Bệnh ái kỷ ác tính là một dạng của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Tuy nhiên, căn bệnh này ít phổ biến hơn. Các chuyên gia nhận định rằng, đây là dạng nghiêm trọng nhất của ái kỷ.
Ái kỷ ác tính được công nhận trong “Cẩm nang Chẩn đoán và thống kê rối loạn thần kinh” phiên bản thứ 5 (DSM-5). Từ đó, nhiều nhà tâm lý học và chuyên gia sức khỏe tâm thần đã sử dụng thuật ngữ này trong việc mô tả một tập hợp các đặc điểm tính cách cụ thể.
Nhận diện bệnh ái kỷ ác tính
Theo “Từ điển tâm thần” của Campbell, ái kỷ ác tính là một sự kết hợp các đặc điểm của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD), rối loạn nhân cách chống đối xã hội (APD), xu hướng hung hăng, tàn bạo và lạm dụng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng này có những biểu hiện phức tạp khác. Vì vậy, các chuyên gia cũng cần khá nhiều thời gian để xác định ai đó có mắc bệnh ái kỷ ác tính hay không.
Nếu bạn hoặc những người xung quanh có các biểu hiện sau đây kéo dài, hãy trao đổi với bác sĩ tâm thần càng sớm càng tốt.
Có các dấu hiệu của rối loạn nhân cách ái kỷ
Rối loạn nhân cách ái kỷ sẽ được xác định nếu ai đó có trên 5 biểu hiện dưới đây:
– Luôn phóng đại thành công, sức mạnh, sức hấp dẫn của bản thân.
– Ít hoặc không có sự đồng cảm với người khác.
– Có nhu cầu được chú ý, ngưỡng mộ và công nhận rất cao.
– Có niềm tin đặc biệt vững chắc về sự vượt trội của bản thân.
– Luôn đòi hỏi quyền lợi từ các mối quan hệ.
– Kiêu ngạo, tự phụ.
– Có xu hướng lợi dụng người khác để trục lợi cá nhân.
– Luôn ghen tị với người khác và tin rằng người khác cũng ghen tị với họ.
Theo đó, người bị rối loạn nhân cách ái kỷ thường gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ xã hội. Họ dễ cảm thấy chán nản hoặc bị sỉ nhục. Mặt khác, họ cũng dễ tổn thương và thường xuyên có cảm giác bất an.
Người bị bệnh ái kỷ ác tính cũng có các dấu hiệu của chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Để chẩn đoán bệnh rối loạn nhân cách chống xã hội, bệnh nhân (trên 18 tuổi) cần có ít nhất 3 trong số các triệu chứng dưới đây.
– Xem thường thẩm quyền và các chuẩn mực xã hội, thể hiện bằng các hành vi vi phạm pháp luật lặp lại nhiều lần.
– Có sở thích lừa dối và thao túng tâm lý người khác (tương tự như gaslighting).
– Liều lĩnh, bốc đồng, mạo hiểm để thể hiện sự xem thường an toàn của bản thân và người khác.
– Không hối hận về các hành vi sai trái của bản thân.
– Thường có tâm trạng cáu kỉnh, bồn chồn, thậm chí là kích động, thù địch.
– Vô trách nhiệm, thiếu lòng tự trọng, kiêu ngạo.
– Gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch.
Bệnh nhân rối loạn nhân cách chống xã hội cũng có thể biểu hiện các hành vi rối loạn ở thời thơ ấu. Họ thích bạo lực, phá hoại tài sản, trộm cắp, hành hạ động vật…Tuy nhiên, bệnh chỉ được chẩn đoán ở tuổi trưởng thành.
Hung hăng
Sự hung hăng mô tả một loại hành vi, không phải là một tình trạng sức khỏe tâm thần. Hành vi hung hăng chỉ được các chuyên gia sức khỏe tâm thần lưu tâm, khi nó đi kèm với sự gây hấn thường xuyên.
Theo đó, hành vi hung hăng có thể xảy ra như một phản ứng của cơn tức giận cực độ hoặc liên quan đến ý định phá hoại. Có 3 loại hung hăng thường gặp ở người bị bệnh ái kỷ ác tính, bao gồm:
– Hung hăng thù địch: loại hành vi đặc biệt nguy hiểm. Người bệnh thích phá hoại tài sản hoặc tinh thần và thể chất của người khác.
– Hung hăng công cụ: hành vi hung hăng này thường liên quan đến một mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn như hành động đập vỡ cửa kính ô tô để lấy cắp đồ.
– Hung hăng ảnh hưởng: người bệnh chủ yếu nhắm tới đối tượng gây ra cảm xúc tiêu cực. Nó cũng có thể chuyển hướng nếu mục tiêu không khả dụng. Đấm vào tường thay vì đấm vào người khác cũng là một ví dụ về sự hung hăng trong tình cảm.
Người bị bệnh ái kỷ ác tính thường rất tàn bạo
Hành vi làm nhục hoặc khiến người khác đau đớn mang lại niềm vui cho bệnh nhân ái kỷ ác tính. Khuynh hướng tàn bạo được biểu hiện rất rõ trong hoạt động tình dục của họ. Cụ thể, người bệnh sẽ có các biểu hiện như:
– Thích làm người khác tổn thương về thể chất lẫn tinh thần.
– Hứng thú khi nhìn người khác đau đớn.
– Dành nhiều thời gian để tưởng tượng về việc làm tổn hại đến người khác.
– Nuôi ý định trả thù đối với bất cứ ai khiến họ tức giận.
– Bạo lực tình dục (bạo dâm).
