Có không ít bệnh nhân bị suy thận cấp độ 4 vẫn có thể sống khỏe mạnh trong nhiều năm và làm được những việc yêu thích. Bạn băn khoăn muốn biết bí quyết nào đã giúp các bệnh nhân làm được điều này?
Bệnh thận mạn tính xảy ra nếu thận của bạn đã bị tổn thương. Thận có thể bị tổn thương do chấn thương thực thể hoặc các bệnh lý như đái tháo đường, huyết áp cao. Khi bị tổn thương, chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này khiến thận không thể lọc máu hoặc thực hiện các chức năng khác để giữ cho bạn khỏe mạnh.
Một số chức năng quan trọng mà thận đảm trách như: lọc máu, cân bằng mức chất lỏng cơ thể, điều hòa nội tiết tố, giúp kiểm soát huyết áp, giữ cho xương khỏe mạnh, tạo hồng cầu.
Bệnh thận mạn tính có năm 5 cấp độ (5 giai đoạn), cụ thể như sau:
- Bệnh thận cấp độ 1 và 2: Thận bị tổn thương và không hoạt động hết công suất nhưng thường không gây biểu hiện sức khỏe nào.
- Bệnh thận cấp độ 3: Khoảng một nửa chức năng thận đã bị mất. Người mắc bệnh thận cấp độ 3 có thể gặp các vấn đề về sức khỏe như: huyết áp cao, các vấn đề về xương. Việc điều trị các biến chứng này là rất quan trọng, thậm chí có thể giúp làm chậm sự mất chức năng thận.
- Bệnh thận cấp độ 4: Tình trạng tổn thương thận nghiêm trọng đã xảy ra. Ở giai đoạn này, điều quan trọng là làm chậm sự quá trình mất chức năng thận bằng cách tuân theo kế hoạch điều trị và quản lý các vấn đề khác như huyết áp cao, bệnh tim.
- Bệnh thận cấp độ 5: Bệnh thận giai đoạn này được xem là suy thận. Nếu suy thận xảy ra, bạn sẽ cần ghép thận hoặc lọc máu để duy trì sự sống.
Biến chứng của bệnh suy thận cấp độ 4
Nếu không được điều trị đúng cách, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra một cách khoa học, người bị bệnh suy thận cấp độ 4 rất dễ tiến triển sang suy thận giai đoạn cuối. Do đó, nếu bị bệnh suy thận cấp độ 4, những điều quan trọng bạn nên làm là:
- Trao đổi với bác sĩ để biết bạn nên làm những gì có thể nhằm giữ cho tình trạng bệnh của bạn không diễn biến xấu đi. Hãy tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ một cách nghiêm ngặt.
- Thực hiện kế hoạch quản lý các biến chứng của bệnh thận một cách triệt để nhất với các vấn đề sức khỏe như:
- Vấn đề về tim và mạch máu
- Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
- Vấn đề về xương
- Huyết áp cao
- Sức khỏe dinh dưỡng kém: Tình trạng này xảy ra khi bạn không nhận đủ chất dinh dưỡng và năng lượng quan trọng để cơ thể hoạt động và khỏe mạnh
- Tìm hiểu thêm về suy thận và các lựa chọn điều trị khác nhau cho bệnh tình của bạn.
Tìm hiểu về suy thận
Nếu bạn bị suy thận cấp độ 4, được điều trị và chăm sóc sức khỏe cẩn thận, tình trạng bệnh của bạn vẫn có thể tiến triển thành suy thận cấp độ 5. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn bị suy thận cấp độ 5 khi:
- 85 – 90% chức năng thận đã biến mất
- GFR giảm xuống dưới 15
- Thận không hoạt động đủ tốt để giữ cho bạn sống
Hiện nay, chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh suy thận nhưng việc điều trị có thể giúp kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Bị suy thận không đồng nghĩa với việc “lãnh án tử”, nhiều người bị suy thận vẫn sống cuộc sống năng động và làm được những điều yêu thích.
Phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị suy thận
Hiện nay, có hai phương pháp điều trị suy thận là ghép thận và lọc máu. Hai hình thức lọc máu khác nhau có thể được thực hiện là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc).
- Ghép thận: Thận được ghép có thể là thận của một người đã chết hoặc một người hiến tạng còn sống. Sau khi ghép thận, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc đặc biệt để ngăn cơ thể thải ghép thận mới. Nếu việc thải ghép xảy ra, bạn cần lọc máu để duy trì sự sống. Ghép thận là một hình thức điều trị không phải là phương pháp chữa bệnh. Do đó, người từng ghép thận vẫn có thể bị bệnh thận mãn tính và có thể phải duy trì việc sử dụng một số loại thuốc từng dùng trước khi ghép tạng.
