Khi trẻ có dấu hiệu tiền dậy thì, bạn biết con sắp bước vào giai đoạn phát triển mới. Lúc này, bạn cần ở bên cạnh hỗ trợ, động viên và hướng dẫn con những điều cần thiết.
Bé yêu của bạn đang lớn và đã có những dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn tiền dậy thì. Đôi khi những thay đổi này khiến bé lúng túng, ngại ngùng. Vậy nguyên nhân gây ra những thay đổi của trẻ trong giai đoạn này là gì? Hãy cùng Chúng tôi tìm hiểu những vấn đề liên quan đến giai đoạn quan trọng này để nuôi dạy bé tốt hơn.
Tiền dậy thì là gì?
Tiền dậy thì là một giai đoạn phát triển của trẻ, diễn ra trước khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Thông thường ở bé gái, giai đoạn tiền dậy thì diễn ra khi bé khoảng 8 tuổi. Ở bé trai, việc này diễn ra muộn hơn, thường là sau 9 – 10 tuổi.
Giai đoạn tiền dậy thì bắt đầu diễn ra khi vùng dưới đồi (nằm trong não) giải phóng hormone phóng thích gonadotropin (GnRH). Khi GnRH kích thích tuyến yên (một tuyến nhỏ dưới não tạo ra các hormone kiểm soát các tuyến khác trên cơ thể), sản sinh ra hai hormone: hormone hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Hai loại hormone này thúc đẩy cơ quan sinh dục nam và nữ bắt đầu sản xuất các hormone giới tính làm xuất hiện các dấu hiệu tiền dậy thì ở trẻ.
Dấu hiệu tiền dậy thì ở trẻ
1. Ở bé gái
Ở bé gái, dấu hiệu tiền dậy thì thường xuất hiện khi bé khoảng 8 tuổi. Dấu hiệu tiền dậy thì đầu tiên ở bé gái là mô vú bắt đầu phát triển. Bé sẽ cảm thấy căng tức quanh vú, mô vú lớn dần. Điều này khiến trẻ cảm thấy căng tức hay đau vùng vú. Thông thường hai bên vú phát triển không đều nhau. Bạn hãy nói cho bé biết đây là hiện tượng bình thường với trẻ đang lớn để bé khỏi lo lắng. Ở giai đoạn này, một số bé gái tỏ ra thích thú với sự phát triển của ngực song số khác lại tỏ ra ngại ngùng.
Dấu hiệu thứ hai cho biết bé đang bước vào giai đoạn tiền dậy thì là lông ở các vùng kín như nách, mu… dần xuất hiện. Ở giai đoạn này, lông dài, mảnh và nhạt màu. Đa phần các bé rất tò mò về sự xuất hiện của lông ở vùng kín.
Dấu hiệu tiếp theo là sự xuất hiện của dịch âm đạo. Đây là dịch nhầy trong, không mùi, là một dấu hiệu sinh lý bình thường. Dấu hiệu này cho thấy chức năng sinh dục của con đang dần hoàn thiện để có thể mang thai và làm mẹ sau này. Bé yêu không nên lo lắng về việc xuất hiện dịch âm đạo trừ khi dịch có mùi hoặc khiến bé ngứa ngáy khó chịu.
Sau khi bé có dịch âm đạo khoảng 6 tháng, kỳ kinh đầu tiên sẽ xuất hiện. Ở giai đoạn này, bạn hãy trò chuyện với bé, cho bé biết những gì sắp diễn ra khi con đang lớn, dạy bé cách giữ vệ sinh cá nhân, cách sử dụng băng vệ sinh…
2. Dấu hiệu tiền dậy thì ở bé trai
Giai đoạn tiền dậy thì của bé trai chậm hơn bé gái, khoảng 9 – 11 tuổi. Khi trẻ bước vào giai đoạn tiền dậy thì, lông ở các vùng kín như nách, mu… dần xuất hiện. Lúc này, lông chưa đậm màu mà dài và mảnh. Ria mép cũng dần xuất hiện nhưng rất mảnh và thưa thớt. Một số bé trai rất thích thú với việc cạo râu.
Ở giai đoạn tiền dậy thì, mô vú của khoảng 50% bé trai cũng có thể phát triển khiến các bé cảm thấy khó chịu. Sự phát triển tạm thời của mô vú ở bé trai được gọi là chứng gynecomastia và thường biến mất trong vòng 6 tháng.
Dấu hiệu tiếp theo là bìu lớn dần, màu của da bìu dần trở nên sậm hơn trong khi dương vật chưa có dấu hiệu thay đổi.
Nói chuyện với con về những gì con đang trải qua
Việc trò chuyện với con về những gì con đang trải qua khi bước vào giai đoạn tiền dậy thì là rất quan trọng. Thông thường người cùng giới sẽ dễ trò chuyện, chia sẻ những điều thầm kín với nhau hơn. Do đó, bạn hãy trò chuyện với con về vấn đề này nếu bé yêu của bạn là con gái. Còn ngược lại nếu bé yêu là con trai, bạn hãy nhờ ông xã hay một người thân khác giới trong gia đình trò chuyện với con.
Nếu bé trai tỏ ra thích thú với việc cạo râu, bạn hãy hướng dẫn con cách cạo râu, làm vệ sinh dao cạo sạch sẽ sau mỗi lần cạo. Bạn hãy lưu ý bé không dùng chung dao cạo để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Hãy trò chuyện với con về những thay đổi của cơ thể, hướng dẫn con làm vệ sinh cá nhân một cách thoải mái, trên tinh thần chia sẻ bí quyết, tránh áp đặt. Bạn nên giúp bé hình thành thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi tắm, rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân… nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các vi khuẩn gây bệnh.
Bạn hãy hướng dẫn bé cách vệ sinh cá nhân đúng, tắm rửa thường xuyên để hạn chế mùi của cơ thể. Với bé gái, hãy hướng dẫn con không thụt rửa âm đạo tránh nhiễm khuẩn, làm vệ sinh vùng kín theo nguyên tắc từ trước ra sau. Hãy cho bé mặc áo lá khi đi học hay khi tham gia các hoạt động ngoài trời, tập thể dục thể thao.
Trẻ ở giai đoạn tiền dậy thì còn rất nhỏ, bạn nên tập cho con thói quen ăn mặc kín đáo, không thay đồ khi có đông người… nhằm tránh nguy cơ bị lạm dụng.