Sưng nướu răng có thể là dấu hiệu bạn đã bị viêm nướu, nhiễm trùng nướu, thiếu vitamin… Bạn cần tìm cách giải quyết các vấn để trên để cải thiện tình trạng nướu răng bị sưng đau đớn.
Khi bị sưng nướu răng, bạn có thể gặp khó khăn khi nói chuyện, ăn uống. Biết nguyên nhân và cách trị sưng nướu răng sẽ giúp bạn mau chóng thoát khỏi tình trạng này!
Nguyên nhân gây sưng nướu
Nướu không khỏe có thể sưng và đau. Một số tác nhân có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nướu có thể kể đến như sau.
1. Sưng nướu răng do viêm
Viêm nướu là nguyên nhân phổ biến nhất khiến nướu răng bị sưng. Bệnh này có thể khiến nướu bị kích ứng và sưng lên nhưng các triệu chứng có thể khá nhẹ nên thường ít được chú ý điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn không xử lý tình trạng viêm nướu sớm, bệnh này có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như viêm nha chu hay rụng răng.
Viêm nướu thường do thói quen vệ sinh răng miệng không đủ sạch khiến mảng bám tích tụ giữa nướu và răng. Mảng bám là một màng gồm vi khuẩn và thức ăn trên bám răng. Mảng bám không được làm sạch trong vài ngày sẽ cứng lại và trở thành cao răng.
Cao răng thường cứng nên bạn khó có thể loại bỏ tại nhà bằng cách dùng chỉ nha khoa hay đánh răng thông thường. Trong trường hợp này bạn cần đến nha sĩ để lấy cao răng để ngừa bệnh viêm và sưng nướu răng.
2. Sưng nướu do mang thai
Tình trạng nướu răng bị sưng cũng có thể xảy ra trong thai kỳ khi mức độ các hormone trong cơ thể bạn thay đổi khá nhiều. Sự thay đổi hormone trong thai kỳ có thể làm tăng lưu lượng máu tới nướu, khiến nướu dễ bị kích thích và sưng hơn. Ngoài ra, sự thay đổi hormone cũng có thể giảm khả năng chống vi khuẩn gây nhiễm trùng nướu nên sẽ làm tăng nguy cơ viêm nướu.
3. Nướu răng bị sưng do suy dinh dưỡng
Bạn có thể bị sưng nướu răng nếu thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B và C. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phục hồi sức khỏe răng miệng. Nếu mức vitamin C quá thấp, bạn có thể bị bệnh Scorbut. Ngoài sưng nướu răng, bệnh Scorbut còn có một số dấu hiệu bạn nên chú ý như:
- Dễ bị bầm tím
- Dễ cáu kỉnh và buồn rầu
- Đau khớp hoặc đau chân nặng
- Luôn cảm thấy rất yếu và mệt mỏi
- Xuất hiện các đốm đỏ hoặc xanh trên da, đặc biệt là ở cẳng chân
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh Scorbut là gì?
4. Sưng nướu hoặc sưng chân răng do nhiễm trùng
Nhiễm trùng do nấm và virus có thể gây ra tình trạng sưng nướu. Một số tình trạng nhiễm nấm và virus có thể kể đến là:
• Bệnh Herpes ở miệng: Bệnh Herpes có thể gây viêm loét ở miệng và nướu, từ đó dẫn đến sưng nướu răng.
• Nấm miệng: Nấm men trong miệng nếu phát triển quá nhiều cũng có thể gây bệnh nấm miệng hay còn gọi là nấm lưỡi hay tưa lưỡi.
• Sâu răng: Những răng đã sâu nếu không được điều trị có thể dẫn đến áp xe răng và sưng nướu răng.
Ngoài những nguyên nhân phổ biến kể trên, một số nguyên nhân ít phổ biến hơn khiến nướu răng bị sưng là:
– Răng giả gây kích ứng nướu
– Dùng một số loại thuốc có tác dụng phụ
– Mắc một số bệnh toàn thân như tiểu đường
– Dùng kem đánh răng hay nước súc miệng có chất gây kích ứng
Cách trị sưng nướu răng
Khi phát hiện nướu răng bị sưng, bạn có thể áp dụng một số cách trị sưng nướu răng tại nhà hoặc đến gặp nha sĩ nếu tình trạng nặng hơn.
Điều trị sưng nướu răng tại nhà
Bạn cần chăm sóc nướu răng bị sưng nhẹ nhàng và cẩn thận. Sau đây là một số cách trị sưng nướu răng đơn giản mà bạn có thể áp dụng tại nhà:
– Đánh răng cũng như dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng và nướu nhẹ nhàng. Răng và nướu khi được làm sạch sẽ bớt đau và sưng hơn. Tuy nhiên khi thực hiện, bạn cần cẩn thận và nhẹ tay để tránh làm kích ứng nướu.
– Súc miệng bằng nước muối để loại bỏ vi khuẩn trong miệng.
– Uống nhiều nước vì nước sẽ giúp kích thích sản xuất nước bọt có chức năng làm suy yếu vi khuẩn gây bệnh trong miệng.
– Tránh các tác nhân gây kích ứng cho răng miệng như nước súc miệng quá mạnh, đồ uống có cồn và thuốc lá.
– Bạn có thể đắp gạc lạnh lên má ở vùng nướu sưng để giúp giảm sưng nướu. Sau đó nếu nướu bị đau, bạn có thể đắp gạc nóng.
Áp dụng các thủ thuật y tế
Nếu nướu răng sưng hơn hai tuần dù bạn đã áp dụng các cách chăm sóc răng miệng ở nhà, bạn nên đến nha sĩ để có hướng giải quyết phù hợp. Nha sĩ sẽ hỏi bạn về thời điểm và tần suất xuất hiện của các triệu chứng. Bạn cũng nên cho nha sĩ biết mình có đang mang thai hay có thay đổi chế độ ăn uống gần đây không. Sau khi có đầy đủ thông tin, nha sĩ có thể sẽ chỉ định chụp X-quang hoặc xét nghiệm máu nếu cần thiết.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây sưng nướu răng, nha sĩ có thể kê toa nước súc miệng giúp ngăn ngừa viêm nướu và giảm mảng bám. Họ cũng có thể khuyên dùng một nhãn hiệu kem đánh răng cụ thể để giúp bạn cải thiện tình trạng. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần dùng kháng sinh.
Một lựa chọn điều trị sưng nướu răng phổ biến khác là cạo cao răng và làm sạch sâu chân răng. Nha sĩ sẽ làm sạch mảng bám và cao răng để phần nướu khỏe có thể phục hồi. Nếu bị viêm nướu nặng, bạn có thể cần phẫu thuật.
Để bảo vệ sức khỏe răng miệng và không phải trải qua những khó chịu khi nướu có vấn đề, bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng tình trạng sưng nướu như:
– Đi nha sĩ ít nhất sáu tháng một lần để làm sạch răng và nướu.
– Bổ sung đầy đủ vitamin C bằng thức ăn hoặc thực phẩm chức năng.
– Chải răng 2 lần/ngày và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, đặc biệt là sau bữa ăn.
– Nhờ nha sĩ tư vấn nước súc miệng và kem đánh răng để cải thiện tình trạng khô miệng. Khi miệng khô, nguy cơ tích tụ mảng bám và cao răng gây sưng nướu sẽ tăng.
Tình trạng sưng nướu hoặc sưng chân răng có thể khiến bạn gặp đau đớn khi ăn uống, nói năng hay vệ sinh răng miệng. Bạn nên thử áp dụng những cách trị sưng nướu răng tại nhà và đến gặp nha sĩ kiểm tra để bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt hơn nhé.