Trẻ mấy tháng biết ngồi là câu hỏi mà nhiều người lần đầu làm mẹ quan tâm. Ngồi không chỉ là dấu hiệu của sự phát triển mà đây còn là cột mốc đáng nhớ giúp trẻ học được nhiều điều thú vị.
Các mốc phát triển như lẫy, ngồi, bò, lần đầu tiên cười hay vỗ tay đều là các kỹ năng của trẻ sơ sinh được các ông bố bà mẹ vô cùng mong chờ. Rất nhiều cha mẹ thắc mắc mấy tháng bé biết ngồi hoặc lo lắng sao mãi mà con chưa ngồi được. Dưới đây là lời giải đáp cho câu hỏi trẻ mấy tháng biết ngồi, bạn hãy dành vài phút xem qua để yên tâm rằng bé cưng vẫn đang phát triển bình thường và không có gì phải lo lắng cho sức khỏe của con.
Giải đáp câu hỏi trẻ mấy tháng biết ngồi
Ngồi là một trong những cột mốc phát triển quan trọng trong quá trình phát triển kỹ năng vận động của trẻ. Học ngồi là một kỹ năng cực kỳ thú vị bởi kỹ năng này sẽ là chìa khóa để mở ra một thế giới vui chơi và khám phá hoàn toàn mới cho trẻ. Đồng thời, việc thực hiện được kỹ năng này cũng sẽ giúp cho các bữa ăn của bé trở nên thú vị hơn.
Thông thường, trẻ nhỏ sẽ biết lẫy khi được 3 – 4 tháng tuổi và chuyển sang biết chống tay rồi tự ngồi dậy trong khoảng 6 – 7 tháng tuổi. Những bé biết ngồi sớm thường rơi vào khoảng 6 tháng tuổi và đa phần hầu hết các bé sẽ thành thạo kỹ năng này từ 7 đến 9 tháng tuổi. Mốc phát triển vận động của trẻ cụ thể như sau:
- Sơ sinh: Thời gian nằm sấp
- 4 – 6 tháng: Ngồi có sự hỗ trợ
- 4 – 9 tháng: Ngồi không cần hỗ trợ
- 6 – 10 tháng: Bé bắt đầu tập bò
- 9 – 15 tháng: Bé bắt đầu biết đi
Bé học ngồi như thế nào?
Để giải đáp cho câu hỏi trẻ mấy tháng biết ngồi thì bạn cần biết điều kiện để bé có thể ngồi vững là phần đầu và cơ cổ phải mạnh mẽ và cứng cáp. Do đó, bé chỉ bắt đầu biết ngồi khi có thể kiểm soát được đầu.
- Khi muốn ngồi, bé sẽ tự chống phần trên cơ thể lên bằng cả 2 tay và giữ ngực không chạm đất. Đồng thời, bé cũng học cách tự lật mình và lăn tròn.
- Đến 5 tháng tuổi, bé có thể ngồi trong một khoảng thời gian ngắn nếu được đặt ở tư thế ngồi. Ở giai đoạn này, do bé rất dễ bị ngã vật ra 2 bên nên mẹ cần ở bên cạnh giúp bé ngồi và đặt gối xung quanh để bé không bị ngã.
- Sau một thời gian, bé sẽ học cách duy trì sự cân bằng trong khi ngồi bằng cách nghiêng người về phía trước, chống bằng một hoặc cả hai tay để tạo thành thế “kiềng 3 chân”.
- Đến tháng thứ 7, bé có thể ngồi mà không cần hỗ trợ, bé có thể dùng tay để khám phá mọi thứ xung quanh và học cách xoay người để lấy thứ bé muốn.
- Ở thời điểm này, thậm chí, bé có thể chuyển từ tư thế nằm sấp thành tư thế ngồi bằng cách đẩy mình lên. Đến tháng thứ 8, bé có thể ngồi vững mà không cần sự hỗ trợ.
Khi đã quen với việc ngồi, trẻ sẽ thích ngồi và dành thời gian ngồi nhiều hơn. Song song với việc quan tâm trẻ mấy tháng biết ngồi, bạn nên quan tâm đến việc phát triển kỹ năng bò của trẻ. 2 kỹ năng này sẽ phát triển song song cho đến khi trẻ học cách đứng dậy và bước đi.
Làm thế nào để giúp bé ngồi?
Mọi đứa trẻ sẽ tự biết ngồi theo quy luật phát triển tự nhiên, tuy nhiên, do việc tự ngồi độc lập cần sự thay đổi trọng lượng và kiểm soát phương hướng nên bé sẽ cần thực hành thường xuyên. Để giúp bé sớm ngồi vững, bạn có thể:
- Tập nhiều lần để giúp bé nhanh chóng ngồi thạo. Tuy nhiên, đừng hỗ trợ bé mọi lúc, thay vào đó, hãy cho bé không gian riêng để tự do khám phá các chuyển động của cơ thể. Chính việc tự nâng cao thân mình, nâng cao đầu sẽ giup bé tự nhận ra khả năng chống đỡ của mông và chân.
