Lượng muối trong một gói mì gần bằng với lượng muối trong 65 ml nước mắm loại nhạt nhất.
Bạn hẳn đã nghe ai đó so sánh ăn một gói mì tương đương với tiêu thụ 65 ml nước mắm. Thực tế thì trong một gói mì chứa khoảng 861 mg muối; trong khi nước mắm loại nhạt nhất chứa 15 g muối/lít, tương đương với 975 mg muối/65 ml. Do vậy, đây là một cách so sánh không hoàn toàn chính xác nhưng không phải không có cơ sở.
Tuỳ theo lứa tuổi và tình trạng sức khoẻ của mỗi cá nhân mà lượng muối tiêu thụ khác nhau. Tuy nhiên, đối với người trưởng thành trên 11 tuổi, lượng muối tiêu thụ không được quá 6 g muối (tương đương 2,4 g sodium). Như vậy, việc ăn một gói mì đã chiếm mất một lượng khá lớn lượng muối bạn được tiêu thụ mỗi ngày.
Lượng muối trong một gói mì chiếm một phần lớn lượng natri bạn cần hằng ngày. Không chỉ vậy, thành phần chứa trong mì gói còn đem đến nhiều tác hại khác cho sức khỏe.
Một số tác hại của mì ăn liền đến sức khỏe con người
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mì ăn liền (mì gói, mì tôm) đã trở nên quá quen thuộc. Đối với nhiều người, mì ăn liền là một thực phẩm yêu thích. Nhưng liệu họ có biết loại mì này có thể mang bệnh đến cho họ hay không?
Một nghiên cứu mới đây của Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy việc tiêu thụ mì ăn liền có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, bệnh tiểu đường, hay đột quỵ.
Vì đa phần người dân châu Á tiêu thụ mì ăn liền với số lượng khá lớn nên các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Baylor đã xem xét các thông tin về chế độ ăn uống từ cuộc Khảo sát Sức khỏe Quốc gia và Điều tra Dinh dưỡng Quốc gia lần thứ 4 từ năm 2007 đến năm 2009. Họ đã nghiên cứu được rằng có hai mô hình ăn chính: một là “mô hình truyền thống” (TP) chú trọng ăn các loại thức ăn như gạo, cá, rau, củ và trái cây; và loại thứ hai là “các loại thịt và thức ăn nhanh như mì ăn liền, đồ hộp…” (MP). Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người theo mô hình thứ hai (MP) có tỷ lệ béo phì cao hơn và mức cholesterol lớn hơn, trong khi những người theo mô hình thứ nhất (TP) có chỉ số huyết áp ổn định và nguy cơ béo phì thấp hơn.
Ở phụ nữ, tiêu thụ mì ăn liền mỗi tuần một lần dẫn đến tỷ lệ các mắc bệnh kể trên cao hơn 26%. Nếu tiêu thụ mì ít nhất hai lần mỗi tuần thì tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn 68%. Điều này không xảy ra ở nam giới.
Nguyên nhân do đâu?
Các nhà nghiên cứu cho rằng nguy cơ mắc bệnh gia tăng có thể là do mì chứa hàm lượng calo, carb tinh luyện cao, chất béo bão hòa cao. Nhìn chung, phụ nữ có thể dễ bị tổn thương bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe do những hormone ảnh hưởng chuyển hóa khác nhau và không cân đối. Ví dụ như hóa chất Bisphenol A (BPA), một loại hóa chất được tìm thấy trong các thùng dùng để đóng gói mì ăn liền, sẽ làm rối loạn quá trình mà các tín hiệu hormone truyền đi trong cơ thể, đặc biệt là hormone estrogen.
Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu này sẽ nhắc nhở mọi người chú ý nhiều hơn khi lựa chọn thực phẩm. Điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ chính là nhiều loại thực phẩm đóng hộp như mì ăn liền, thịt hộp, cá hộp nếu nói về mặt dinh dưỡng sẽ giống một loại thức ăn nhanh hơn là một bữa ăn mà bạn tự tay nấu ở nhà.
Trong quãng đời sinh viên, trong chúng ta có ai mà không bị ám ảnh bởi từ “mì tôm” khi có nhiều lúc phải ăn nó hầu như suốt cả tuần? Tuy nhiên, thói quen này đi kèm với những tác hại rất nghiêm trọng đến sức khỏe. Có thể bây giờ bạn cảm thấy khỏe mạnh và không gặp rắc rối gì, nhưng về lâu dài, bạn có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe đấy.