Giãn mao mạch mạng nhện là tình trạng mạch máu ngoằn ngoèo và lan rộng như hình mạng nhện. Bệnh thường xuất hiện ở những người phải đứng lâu và tùy vào mỗi người sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.
Giãn mao mạch hình mạng nhện giống như hiện tượng giãn tĩnh mạch thông thường nhưng diện tích nhỏ hơn và các mạch máu nằm sát bề mặt da hơn. Đây là những mạch máu màu đỏ, tím hoặc xanh xoắn và lan rộng giống như hình cành cây hay mạng nhện. Tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở chân hoặc mặt và có thể lan ra một vùng da nhỏ hay lớn.
Nguyên nhân gây ra giãn mao mạch hình mạng nhện
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ giãn mao mạch hình mạng nhện, bao gồm: tuổi tác, bệnh sử gia đình có bệnh lý tĩnh mạch hình mạng nhện, bệnh sử cá nhân bị huyết khối, các phẫu thuật tĩnh mạch trước đó, dùng thuốc tránh thai... Tình trạng này phát triển phổ biến hơn ở nữ giới do nội tiết tố thay đổi trong tuổi dậy thì, mang thai, cho con bú, mãn kinh. Những người có công việc đòi hỏi thời gian đứng lâu như bán hàng, công nhân nhà máy, y tá, bác sĩ phẫu thuật, nhà tạo mẫu tóc, giáo viên cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Thiếu tập luyện thể dục và béo phì cũng là những yếu tố dẫn đến căn bệnh này.
Triệu chứng
Xuất hiện mao mạch dạng lưới trên da là dấu hiệu rõ ràng nhất của giãn mao mạch hình mạng nhện. Nhiều người còn có cảm giác khó chịu ở chân như đau, chuột rút, rát, ngứa, đặc biệt tăng nặng hơn khi họ đứng trong thời gian dài. Triệu chứng ít gặp hơn là sưng, da tím đen và loét. Những triệu chứng này có thể nặng hơn ở phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi mang thai.
Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bạn
Sử dụng tất. Mang tất là phương pháp điều trị bảo tồn tốt nhất bởi chỉ cần mang tất đúng cách, bạn có thể giảm các triệu chứng hiệu quả vì những chiếc tất sẽ đặt áp lực lên mạch máu. Có loại tất dưới đầu gối, trên đầu gối và tất quần, bạn có thể dễ dàng mua được chúng.
Xơ hóa. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tiêm hóa chất kích thích (nước muối sinh lý nồng độ cao) vào các tĩnh mạch bị ảnh hưởng, khiến các tĩnh mạch co thắt và thu nhỏ lại. Sau một thời gian, tĩnh mạch kín không còn dẫn máu và trở thành mô sẹo rồi dần dần biến mất.
Điều trị bằng tia laser trong lòng tĩnh mạch. Các bác sĩ sẽ sử dụng một tia laser nhỏ chèn vào tĩnh mạch. Các xung ánh sáng laser được đưa vào bên trong tĩnh mạch khiến các tĩnh mạch co và teo lại. Để thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ. Bác sĩ cũng có thể chèn một ống thông nhỏ vào tĩnh mạch để đưa năng lượng sóng siêu âm vào làm nóng các thành tĩnh mạch và đóng mạch lại.
Thay đổi lối sống. Bạn nên giữ vệ sinh tốt. Đồng thời thực hiện các bài tập thể dục thích hợp và giảm cân (nếu cần thiết) cũng có thể đem lại hiệu quả trong quá trình điều trị.