Bạn có cần phải nhịn chuyện yêu khi mang thai vì sợ không an toàn cho con? Thật ra, tùy vào giai đoạn bầu bì, bạn vẫn có thể “yêu” mà không cần nhịn.
Khi mang thai, đời sống tình dục sẽ có thay đổi ít nhiều. Vì vậy, bạn nên trò chuyện thẳng thắn với chồng để “chuyện yêu” trở nên thoải mái hơn mà vẫn an toàn cho thai nhi.
Bảo vệ mình trước các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Nếu có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) thì bạn phải hoàn toàn tránh xa tình dục hoặc sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ và màng chắn miệng mỗi khi quan hệ bằng miệng. Tất cả phụ nữ mang thai đều phải được kiểm tra HIV, HBV, giang mai và chlamydia.
Ngay cả khi bạn không có nguy cơ mắc bệnh cao, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể ẩn nấp nhiều năm trong cơ thể mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Vì vậy, bạn phải chắc chắn rằng bạn hoặc bạn đời đã không quan hệ với ai khác mắc bệnh trong quá khứ. Bác sĩ sẽ khuyên bạn không nên hoặc giới hạn việc quan hệ nếu bạn bị:
- Nhiễm trùng
- Có tiền sử sinh non
- Có tiền sử sẩy thai
- Rò rỉ nước ối hoặc vỡ nước ối
- Xuất huyết âm đạo
- Nhau tiền đạo
- Bất túc cổ tử cung
- Đau khi giao hợp.
Đa phần bác sĩ sẽ đề nghị các cặp vợ chồng ngừng quan hệ tình dục trong những tuần cuối của thai kỳ. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ cho bạn lời khuyên về việc giới hạn số lần “yêu” nếu cần thiết. Bạn cũng nên cho bác sĩ biết nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào khác lạ như những cơn co thắt, chảy máu… để xác định xem bạn có nên tiếp tục quan hệ không.
Bạn cũng nên chia sẻ với chồng về cảm giác của mình trong “cuộc yêu”. Điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh được đời sống tình dục của mình trong thai kỳ.
Đời sống tình dục ở các giai đoạn của thai kỳ
Một số phụ nữ thường cảm thấy muốn quan hệ nhiều hơn khi mang thai do sự thay đổi của các hormone trong cơ thể. Trong khi một số người lại nghĩ rằng “chuyện yêu” tùy thuộc vào 3 giai đoạn của thai kỳ.
1. Tam cá nguyệt thứ nhất
Trong 3 tháng đầu mang thai, các triệu chứng ốm nghén có thể làm bạn giảm ham muốn tình dục. Đi tiểu thường xuyên, đau ngực, mệt mỏi, buồn nôn… sẽ choáng hết tâm trí của bạn.
2. Tam cá nguyệt thứ hai
Bụng bạn bắt đầu xuất hiện nhưng nó chưa gây cản trở đến việc “yêu”. Các triệu chứng ốm nghén cũng giảm dần, giúp “cuộc yêu” trở nên hấp dẫn hơn. Bạn sẽ nhận thấy mình ham muốn hơn do lưu lượng máu chảy đến vùng bụng và vùng chậu ngày càng tăng. Điều này cũng giúp bạn dễ dàng đạt cực khoái.
3. Tam cá nguyệt thứ ba
Ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, sự chú ý của bạn đã chuyển sang quá trình sinh nở. Vợ chồng bạn hãy thử nghiệm để tìm ra tư thế thoải mái nhất để quan hệ, nhất là khi bụng ngày càng to hơn. Ví dụ, tư thế quan hệ truyền giáo (người đàn ông ở trên) sẽ càng khó khăn hơn khi thai nhi ngày một phát triển và gần như không thể thực hiện vào giai đoạn cuối của thai kỳ.
Nếu bạn sử dụng tư thế này sau 3 tháng đầu mang thai, hãy kê một chiếc gối ở phía dưới để cơ thể bạn nghiêng, không thẳng lưng và đảm bảo rằng bạn tình có thể chống đỡ được và không đè lên phần bụng. Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm 5 tư thế quan hệ khi mang thai dành cho bà bầu tại đây
Khi nào thì nên gặp bác sĩ?
Bạn thường cảm thấy đau bụng trong hoặc ngay sau khi giao hợp hay đạt cực khoái. Nếu tình trạng này không biến mất sau vài phút hoặc nếu bạn bị đau, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm soát kịp thời.
Đừng ngần ngại nói chuyện với bác sĩ bất cứ khi nào bạn thắc mắc về tình dục, đặc biệt nếu bạn không chắc chắn về việc phải kiêng cữ hoặc lo ngại về sự an toàn của thai nhi. Nếu bác sĩ không khuyến khích việc quan hệ tình dục khi mang thai, bạn cần tránh giao hợp và đạt cực khoái. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham vấn bác sĩ về vấn đề tình dục sau khi sinh.
Bài viết trên đây hy vọng sẽ giải đáp được phần nào các thắc mắc của mẹ bầu về vấn đề tình dục khi mang thai. Chúc các mẹ bầu có những trải nghiệm tình dục khi mang thai thật an toàn và vui vẻ.