Ở tuổi thiếu niên, trẻ bắt đầu cần có cuộc sống riêng tư nhiều hơn. Vì vậy, đây là lúc bố mẹ nên chú ý đến quyền riêng tư của con cái thay vì cứ nghĩ trẻ vẫn còn là con nít và cần giám sát 24/24. Nếu bạn cứ chú ý giám sát thì trẻ sẽ bị ngộp và thậm chí không thể tự lập.
Mong muốn có sự riêng tư là điều hoàn toàn tự nhiên khi trẻ bước vào tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, vì trẻ chưa đủ chín chắn, trải nghiệm, chưa đủ khả năng ứng phó với các tình huống xấu. Do vậy, tuy cho trẻ không gian riêng nhưng bạn cũng cần biết quan sát con hợp lý. Cách tốt nhất để bố mẹ vừa tôn trọng cuộc sống riêng tư của con vừa theo dõi các sinh hoạt của con là tạo ra sự tin tưởng giữa bố mẹ và con cái.
Vấn đề riêng tư tuổi teen và sự tin tưởng của bố mẹ
1. Riêng tư
Càng lớn trẻ lại càng cần nhiều không gian riêng tư hơn. Điều này là do trẻ đang phải đối mặt với những thay đổi lớn cả về cảm xúc và suy nghĩ. Ngoài ra, thể chất, tư duy và các kỹ năng xã hội của trẻ cũng có nhiều sự thay đổi. Để có thể trưởng thành, trẻ cần phải học cách giải quyết những khó khăn này với sự độc lập và trách nhiệm.
2. Bí mật
Trẻ muốn có thêm không gian riêng chưa chắc là vì trẻ có điều gì muốn giấu bạn. Bí mật thường đi cùng với sự phát triển tính độc lập. Đó là một điều hoàn toàn tự nhiên khi trẻ bước vào tuổi thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, nếu trẻ luôn tỏ ra thần bí thì có thể có điều gì đó khác thường. Nếu trẻ luôn ở trong phòng, không muốn nói chuyện với ai hoặc trở nên lãnh đạm với mọi người ngay cả khi bạn đã tìm mọi cách để nói chuyện với trẻ thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ bị trầm cảm, lo lắng hoặc trẻ đang sử dụng thuốc, rượu, ma túy hoặc các vấn đề khác hoặc cũng có thể là do trẻ đang dành quá nhiều thời gian để lên mạng hoặc chơi trò chơi điện tử.
3. Theo dõi
Thanh thiếu niên vẫn chưa sẵn sàng để trở thành người lớn. Bộ não của trẻ vẫn đang phát triển. Điều này có nghĩa là đôi khi trẻ sẽ đưa ra những quyết định quá nhanh chóng và không phải lúc nào cũng nghĩ đến hậu quả của hành vi đó.
Vì vậy, trẻ vẫn cần lời khuyên và sự hỗ trợ từ bạn. Trẻ cần bạn kết nối với mình và biết mình đang làm gì. Tuy nhiên, đây cũng là độ tuổi mà trẻ cần sự riêng tư. Do đó, bạn phải có biện pháp theo dõi khác khi trẻ còn nhỏ. Bạn cần phải có sự tinh tế và thận trọng hơn.
Tôn trọng quyền riêng tư của con cái
Tự hỏi bản thân mình xem bạn đã thực sự biết ranh giới mà bạn có thể theo dõi và giám sát mà không đụng chạm đến sự riêng tư của trẻ chưa.
Có một số điều bạn cần biết, chẳng hạn như địa điểm buổi tiệc mà trẻ sẽ tham gia vào tối thứ 7 và trẻ sẽ đi đến đó bằng cách nào. Những điều khác có thể là sự riêng tư của trẻ, chẳng hạn như trẻ và bạn bè đã nói gì với nhau trong bữa tiệc hoặc trẻ đã chơi gì trong bữa tiệc.
Những cách thực tế mà bạn có thể thể hiện sự tôn trọng quyền riêng tư của con cái:
- Gõ cửa trước khi vào phòng
- Hỏi trẻ trước khi “đụng” vào cặp sách đi học của trẻ
- Hỏi trẻ xem con có muốn bạn ở cùng khi đi khám bác sĩ hay không.
Bạn cũng có thể thảo luận với con về vấn đề riêng tư, thiết lập một số quy tắc và đặt ra một số ranh giới giữa bạn và trẻ. Những điều này có thể thay đổi khi trẻ lớn lên.
Bạn cũng có thể nói với con về những tình huống mà bạn cần phải vượt qua ranh giới đã thỏa thuận. Ví dụ, bạn sẽ “phá luật” khi lo lắng có điều gì đó không đúng đang xảy ra với con.
Để thể hiện sự tôn trọng quyền riêng tư của con cái, tốt nhất bạn nên tránh làm những điều sau:
- Nghe lén trẻ nói chuyện điện thoại
- Nhìn mọi thứ trong phòng hoặc trong ngăn kéo tủ đồ riêng của trẻ
- Đọc nhật ký hoặc kiểm tra tài khoản email của trẻ
- Tìm cách thăm dò trẻ trên mạng xã hội
- Gọi điện thoại kiểm tra trẻ mọi lúc.
