Những cơn đau dạ dày ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Thông thường, các bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc đau dạ dày để giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Đau dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng thông thường người ta bị đau dạ dày là do viêm loét dạ dày hành tá tràng và tình trạng tăng tiết dịch vị. Vì vậy, không kể đến công dụng dễ thấy nhất là giảm đau, các loại thuốc đau dạ dày chủ yếu tập trung vào công dụng băng niêm mạc (bảo vệ niêm mạc) dạ dày, giảm tiết dịch vị, kháng sinh. Việc sử dụng thuốc sẽ giúp cải thiện tình trạng và xoa dịu cơn đau.
Nguyên tắc khi điều trị đau dạ dày là không dùng phối hợp các thuốc có cùng một cơ chế, và không dùng nhóm acid với các thuốc khác.
1. Nhóm thuốc trị đau dạ dày kháng acid (Antacids)
Là các thuốc có chứa nhôm hoặc canxi, magnesl hydroxit.
Tác dụng: nhóm này có tác dụng trung hòa axit mà không gây ảnh hưởng đến bài tiết dịch vị cũng như pepsin.
Dùng thuốc sau bữa ăn 1-3 giờ và đi ngủ.
2. Nhóm thuốc đau dạ dày kháng histamin H2 (còn gọi là thuốc ức chế thụ thể histamin H2)
Nhóm thuốc kháng histamin H2 là một loại thuốc ức chế các tác động của histamine tại thụ thể histamine H2 của các tế bào ở dạ dày. Nhờ đó làm giảm sự sản xuất axit của dạ dày. Đây là nhóm thuốc dùng trong điều trị chứng khó tiêu, loét dạ dày và bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Bạn có thể tham khảo thêm: Bố mẹ cần lưu ý về bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhỏ
Thuốc ức chế thụ thể H2: hiện nay thường dùng các loại:
- Cimetidin 800mg – có thuốc dạng uống và dạng tiêm qua đường tĩnh mạch
- Ranitidin 300mg – có thuốc dạng uống và dạng tiêm qua đường tĩnh mạch
- Famotidin 40mg – có thuốc dạng uống và dạng tiêm qua đường tĩnh mạch
- Nizatadin 300mg – thuốc dạng uống.
(Liều tiêm tĩnh mạch thông thường bằng 1/2 liều uống).
Ưu điểm: giá rẻ, an toàn khi sử dụng.
Nhược điểm:
Khả năng ức chế acid dịch vị yếu hơn so với nhóm PPI.
Các tác dụng không mong muốn tương đối hiếm gặp bao gồm:
- Hạ huyết áp
- Nhức đầu
- Mệt mỏi, chóng mặt
- Hay nhầm lẫn
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Nổi ban đỏ
Ngoài ra đối với nam giới, có thể gây vú to.
Tất cả những tác dụng phụ này đều sẽ biến mất khi ngưng thuốc.
3. Nhóm thuốc đau dạ dày bằng cách ức chế bơm proton (Proton Pump Inhibitors – PPI)
Đây là nhóm thuốc ức chế acid dịch vị mạnh nhất hiện nay, thậm chí thường được dùng để thay thế hầu hết các thuốc kháng histamine H2. Chúng đã được chứng minh có hiệu quả hơn trong cả việc chữa lành lẫn làm giảm triệu chứng của các vết loét và trào ngược dạ dày thực quản hơn thuốc kháng histamin H2.
Một số thuốc thuộc nhóm ức chế bơm proton PPI thường được sử dụng bao gồm:
- Omeprazol viên 20mg hoặc 40mg, ống 40mg
- Lansoprazol viên 30mg
- Pantoprazol viên 20mg hoặc 40mg, ống 40mg
- Rabeprazol viên 10mg hoặc 20mg, ống 20mg
- Esomeprazol viên 20mg hoặc 40mg, ống 40mg
Ưu điểm: Tác dụng mạnh, khá lành tính.
Nhược điểm: Dù nhóm thuốc này tương đối lành tính nhưng vẫn khiến người dùng gặp một số tác dụng không mong muốn như: nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, chóng mặt, phát ban, ngứa, đầy hơi, táo bón, lo lắng, trầm cảm.