- Lọc máu:
- Chạy thận nhân tạo: Chạy thận nhân tạo là một hình thức điều trị nhằm loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu của bạn. Trong quá trình chạy thận nhân tạo, một lượng máu nhỏ của bạn được bơm qua các ống mềm đến máy lọc máu. Máu sẽ đi qua một bộ lọc đặc biệt gọi là máy lọc máu (còn gọi là thận nhân tạo). Máu sau khi lọc sẽ được trở lại cơ thể bạn. Thời gian cho một lần lọc máu khoảng 3 – 5 giờ, 3 lần/tuần. Nếu việc lọc máu được thực hiện hàng ngày, thời gian cho lọc máu sẽ còn khoảng 1,5 – 2 giờ/lần.
- Thẩm phân phúc mạc: Thẩm phân phúc mạc là hình thức dùng màng bụng để lọc sạch các chất độc và nước dư thừa trong cơ thể do suy thận. Đối với hình thức này, người bệnh sẽ được phẫu thuật để đặt máy lọc màng bụng vào trong khoang bụng. Dung dịch thẩm phân được đưa vào cơ thể mỗi 4 lần/ngày và được tháo ra sau 6 giờ. Bệnh nhân chọn hình thức lọc máu bằng thẩm thân phúc mạc có thể tự thực hiện tại nhà, thường ít phải hạn chế ăn kiêng và lượng nước uống. Bệnh nhân chỉ tái khám mỗi tháng một lần. Ưu điểm của phương pháp này là giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn, việc điều trị liên tục nhẹ nhàng và cơ động… Lịch trình lọc có thể điều chỉnh phù hợp với lịch sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân không bị tiêm chích nên có thể lọc máu khi đi du lịch.
Trong quá trình điều trị suy thận, người bệnh suy thận cấp độ 4 có thể đổi phương pháp điều trị. Do đó, nếu đang điều trị bệnh suy thận bằng một phương pháp nào đó nhưng lại muốn thử một hình thức điều trị khác, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về điều này. Hầu hết bệnh nhân suy thận đều có thể thay đổi phương pháp điều trị. Chẳng hạn, bạn chọn chạy thận nhân tạo nhưng vẫn có thể chuyển sang thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) vào một ngày sau đó. Ngay cả khi chọn ghép thận, bạn vẫn cần lọc máu một thời gian cho đến khi được ghép thận mới. Điều này lý giải tại sao có những người bị suy thận trong nhiều năm từng áp dụng nhiều hình thức điều trị khác nhau.
Quản lý tốt tình trạng bệnh để ngăn bệnh thận trở nên tồi tệ hơn ở bệnh nhân suy thận cấp độ 4
Việc quản lý tốt tình trạng bệnh sẽ giúp bạn có thể sống lâu, hoàn thành mục tiêu cuộc sống và tiếp tục làm những việc yêu thích. Việc này cũng có thể giúp làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn bệnh thận trở nên tồi tệ hơn, trì hoãn quá trình chuyển sang suy thận. Hãy tự quản lý tốt tình trạng bệnh của bạn bằng cách:
- Kiểm soát các vấn đề sức khỏe khác mà bạn có thông qua hoạt động khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ điều trị
- Điều trị biến chứng của bệnh thận một cách triệt để
- Quản lý hoặc phòng ngừa bệnh tim mạch, huyết áp.
1. Kiểm soát các vấn đề sức khỏe liên quan
Việc mắc các bệnh như đái tháo đường, cao huyết áp có thể khiến thận của bạn bị tổn thương. Mục tiêu đề ra là bạn cần đảm bảo kiểm soát tốt các căn bệnh này. Hãy duy trì việc khám sức khỏe định kỳ, trao đổi với bác sĩ về những gì bạn có thể làm nhằm quản lý tốt các căn bệnh này (nếu có) hoặc ngăn ngừa bệnh. Bác sĩ điều trị có thể yêu cầu bạn thực hiện các việc sau:
- Dùng thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc ức chế men chuyển angiotensin hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những loại thuốc này giúp bảo vệ chức năng thận của người bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể cần sử dụng thêm các loại thuốc khác để kiểm soát huyết áp.