Một số chuyên gia cho rằng chính những hành vi tàn bạo này sẽ giúp phân biệt chứng rối loạn nhân cách ái kỷ và bệnh ái kỷ ác tính. Cụ thể, người bị ái kỷ sẽ chỉ thường tự mình theo đuổi các ham muốn của bản thân. Quan trọng là họ có cảm giác hối tiếc vì đã làm tổn thương đến người khác.
Lạm dụng
Theo WebMD, khả năng duy trì mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình là rất thấp đối với người mắc bệnh ái kỷ ác tính. Ngay cả với những người thân, bệnh nhân cũng sẽ có các hành vi lạm dụng về mặt tình cảm. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
– Liên tục chỉ ra những sai sót của người khác.
– Thích thú với việc làm những người xung quanh mình nản lòng, buồn bã.
– Có thói quen nói dối và tính kiểm soát.
– Biện minh cho những hành động sai trái của bản thân và không hề tỏ ra hối hận.
– Hạ nhục, đe dọa người khác nơi công cộng.
– Không quan tâm đến nhu cầu cảm xúc của người khác.
– Cư xử theo cách có thể mang lại nguy hiểm cho mọi người.
– Liên tục nói những lời tồi tệ để tận hưởng sự đau khổ của người khác.
Cần lưu ý, một số hành vi lạm dụng không phải là kết quả của tình trạng tâm thần. Bạn cần tỉnh táo để không bị lạm dụng tình cảm bởi những người hoàn toàn khỏe mạnh.
Phân biệt bệnh ái kỷ ác tính và chứng rối loạn nhân cách chống xã hội
Cho đến nay vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa ái kỷ ác tính (malignant narcissism) và rối loạn nhân cách chống đối xã hội (APD). Điều này cũng dễ hiểu bởi các dấu hiệu phổ biến của bệnh rối loạn chống xã hội bao gồm: vô cảm, lợi dụng, thao túng, kiêu ngạo v.v… Chúng khá tương đồng với bệnh ái kỷ ác tính.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng tất cả các bệnh về rối loạn hành vi xã hội chỉ được sử dụng như một thuật ngữ không chính thức. Chúng không phải là những chẩn đoán cụ thể.
Mặt khác, bệnh ái kỷ ác tính bao hàm các biểu hiện của rối loạn nhân cách dạng chống đối xã hội. Nói như vậy có nghĩa là, một người có các dấu hiệu của chứng rối loạn xã hội mà không có những triệu chứng đi kèm như trên sẽ không được chẩn đoán là người bị bệnh ái kỷ ác tính.
Phương pháp điều trị bệnh ái kỷ ác tính
Cũng như những căn bệnh tâm thần khác, điều trị ái kỷ ác tính cũng nhằm mục đích cải thiện cảm xúc, hành vi và phản ứng của người bệnh.
Tuy nhiên, người bị bệnh tâm thần thường không muốn hoặc không thể nhận ra hành vi của họ là sai trái. Điều này gây nhiều cản trở cho bác sĩ trong quá trình điều trị. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ sẽ tập trung vào việc giảm các bất ổn về mặt cảm xúc trước tiên. Bác sĩ rất cần sự hợp tác của người bệnh để việc điều trị trở nên dễ dàng hơn.
Chính vì vậy, nếu bạn nghi ngờ ai đó mắc phải chứng bệnh ái kỷ ác tính thì cũng đừng quá lo lắng. Các phương pháp trị liệu hiện nay hoàn toàn có thể giúp ích cho họ, miễn là họ sẵn sàng. Lợi ích của việc hợp tác trị liệu có thể kể đến như:
– Mối liên hệ với người khác trở nên mạnh mẽ hơn.
– Khả năng kiểm soát cảm xúc cá nhân tốt hơn.
– Khả năng hướng tới các mục tiêu được cải thiện.
– Giảm thiểu các hành vi phạm pháp, phản đạo đức.
Năm 2010, các nghiên cứu về bệnh ái kỷ ác tính lưu ý việc điều trị có thể kiểm soát được xu hướng hung hăng và tàn bạo trong các mối quan hệ của người bệnh. Phương pháp trị liệu thường được áp dụng là liệu pháp hành vi biện chứng sửa đổi (DBT) và tư vấn riêng.
Song song với đó, một số loại thuốc cũng có thể cải thiện một số triệu chứng của bệnh nhân. Thường được bác sĩ sử dụng nhất là thuốc chống loạn thần và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (thuốc chống trầm cảm).
Liệu pháp lược đồ cũng có hiệu quả trong việc điều trị chứng rối loạn nhân cách ái kỷ và các vấn đề liên quan. Mặt khác, phương pháp trị liệu tập trung và liệu pháp tinh thần cũng được tiến hành. Các bác sĩ đã ghi nhận những kết quả khả quan của hai liệu pháp này, trong quá trình theo dõi bệnh ái kỷ ác tính.
Tuy nhiên, dữ liệu lâm sàng về các phương pháp điều trị căn bệnh này vẫn chưa đầy đủ. Các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu để bổ sung và hoàn thiện chúng.
Bệnh ái kỷ ác tính ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Song song đó, nó còn mang đến nguy hiểm cho những người xung quanh. Vì vậy, nếu bạn có người thân hoặc người yêu mắc phải chứng bệnh này, điều quan trọng bạn cần làm là hãy tự chăm sóc bản thân. Tiếp theo, bạn hãy đưa người đó đến gặp các chuyên gia tâm thần sớm nhất có thể.
Nguyễn Anh Thư / HELLO BACSI