Khi bị cảm, bạn dễ bị nghẹt mũi gây khó chịu, thậm chí không thể ngủ được. Bạn có thể khắc phục tình trạng khó chịu này với một số cách hết nghẹt mũi khi ngủ khá đơn giản.
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị nghẹt mũi như cảm lạnh hoặc nhiễm virus thông thường. Thực ra bạn luôn thở một bên mũi mạnh hơn bên còn lại, hai lỗ mũi cứ thay nhau thở mạnh hơn chứ không cân bằng. Do đó, nghẹt mũi một bên phổ biến hơn hai bên. Dù nghẹt mũi một bên hay hai bên thì nghẹt mũi khi ngủ cũng rất khó chịu và bạn cần tìm cách trị nghẹt mũi nhanh.
Nghẹt mũi hay còn gọi là chu kỳ mũi là gì?
Nghẹt mũi (chu kỳ mũi) là tình trạng niêm mạc ở một bên của mũi bị ứ đầy máu trong khi niêm mạc ở bên đối diện các mạch máu lại như bị trống rỗng, không có máu.
Hệ thần kinh điều khiển mũi theo chu kỳ để tác động vào từng bên mũi. Chu kỳ mũi diễn ra vài lần trong ngày mà chúng ta chỉ nhận ra khi bị ốm. Tại một thời điểm nào đó, lượng không khí vào và ra ở một lỗ mũi sẽ nhiều hơn so với lỗ mũi còn lại. Lượng máu chảy dồn vào một bên mũi gây tắc nghẽn trong khoảng 3 đến 6 giờ, sau đó mới chảy sang lỗ mũi bên kia. Máu bị tắc nghẽn càng nhiều khi bạn nằm nghiêng đầu về phía bên đó.
Ở tình trạng sinh lý bình thường, bạn sẽ không cảm nhận được sự thở mất cân xứng giữa 2 bên. Tuy nhiên, trong tình trạng bệnh lý như cảm lạnh, chu kỳ mũi khiến bạn bị nghẹt mũi. Người bệnh nặng sẽ thấy nghẹt mũi cả 2 bên.
Khi bạn bị cảm, các chất nhầy thường làm cho một bên lỗ mũi nghẹt thêm và khiến chúng ta nhận thức rõ rệt sự hoạt động của chu kì mũi.
Lý do hoạt động của chu kỳ mũi bị nghẹt
Có ít nhất hai lý do tại sao chu kỳ mũi (nghẹt mũi) xảy ra.
Hoàn thiện cảm giác về mùi
Với quá trình ngửi, chu kỳ mũi làm cho cảm giác về mùi hoàn chỉnh hơn. Nhờ chu kỳ hoạt động này mà bạn mới ngửi thấy mùi và có khả năng cảm nhận rõ hơn một số mùi hương phát tán nhanh trong không khí. Nếu bịt một bên mũi thì bạn vẫn ngửi thấy.
Với quá trình thở: đảm bảo hốc mũi luôn được làm ấm, làm ẩm
Chu kỳ mũi giúp mũi duy trì chức năng như một bộ lọc không khí và độ ẩm. Nhờ mũi khuếch tán hơi nước từ lớp thảm nhầy mà không khí được làm ẩm, giữ cho độ ẩm khí thở ổn định không phụ thuộc vào độ ẩm tương đối của không khí xung quanh.
Không khí được làm ấm nhờ các sung động – tĩnh mạch ở sâu thường xuyên lưu thông máu nóng với mao mạch phong phú và các hồ huyết, giúp cho không khí qua mũi ổn định ở 31-34 độ C mà không phụ thuộc nhiệt độ bên ngoài, giúp cho phổi hoạt động bình thường.
Cách hết nghẹt mũi khi ngủ không dùng thuốc
Bệnh cảm cúm hay dị ứng có thể làm cho hiện tượng chu kỳ mũi rõ rệt hơn và khiến bạn khó chịu hơn. Tuy nhiên, có nhiều cách hết nghẹt mũi khi ngủ như sau:
- Bạn hãy uống nhiều nước để làm giảm dịch nhầy ở mũi (8-10 ly/ngày) và dùng các thức uống lỏng (canh, nước rau luộc, nước ép trái cây, trà thảo dược) giúp trị chứng nghẹt mũi;
- Bạn nên ăn thức ăn nóng và uống nước ấm giúp ngăn ngừa mất nước và giảm nghẹt mũi. Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều đường, bột vì chúng sẽ làm chứng nghẹt mũi thêm trầm trọng;
- Bạn cũng cần tránh xa những loại thực phẩm nhiều đường và cacbonhydrat vì nó sẽ làm chứng nghẹt mũi trầm trọng hơn. Hãy ăn nhiều rau, ngũ cốc nguyên chất và các loại cá;
- Đặc biệt, bạn phải tránh những kích thích như khói thuốc, mùi son, mùi nước hoa, rượu vì chúng làm bạn khó chịu hơn;
- Khi bị nghẹt mũi, bạn hãy nằm gối cao hơn bình thường để cổ và đầu thành góc 15 độ chênh với giường vừa phải sẽ tạo ra tư thế dễ chịu hơn;
- Bạn cũng nên thường xuyên giặt ga trải giường, chăn chiếu, màn, gối để giảm bụi và vi khuẩn là tác nhân gây ngạt mũi.
Hiện tượng nghẹt mũi khi bị cảm cũng rất bình thường và không có gì cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu nghẹt mũi gây ảnh hưởng tới giấc ngủ thì bạn hãy khắc phục tình trạng này ngay. Các cách hết nghẹt mũi khi ngủ trên rất đáng thử vì chúng hoàn toàn tự nhiên và bạn có thể áp dụng ngay tại nhà đấy.