩ nhiên, rất nhiều ước mơ đã bị dập tắt bởi định kiến như vậy. Thế giới ngày nay đang thay đổi và chưa hẳn những gì bạn cho là tốt sẽ luôn như thế, chỉ có những ai đủ linh hoạt và can đảm mới có thể đạt được thành công.
6. Thăng chức là thành công khi đi làm
Rất nhiều người không biết rằng phát triển nghề nghiệp không chỉ đi theo chiều dọc (nhân viên thăng chức thành quản lý, trưởng phòng lên giám đốc), mà là theo chiều ngang. Có rất nhiều ví dụ về tăng trưởng nghề ngang như trong trường hợp người dùng Facebook trở nên nổi tiếng vì kỹ thuật may vá của mình.
Ngày nay, bất kỳ sở thích nào cũng có thể trở thành công việc và phát triển cá nhân đang trở thành một trong những điều quan trọng nhất đối với sự nghiệp. Nếu một đứa trẻ không quan tâm nhiều đến toán học nhưng vẽ rất tốt, tại sao chúng ta không khuyến khích bé nhiều hơn thay vì thuê giáo viên dạy kèm môn toán?
7. Xem con như đứa trẻ
Bạn cũng nên nhớ rằng không nhất thiết phải bảo vệ con hay làm thay bé quá nhiều nếu muốn con tự lập. Trẻ sẽ phải đưa ra quyết định và tự chăm sóc bản thân nhiều hơn. Nếu cứ mãi bảo bọc, bé sẽ không thể đối mặt với thực tế và vượt qua khó khăn của riêng mình, bởi trẻ chẳng hề biết làm thế nào để làm điều đó.
Trong một số trường hợp, tình thương đôi khi lại mang đến tác dụng ngược. Lúc bé lớn lên, con sẽ nảy sinh cảm giác muốn được thoát khỏi vòng tay của bố mẹ và tìm kiếm sự tự do mong muốn bấy lâu. Nhưng rồi kinh nghiệm non nớt cộng thêm sự tự tin quá mức sẽ khiến trẻ chới với giữa muôn hình vạn trạng của cuộc sống, từ đó dẫn đến kết quả xấu nếu người lớn không kịp thời hỗ trợ.
Hãy thay đổi
Các chuyên gia cho rằng chúng ta cần phải có những kỹ năng nhất định cũng như tư tưởng nuôi dạy con thích hợp với lối sống hiện đại ngày nay:
- Trò chuyện với con thay vì chỉ ra lệnh: “Ngồi xuống và nghe đây”.
- Khả năng hợp tác để hòa hợp với mọi người.
- Có sự sáng tạo và khả năng suy nghĩ vượt qua giới hạn.
- Phát triển các kỹ năng tư duy phản biện để giúp con tồn tại trong thế giới thực.