- Giảm cân: Thực hiện nghiêm ngặt việc giảm cân nếu bạn đang thừa cân
- Giảm lượng muối tiêu thụ: Cắt giảm lượng muối trong chế độ ăn uống nhằm kiểm soát huyết áp
- Theo dõi lượng đường trong máu: Nếu bạn bị tiểu đường, hãy theo dõi lượng đường trong máu, tuân thủ chế độ ăn uống và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Bệnh suy thận cấp độ 4 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như:
- Vấn đề về tim và mạch máu
- Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
- Các vấn đề về khoáng và xương
- Huyết áp cao
- Sức khỏe dinh dưỡng kém
Nếu bị suy thận cấp độ 4, nguy cơ cao là bạn đang gặp các vấn đề sức khỏe kể trên. Bác sĩ điều trị sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn và đề ra một phác đồ điều trị thật cụ thể, chi tiết nhằm giúp bạn quản lý những vấn đề này và giữ cho tình trạng của bạn không chuyển biến xấu hơn. Việc điều trị có thể bao gồm:
- Xây dựng và thực hiện chế độ ăn uống phù hợp
- Duy trì việc tập thể dục, hoạt động thể chất thường xuyên
- Dùng thuốc.
Hãy tuân thủ kế hoạch điều trị vì điều này có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho bạn. Ngoài ra, nó cũng có thể giúp làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn bệnh thận trở nên tồi tệ hơn, thậm chí có thể ngăn chặn hoặc trì hoãn tình trạng bệnh chuyển sang suy thận.
2. Quản lý hoặc ngăn ngừa các bệnh về tim mạch
Những người bị suy thận cấp độ 4 có nguy cơ mắc bệnh tim cao. Trên thực tế, hầu hết nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân suy thận là các bệnh liên quan đến tim mạch. Bạn không tin điều này ư? Nguyên nhân là những bệnh nhân bị suy thận thường gặp phải một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ về sức khỏe sau:
- Huyết áp cao: Tình trạng này làm cho các động mạch dày lên khiến việc lưu thông máu gặp khó khăn. Điều này dẫn đến việc hình thành cục máu đông dễ dàng hơn, có thể gây đau tim hoặc đột quỵ. Huyết áp cao cũng gây ra tình trạng tim to có thể dẫn đến suy tim hoặc tử vong. Do đó, bác sĩ có thể kê toa thuốc cho bạn dùng để giúp kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, bạn cũng có thể cần phải giảm lượng muối trong chế độ ăn uống.
- Bệnh tiểu đường: Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường không được kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng nhiều chất béo tích tụ trong động mạch. Điều này có thể tạo thành cục máu đông, dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Nếu bị đái tháo đường, bạn phải cẩn thận để kiểm soát lượng đường trong máu, tuân theo chế độ ăn uống và uống thuốc theo quy định.
- Thiếu máu: Tình trạng thiếu máu làm giảm lưu lượng oxy đi khắp cơ thể khiến tim bạn phải làm việc nhiều hơn. Kết quả là, trái tim của bạn bắt đầu to lên và có thể dẫn đến suy tim hoặc tử vong. Để điều trị thiếu máu, bạn có thể cần phải bổ sung sắt và thuốc kích thích tạo hồng cầu giúp cơ thể bạn tạo ra các tế bào hồng cầu, tăng lưu lượng oxy.
- Cholesterol bất thường: Nồng độ cholesterol bất thường làm cho chất béo tích tụ trong động mạch, gia tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Điều này có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Nếu nồng độ cholesterol của bạn quá cao, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên và có thể sử dụng các loại thuốc đặc biệt nhằm giảm cholesterol.
- Bệnh về xương và khoáng chất: Các động mạch của người bệnh suy thận có thể cứng lại và thu hẹp do hấp thụ thêm canxi và phốt pho được thải ra từ xương. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến tim có thể dẫn đến đau tim và tử vong. Để giúp kiểm soát các bệnh về xương và khoáng chất, bạn có thể cần hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều phốt pho, dùng một loại thuốc gọi là chất kết dính phốt phát trong bữa ăn và uống một loại vitamin D.
- Hút thuốc: Thói quen hút thuốc thường khiến các mạch máu bị viêm, gây ra sự tích tụ nhiều chất béo hơn trong các động mạch. Ngoài ra, việc hút thuốc làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông làm gia tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Nếu bạn hút thuốc nên hút ít hơn hoặc cân nhắc đến việc bỏ thuốc lá.
Thực tế là người bệnh suy thận hoàn toàn có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa các vấn đề về tim bằng cách tuân theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ đề ra. Hãy thảo luận với bác sĩ thật cụ thể về những gì mà bạn có thể làm để giữ cho trái tim khỏe mạnh.
Lan Quan/HELLO BACSI