Bệnh sùi mào gà trong thai kỳ là tình trạng hiếm gặp. Tuy vậy, phần lớn mẹ và bé đều không chịu ảnh hưởng từ vấn đề này.
Mụn cóc sinh dục hay sùi mào gà là một bệnh lây qua đường tình dục. Chúng thường xuất hiện dưới dạng những nốt sần, có thể riêng lẻ hoặc thành cụm, trên các mô của bộ phận sinh dục. Bệnh sùi mào gà có khả năng xuất hiện ở cả nam và nữ. Trong một số trường hợp đặc biệt, người bệnh không biểu hiện bất kỳ triệu chứng sùi mào gà nào.
Ngoài ra, bệnh sùi mào gà trong thai kỳ là tình trạng hiếm gặp, do đó không nhiều người hiểu rõ về ảnh hưởng của bệnh. Hiểu rõ vấn đề này, Hello Bacsi sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về bệnh sùi mào gà trong thai kỳ trong bài viết sau.
Bạn có thể quan tâm: 9 điều bạn nên biết về bệnh mụn cóc sinh dục.
Bệnh sùi mào gà ảnh hưởng thế nào đến việc chăm sóc thai kỳ?
Nếu bạn đã từng nhiễm HPV, hãy cho bác sĩ biết về chuyện này. Mặc dù HPV thường không ảnh hưởng đến bạn hoặc thai nhi, bác sĩ vẫn sẽ muốn kiểm tra bất kỳ dấu hiệu bất thường có thể xuất hiện trong quá trình mang thai. Bởi vì rất nhiều tế bào đang phát triển trong thai kỳ, bác sĩ sẽ cần xem xét liệu đây là sự tăng trưởng bình thường hay đột biến. Mặt khác, một số phụ nữ có nguy cơ phát triển mụn cóc sinh dục lớn hơn bình thường trong thời gian họ mang thai.
Nếu bạn không chắc liệu bản thân mắc bệnh sùi mào gà hay không, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán. Đây cũng là một phần thuộc chu trình chăm sóc trước khi sinh.
Mụn cóc sinh dục có dẫn đến biến chứng trong thai kỳ?
Hầu hết trường hợp, sùi mào gà không ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, biến chứng do mụn cóc sinh dục vẫn có nguy cơ phát sinh.
Mụn cóc sinh dục xuất hiện trong thời gian mang thai có thể phát triển lớn hơn bình thường. Đối với phụ nữ, điều này có khả năng khiến họ cảm thấy đau đớn khi đi ngoài. Mặt khác, những nốt sần này có nguy cơ gây xuất huyết trong lúc sinh. Đôi khi, mụn cóc phát sinh trên thành âm đạo có thể khiến cơ quan này khó co giãn khi sinh con. Trong những trường hợp như vậy, bạn có thể phải sinh mổ.
Sùi mào gà rất hiếm di truyền cho thai nhi. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp như vậy, trẻ có thể bị mụn cóc ở miệng hoặc cổ họng trong vài tuần sau khi chào đời.
Một vài chủng virus gây sùi mào gà đã được chứng minh có khả năng làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc các vấn đề khi sinh nở xảy ra.
Các biện pháp điều trị sùi mào gà cho mẹ bầu
Hiện nay, bác sĩ vẫn chưa phát triển phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà trong thai kỳ. Vài loại thuốc có thể ức chế một phần mụn cóc sinh dục, nhưng phần lớn chúng đều không được áp dụng cho phụ nữ mang thai vì lý do an toàn cho cả mẹ và bé.
Nếu bạn đã bị sùi mào gà và dùng thuốc kê đơn để điều trị chúng trước khi mang thai, hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi tiếp tục sử dụng chúng trong thời gian này. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp điều trị tại chỗ để loại bỏ mụn cóc trong thai kỳ nếu họ cảm thấy điều này an toàn cho bạn và thai nhi.
Bạn cần lưu ý rằng không bao giờ điều trị sùi mào gà bằng thuốc không kê đơn. Những phương pháp này có thể dẫn đến các cơn đau dữ dội, đặc biệt khi áp dụng chúng trên các bộ phận nhạy cảm.
Trong trường hợp các nốt sần quá lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc sinh nở, bác sĩ sẽ tìm cách loại bỏ chúng. Các biện pháp có thể gồm:
- Đóng băng mụn cóc bằng nitơ lỏng
- Phẫu thuật cắt bỏ mụn cóc
- Sử dụng laser để đốt cháy mụn cóc
Triển vọng
Đối với phần lớn trường hợp, mụn cóc sinh dục không gây ra bất kỳ vấn đề nào trong thai kỳ. Ngoài ra, nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi là rất thấp.
Nếu bạn không may bị sùi mào gà khi mang thai và lo ngại về những rủi ro có thể xảy ra do vấn đề này, hãy tham vấn ý kiến từ bác sĩ phụ sản. Họ có thể giúp bạn tìm hiểu về một vài biến chứng hiếm gặp cũng như phương pháp điều trị tốt nhất.