Xã hội ngày càng hiện đại, cha mẹ cũng ngày càng có nhiều việc phải làm. Vì vậy, thời gian cha mẹ dành cho con cái cũng không nhiều. Do đó, việc tìm hiểu về các bí quyết nuôi dạy con thời bận rộn vừa nhanh vừa hiệu quả là một điều cần thiết.
Mỗi cha mẹ đều có những mối quan tâm phải lo như công việc nhà, đi mua sắm, kiểm tra hộp thư… Có thể nói, danh sách các công việc mà bạn phải làm trong ngày dường như là vô tận. Vậy làm thế nào để chăm sóc bé cưng tốt nhất trong khi thời gian rất hạn chế?
Phát triển các giác quan
Trẻ nhỏ học mọi thứ qua 5 giác quan. Điều này giải thích tại sao trẻ luôn cố gắng cho mọi thứ vào miệng và ném đồ đạc lung tung. Mỗi lần trẻ sử dụng các giác quan là các liên kết thần kinh mới sẽ được tạo ra. Điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh, đồng thời nâng cao khả năng học hỏi trong tương lai.
Các trò chơi giác quan là một cách tuyệt vời để thúc đẩy sự phát triển nhận thức và thỏa mãn được sự tò mò của trẻ. Đối với những bé đang học bò, cha mẹ có thể cho trẻ chơi các trò chơi giác quan liên quan đến chai nước.
Chuẩn bị sẵn một chai nhựa, đổ đầy nước, cho vào chai một ít kim tuyến hoặc một ít hạt nhiều màu sắc và để trước mặt trẻ. Đặt ngoài tầm với của trẻ để khuyến khích trẻ bò lại gần. Đối với trẻ lớn, cha mẹ có thể giấu các món đồ chơi nhỏ trong các chén chứa đầy yến mạch, gạo, cát… và để trẻ tìm.
Phát triển cảm xúc
Cha mẹ thường cảm thấy lo lắng và nản lòng khi bé hay nổi cáu và buồn bã. Những tình huống căng thẳng này là không thể tránh được. Tuy nhiên, việc xử lý những tình huống căng thẳng này sẽ là một kinh nghiệm tuyệt vời cho cả bố và mẹ.
Đối với trẻ nhỏ không thể diễn đạt được cảm xúc của mình, cha mẹ có thể giúp trẻ bằng cách thừa nhận những cảm xúc của trẻ. Ví dụ, khi trẻ tức giận vì muốn tiếp tục chơi thay vì đi ngủ, bạn hãy giải thích lý do tại sao trẻ phải đi ngủ ngay và đưa ra một giải pháp như cho con ôm đồ chơi đi ngủ hoặc cho trẻ chơi vào sáng hôm sau.
Đối với những đứa trẻ đã biết nói, cha mẹ nên giúp trẻ hiểu khi nào mình đang giận dữ như mặt nóng lên, tay run run, tim đập nhanh…
Điều này giúp trẻ xác định các dấu hiệu mới trong cảm xúc của mình. Lâu dần, trẻ sẽ phát triển “thư viện” cảm xúc của riêng mình và có thể cho bạn biết cảm giác của mình như thế nào. Các bậc cha mẹ cũng có thể hỏi tại sao trẻ lại buồn và cùng trẻ làm một việc mà cả 2 đều yêu thích.
Giúp trẻ tự tin
Niềm vui lớn nhất của việc học tập là khi trẻ hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ nào đó. Điều này có thể giúp con tự tin và dám thử những điều mới mẻ hơn.
Vì vậy, nếu bạn muốn khuyến khích sự yêu thích học tập của trẻ thì hãy giúp trẻ tự tin vào khả năng của mình. Điều này có nghĩa là bạn cứ để cho trẻ thất bại, sau đó cho trẻ thời gian tìm ra nguyên nhân. Đừng hối thúc và giải quyết vấn đề giúp trẻ.
Trẻ nhỏ thường rất thích quá trình hoàn thành công việc. Do đó, khi giao việc cho trẻ, bạn hãy lựa những việc an toàn và phù hợp với lứa tuổi của trẻ nhé. Ví dụ, nếu một đứa trẻ muốn cố gắng học cách tự múc ăn, bạn hãy chọn cho trẻ 1 cái muỗng phù hợp với độ tuổi của con.
Khi chơi với con, có một khối đồ chơi rơi xuống dưới ghế. Hãy để trẻ tìm cách để lấy được nó. Đừng can thiệp cho đến khi trẻ tỏ thái độ của mình như bỏ cuộc hoặc giận dữ.