Cách theo dõi trẻ hiệu quả
Việc theo dõi tốt nhất là nên dựa vào sự tin tưởng giữa bạn và trẻ. Khi bạn thường xuyên nói chuyện và chia sẻ với trẻ, nhiều khả năng trẻ sẽ chia sẻ những chuyện bí mật với bạn.
Các quy tắc và thói quen trong gia đình
- Nếu bạn hoặc chồng không thể có mặt ở nhà khi con đi học về, vậy bạn hãy yêu cầu con gọi điện thoại nói cho bạn biết là con đã về. Đây là một yêu cầu hợp lý.
- Nếu bạn đặt ra một số nguyên tắc cơ bản về những gì trẻ có thể làm trong thời gian rảnh rỗi, bạn đừng giám sát trẻ mọi lúc. Ví dụ, bạn có thể đặt ra các quy tắc cơ bản như thời gian xem tivi, chơi máy tính, thời gian trẻ phải về nhà vào mỗi tối…
- Biết được trẻ đang xem sách gì, đang xem chương trình tivi gì hoặc đang làm gì trên máy tính. Bạn cũng nên biết trẻ dành bao nhiêu thời gian để chơi máy tính và xem ti vi mỗi ngày.
- Nếu bạn xây dựng cho trẻ những thói quen này từ nhỏ thì khi lớn, trẻ sẽ tập thành thói quen và không cảm thấy khó chịu. Ví dụ, trẻ có thể chấp nhận được việc bạn cần biết trẻ đi đâu và khi nào trẻ về nhà nếu trẻ có thói quen nói với bạn điều này ngay từ khi còn nhỏ.
Kết nối với trẻ
- Khi trẻ bắt đầu trò chuyện, bạn hãy dừng lại những việc đang làm và lắng nghe trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng bạn quan tâm đến những điều đang xảy ra trong cuộc sống của trẻ.
- Dùng bữa ăn tối cùng với nhau càng thường xuyên càng tốt bởi đây là cơ hội để mọi người trò chuyện về những gì xảy ra trong ngày và những gì sắp xảy ra.
- Nếu bạn biết trẻ đang làm gì và hiểu rõ hành vi của trẻ, bạn có thể dễ dàng phát hiện ra bất kỳ sự thay đổi bất thường nào trong hành vi của trẻ.
- Bạn có thể theo dõi kết quả học tập của trẻ, việc làm bài tập ở nhà nhưng đừng kiểm soát quá gắt gao. Điều này sẽ dễ thực hiện hơn khi bạn có mối quan hệ tốt với giáo viên của trẻ.
- Làm quen với bạn bè của trẻ và cho trẻ một không gian riêng tư trong nhà để giữ mối liên hệ với bạn bè mà không cần phải lúc nào cũng hỏi bạn. Nói chuyện với bố mẹ của bạn bè con để tạo ra một môi trường an toàn cho cả trẻ và bạn bè của con. Ngoài ra, điều này cũng giúp bạn theo dõi các hoạt động của trẻ tốt hơn.
- Cố gắng tránh đánh mất lòng tin của trẻ hoặc xâm phạm không gian riêng của trẻ. Thế nhưng, hãy nhớ rằng có những lúc bạn cần phải hỏi kỹ hơn, chẳng hạn như: “Con đi đâu?” hoặc “Con đang ở đâu?”…
Xử lý những vi phạm của trẻ
Trẻ có thể phá vỡ sự tin tưởng của bạn hoặc lạm dụng quá mức quyền riêng tư của con cái. Nếu trẻ vi phạm lần đầu, bạn có giảm một đặc quyền của trẻ, chẳng hạn giảm bớt thời gian chơi máy tính của trẻ hoặc không cho trẻ tham gia một số hoạt động nào đó. Bạn cũng cần theo dõi trẻ chặt chẽ hơn trong khoảng thời gian bạn xây dựng lại niềm tin với trẻ.
Đối với những vi phạm nghiêm trọng hoặc có vấn đề gì đó, bạn và trẻ cần phải xây dựng lại lòng tin cho nhau theo thời gian. Bạn có thể cần đến một số biện pháp như:
- Cấm trẻ tham gia một số hoạt động trong một khoảng thời gian
- Thu hồi các đặc quyền
- Hạn chế cho tiền trẻ.
Bạn có thể trao đổi với con về cách có thể làm bạn tin tưởng con. Ví dụ, con thể hiện cho bạn thấy rằng mình có thể chịu trách nhiệm về những công việc nhất định trong một khoảng thời gian. Hãy để trẻ biết rằng bạn vẫn yêu trẻ ngay cả khi bạn thất vọng về những hành vi của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ học hỏi từ những sai lầm của mình.
Lợi ích của việc theo dõi
Theo dõi trẻ là một điều mà bạn nên làm. Trẻ vị thành niên nếu có được sự giám sát hợp lý của bố mẹ thì trẻ:
- Ít có các hành vi chống đối xã hội, ví dụ như ăn cắp hoặc bạo lực
- Ít dính dáng đến rượu hoặc ma túy
- Biết cách quan hệ tình dục an toàn
- Ít bị trầm cảm hơn
- Tự tin hơn
- Có kết quả học tập tốt và ít có những rắc rối liên quan đến việc học.