“Bị trào ngược dạ dày thực quản có nên kiêng caffeine?” là câu hỏi của rất nhiều bệnh nhân cần caffeine để tỉnh táo hàng ngày. Thiếu đồ uống có caffeine như cà phê hay trà có thể ảnh hưởng tới năng suất làm việc nên bạn hãy tìm hiểu kỹ trước khi quyết định kiêng chất này.
Caffeine có một số tác động nhất định lên bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease – GERD). Thế nhưng, việc bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản có nên kiêng caffeine không còn phụ thuộc vào thể trạng của chính người bệnh. Vậy bạn hãy đọc bài để tìm hiểu xem mình có cần kiêng chất kích thích này không nhé.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là khi thức ăn trào ngược trở lại từ dạ dày lên thực quản. Hiện tượng này xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới (lower esophageal sphincter – LES) hoạt động yếu hoặc ngừng hoạt động.
LES là một van ở đáy ống thực phẩm mở ra để cho thức ăn và chất lỏng vào dạ dày. Nếu LES không đóng, axit dạ dày có thể trào ngược trở lên trong thực quản, gây ra các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản.
Triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược dạ dày thực quản là ợ nóng, cảm giác nóng rát ở ngực. Các triệu chứng khác của trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
- Sâu răng
- Đau họng
- Đau ngực
- Hơi thở có mùi
- Buồn nôn và ói mửa
- Khó nuốt hoặc nuốt đau
- Cảm thấy có vị khó chịu trong cổ họng hoặc miệng
- Các vấn đề hô hấp như thở khò khè, ho, nghẹt mũi hoặc hen suyễn
Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng phổ biến. Tuy nhiên, từng người sẽ có các triệu chứng và mức độ nặng nhẹ của triệu chứng khác nhau.
Các yếu tố nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
- Có thai
- Hút thuốc lá
- Thừa cân hoặc béo phì
- Uống một số loại thuốc
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường gây ợ nóng, cũng như các triệu chứng hô hấp và tiêu hóa. Các bác sĩ thường khuyên những người mắc căn bệnh thông thường này nên tránh uống caffeine. Tuy nhiên, liệu việc tránh caffeine có thật sự tốt?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có nên kiêng caffeine?
Một số nhà khoa học cho rằng caffeine trong cà phê và trà có thể khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nhiều bác sĩ và các tổ chức y tế đều khuyến cáo rằng những người bị trào ngược dạ dày thực quản nên tránh tiêu thụ đồ uống chứa caffeine.
Tuy nhiên, một số bằng chứng khoa học thu thập được chứng minh rằng không phải tất cả những người bị trào ngược dạ dày thực quản đều nên tránh cà phê và trà. Hiện nay có ít bằng chứng liên quan đến việc dùng cà phê và tỷ lệ khởi phát triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Một số bệnh nhân có trào ngược dạ dày thực quản có thấy rằng đồ uống chứa caffeine làm trầm trọng thêm các triệu chứng của họ. Tuy nhiên, vẫn có những người khác thấy rằng những đồ uống này không ảnh hưởng đến các triệu chứng bệnh của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Gastroenterology & Hepatology, tiến sĩ Lauren B. Gerson, giáo sư tại trường Đại học Stanford, cho biết không có nghiên cứu nào xác định tác dụng của việc tránh caffeine trong bệnh. Tuy nhiên, tiến sĩ Gerson cũng nói rằng một người mắc chứng trào ngược dạ dày nên cố gắng xác định và loại bỏ các loại thực phẩm và đồ uống gây khởi phát các triệu chứng bằng cách ghi lại thực đơn của mình.
Lựa chọn thay thế caffeine cho bệnh nhân trào ngược dạ dày
Việc kiêng caffeine đối với bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn thấy rằng caffeine làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh thì có thể lựa chọn những loại thức uống khác thay thế trà và cà phê như:
- Cà phê Chicory
- Cà phê đã lọc caffeine
- Trà thảo mộc hoặc trái cây
Ngoài trà và cà phê, có một số các loại thực phẩm và đồ uống cụ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản như:
- Bạc hà
- Sô cô la
- Thức ăn cay
- Đồ uống có cồn
- Thực phẩm có tính axit
- Thực phẩm giàu chất béo
- Cà chua và các sản phẩm từ cà chua
Ngoài việc cắt giảm các thực phẩm làm trầm trọng thêm triệu chứng bệnh, bạn có thể thực hiện một số thay đổi sau để làm nhẹ triệu chứng:
- Giảm cân nếu bạn thừa cân
- Nâng đầu giường lên 15–20 cm
- Tránh ăn trong 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ
Viện quốc gia Hoa Kỳ về Bệnh tiểu đường, Rối loạn tiêu hóa và Bệnh thận (The National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Disorders – NIDDK) cũng khuyên bạn nên:
- Bỏ hút thuốc
- Tránh ăn quá nhiều
- Duy trì tư thế thẳng đứng khi ngồi
- Mặc quần áo thoải mái, tránh mặc chật, đặc biệt là xung quanh bụng
- Thử dùng thuốc không kê đơn (over-the-counter – OTC) chẳng hạn như thuốc kháng axit
Việc bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản có nên kiêng caffeine không phụ thuộc vào caffeine có làm các triệu chứng của bạn trầm trọng hơn không. Bạn hãy quan sát triệu chứng của bản thân để quyết định mình có nên kiêng caffeine không nhé.
An Yên | HELLO BACSI