- Để bé tập nằm sấp và chơi trên sàn ít nhất 2 – 3 lần một ngày. Điều này rất có lợi cho việc vừa tập ngồi, tập bò, vừa lăn tròn. Ngoài ra, bạn có thể đặt đồ chơi xung quanh để kích thích bé ngồi dậy, vươn ra và lấy chúng. Mẹ đừng quá bận tâm đến việc bé mấy tháng biết ngồi và hối thúc con tập ngồi, bởi bé có thể tự tập luyện và tập ngồi một cách tự nhiên khi con đã sẵn sàng.
- Đặt bé vào lòng để tập ngồi. Bạn có thể kẹp 2 chân bé vào đùi khi ngồi hoặc đặt bé trong lòng khi ngồi khoanh chân trên sàn. Chú ý đừng để lưng bé bị vẹo, cong khi ngồi. Trong khi ngồi, mẹ có thể cùng bé đọc sách, nghe nhạc hoặc thử chơi các trò chơi vận động chẳng hạn như xếp gỗ.
Khi bé đã ngồi vững, bạn hãy đặt bé ngồi trên sàn một mình và để gối hoặc đệm xung quanh để bé không bị thương khi ngã.
Tại sao thời gian nằm sấp (tummy time) lại quan trọng với việc học ngồi của trẻ?
Thời gian nằm sấp hay tummy time là khoảng thời gian bé được nằm sấp dưới sự quan sát và theo dõi của bố mẹ. Mục đích của phương pháp thực hành này là để tăng cường cơ cổ, giúp bé học ngồi dễ dàng hơn. Nếu bé không thích nằm sấp trong thời gian dài, bạn có thể cho bé tập vài lần mỗi ngày và kéo dài trong vài phút. Để khuyến khích trẻ tập nằm sấp, bạn cũng có thể nằm sấp chung với bé trong tư thế ngang tầm mắt để bé có thể nhìn thấy khuôn mặt bạn, từ đó bé sẽ cố gắng nằm sấp lâu hơn. Bạn cũng có thể thử đặt một chiếc gương trên sàn để bé có thể nhìn thấy khuôn mặt của chính mình.
Trẻ mấy tháng biết ngồi thì được coi là muộn?
Nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng và bối rối khi bé cưng nhà mình mãi mà vẫn không ngồi được dù “con nhà hàng xóm” cùng độ tuổi đã ngồi vững. Bạn luôn thắc mắc chính xác trẻ mấy tháng biết ngồi? Bé có đang gặp vấn đề sức khỏe nào không? Thực tế, mỗi bé có một tốc độ phát triển khác nhau, do đó, bạn không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, nếu bé 4 tháng tuổi vẫn không thể giữ đầu lên hoặc không thể dùng tay chống đỡ hoặc sang tháng thứ 9 vẫn không thể ngồi, bạn nên cho bé đi khám chuyên khoa nhi. Bởi đây có thể là dấu hiệu của sự chậm phát triển kỹ năng vận động thô. Ngoài ra, cũng có một số biểu hiện trong suốt quá trình phát triển cho thấy sự chậm phát triển về kỹ năng vận động của trẻ mà mẹ cần chú ý như:
- Tay chân bé mềm hoặc cứng hơn bình thường
- Các chuyển động, động tác của bé yếu
- Đưa tay không thường xuyên
- Khả năng nâng và giữ đầu kém
- Ít khi với theo đồ vật, không cầm, nâng cao hoặc đưa đồ vật lên miệng
Lưu ý khi tập ngồi cho bé
- Trẻ nhỏ được đặt ở tư thế ngồi quá sớm hoặc trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của kỹ năng khác. Do đó, tốt nhất, bạn nên để trẻ phát triển một cách tự nhiên hoặc chỉ khi có dấu hiệu tập ngồi, bạn mới nên tập cho bé ngồi.
- Trong quá trình tập ngồi, bạn nên đảm bảo khu vực xung quanh được an toàn, không có vật dụng gây nguy hiểm như ổ cắm điện, dao kéo, vật liệu độc hại, đồ chơi quá nhỏ… vì trẻ có thể với tay và chạm vào chúng.
- Luôn quan sát để hỗ trợ trong trường hợp bé bị té ngã. Bạn có thể dùng gối, mền hay lót thảm mềm để hỗ trợ.
- Trong thời gian tập ngồi, bạn đừng quá phụ thuộc vào các sản phẩm hỗ trợ bởi những sản phẩm này có thể khiến bé trở nên “lười” hơn vì không cần phải nỗ lực nhiều mà vẫn có thể ngồi được.
Qua những chia sẻ trên, hẳn bạn đã có lời giải đáp cho câu hỏi “trẻ mấy tháng biết ngồi” rồi đúng không? Thực tế, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này vì nó sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của từng bé. Tuy nhiên, nếu vẫn còn băn khoăn, đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ để có lời giải đáp nhé.