Lưu ý: PPI nên được sử dụng một cách hợp lý, chỉ cần sử dụng liều thấp nhất đủ để đạt hiệu quả mà thôi. Trường hợp muốn sử dụng PPI lâu dài thì cần cân nhắc giữa lợi ích và các yếu tố nguy cơ.
4. Nhóm thuốc đau dạ dày bằng cách bảo vệ niêm mạc dạ dày
Sucralfat
Hình thành một lớp bảo vệ bao trên vết loét, tạo ra rào cản chống axit, các enzyme trong dạ dày và muối mật. Sucralfat giúp phòng loét cấp tính và làm lành loét mạn tính mà không ảnh hưởng tới bài tiết dịch vị và pepsin.
Tác dụng phụ: táo bón, phát ban, ngứa, khó thở, sưng vùng mặt, cổ họng, lưỡi hoặc môi.
Lưu ý:
Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc để tránh các phản ứng không mong muốn.
Nên uống sucrafat khi đói, từ 30-60 phút trước ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn. Không nên dùng thuốc kháng axit trong vòng 30 phút trước và sau khi uống sucralfat.
Bismuth
Bismuth là loại thuốc đau dạ dày vừa có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày – tá tràng, vừa có tác dụng diệt vi khuẩn Helicobacter pylori.
Tác dụng phụ:
- Lưỡi hoặc phân có màu tối
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Độc tính trên xương khớp
- Loại thuốc này tiềm ẩn một vài tác dụng phụ có khả năng gây tử vong
- Khả năng nhiễm độc bismuth và bệnh não gây tử vong ở bệnh nhân suy thận
- Suy thận hoặc tổn thương gan
Bạn có thể tham khảo thêm: Các dấu hiệu tổn thương gan phổ biến
Lưu ý:
- Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Đối với những người có bệnh lý về đường tiêu hóa, hãy uống thuốc này trước khi ăn từ 15-30 phút, uống với nhiều nước.
Misoprostol
Misoprostol là loại thuốc đau dạ dày giúp ngăn ngừa và chống viêm loét dạ dày đối với những trường hợp sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen, naproxen. Misoprotol có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày vì làm tăng bài tiết chất nhầy, đồng thời làm tăng dòng máu tới niêm mạc dạ dày – tá tràng.
Tác dụng phụ:
– Gây phản ứng dị ứng: phát ban, khó thở, nghẹn cổ họng, sưng phù ở mặt, môi, lưỡi. Đi cấp cứu ngay nếu bạn gặp các triệu chứng này.
– Khó chịu ở dạ dày, tiêu chảy, buồn nôn. Bạn cần gặp bác sĩ ngay nếu các triệu chứng sau nặng dần hoặc không hết sau 8 ngày:
- Táo bón
- Đau đầu
- Đau bụng kinh, kinh nguyệt tăng hoặc thay đổi bất thường
Lưu ý:
Cần hỏi ý kiến bác sĩ để bác sĩ xem tình trạng của bạn có thể dùng thuốc được không, vì thuốc này có khá nhiều tác dụng phụ.
Tuyệt đối không dùng thuốc quá liều hay dùng chung với rượu bia.
5. Các kháng sinh diệt vi khuẩn Helicobacter pylori
- Amoxicillin 500mg: kháng thuốc ít
- Metronidazol/tinidazol 500mg, hiện nay thuốc này bị kháng rất nhiều, sau khi uống bệnh nhân thường mệt
- Clarithromycin 250mg, 500mg
- Bismuth
- Furazolidon: nitrofuran thuốc này ít dùng ở nước ta
- Fluoroquinolones: Levofloxacin 500mg
Khi điều trị nội khoa bằng các loại thuốc không có kết quả thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Các trường hợp kháng thuốc
Nếu điều trị bằng thuốc đau dạ dày thì sau 8 tuần, hầu hết các vết loét dạ dày – tá tràng sẽ liền lại. Những vết loét không liền lại được thì là những ổ loét kháng thuốc (loét dai dẳng). Lúc này, tùy vào nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị thích hợp.