Khi bạn đi xét nghiệm miễn dịch, bạn sẽ được phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm như viêm nhiễm, ung thư,… để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hợp lý chuẩn xác nhất.
Khi khám sức khỏe, bạn thường được bác sĩ yêu cầu làm nhiều xét nghiệm hay đơn giản với những que thử bạn có thể thực hiện tại nhà như thử thai, thử nước tiểu. Một số những xét nghiệm ấy được gọi là xét nghiệm miễn dịch. Bạn có thể sẽ thắc mắc về cơ chế, các xét nghiệm thường gặp cũng như những lưu ý khi làm xét nghiệm này là gì. Bạn hãy cùng tìm hiểu nhé.
Xét nghiệm miễn dịch là gì?
Có rất nhiều xét nghiệm miễn dịch được thực hiện với nhiều mục đích khác nhau và chẩn đoán nhiều bệnh khác nhau, ví dụ như để xác định tình trạng dị ứng, tầm soát ung thư tiêu hóa hay thử thai. Các xét nghiệm miễn dịch này thường được sử dụng để thực hiện các xét nghiệm thường quy trong bệnh viện hay các trung tâm xét nghiệm y khoa, hay các test tự xét nghiệm tại nhà.
Những vật thể lạ hay mầm bệnh trong cơ thể thường được phát hiện bởi công nghệ miễn dịch. Nhờ đó các bác sĩ có thể tìm thấy virus, hormone và hemoglobin, một thành phần cấu tạo của máu. Xét nghiệm miễn dịch chính là dựa vào hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Sau khi cơ thể bị nhiễm các mầm bệnh hay vật chất lạ gọi chung là kháng nguyên, hệ thống miễn dịch sẽ hình thành nên kháng thể. Các kháng thể này là một loại protein có thể kết hợp với kháng nguyên đặc biệt, giống như chìa khóa và ổ khóa.
Các kháng thể này sẽ vô hiệu hóa các kháng nguyên và thu hút nhiều tế bào miễn dịch đến để tiêu diệt các mầm bệnh đó. Xét nghiệm miễn dịch được sử dụng trong phòng thí nghiệm sẽ dùng một kháng thể tổng hợp phù hợp với kháng nguyên hay hợp chất mà bạn cần tìm. Ví dụ như bạn cần tìm một chất hay mầm bệnh nào đó trong máu, phân, nước tiểu thì phản ứng xảy ra giữa kháng nguyên và kháng thể tổng hợp sẽ cho bạn biết kết quả.
Các xét nghiệm miễn dịch thường gặp
Xét nghiệm miễn dịch được áp dụng khá rộng rãi trong nhiều lĩnh vực y khoa, dưới đây là một số xét nghiệm bạn hay gặp:
• Tầm soát ung thư tiêu hóa: Xét nghiệm này sẽ tìm hemoglobin, một sắc tố trong máu ở trong phân. Khi có máu trong phân, bạn có thể bị các tổn thương như polyp, trĩ hay thậm chí là ung thư.
• Dị ứng: Phát hiện các kháng thể của cơ thể chống lại các dị ứng nguyên như phấn hoa hay thực phẩm.
• Phát hiện các mầm bệnh: Khi bạn bị nghi ngờ viêm amidan do nhiễm trùng, sốt tinh hồng nhiệt, xét nghiệm miễn dịch nhằm phát hiện vi khuẩn Streptococcus sẽ được bác sĩ đề nghị. Xét nghiệm miễn dịch còn được dùng để phát hiện các loại virur như viêm gan B, C, HIV hay HPV. Phụ nữ có thai còn được xét nghiệm máu để phát hiện liệu họ có nhiễm ký sinh trùng là toxoplasma hay không.
• Chẩn đoán nhồi máu cơ tim và thuyên tắc mạch: Một số protein đặc hiệu sẽ tăng sau khi người bệnh bị nhồi máu cơ tim hay thuyên tắc mạch và xét nghiễm miễn dịch được dùng để phát hiện các loại protein đó.
• Xét nghiệm nước tiểu: Bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện nhanh đường, máu, protein hay tế bào viêm trong nước tiểu, đây là báo hiệu của các bệnh hay gặp như đái tháo đường, nhiễm trùng đường tiểu và suy thận.
• Thử thai: Phụ nữ có thể thử thai nhanh bằng que thử, cơ chế là xét nghiệm miễn dịch phát hiện hormone thai kỳ beta-hCG trong nước tiểu.
• Thử nhanh các loại thuốc: Xét nghiệm miễn dịch còn được sử dụng để phát hiện một số loại thuốc gây ảo giác như cần sa, thuốc lắc và cocain. Những loại thuốc gây tác động đến hệ thần kinh cũng có thể được phát hiện như thuốc ngủ, ma túy tổng hợp và morphine.
• Xác định nhóm máu của bạn: Khi truyền máu thì nhóm máu của người cho và người nhận phải giống nhau. Xét nghiệm miễn dịch có thể phát hiện nhóm máu trước khi bạn có thể cho hay nhận máu.
Ngoài ra, xét nghiệm miễn dịch có thể được dùng để chẩn đoán tình trạng suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải, phân biệt các dạng bệnh viêm đa khớp dạng thấp, hay theo dõi diễn tiến nhiều bệnh, ví dụ như để theo dõi khối u tiền liệt tuyến bằng nồng độ chất PSA, prostate specific antigen trong máu. Kháng thể tổng hợp còn giúp phát hiện doping, các độc chất hay an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những lưu ý khi bạn chuẩn bị xét nghiệm miễn dịch
Một trong những yếu tố quan trọng để các xét nghiệm miễn dịch được chính xác và tin cậy là từ bạn. Khi xét nghiệm, bạn cần phải được lấy máu, nước tiểu hay vật mẫu khác trên cơ thể, vì thế việc tuân theo những hướng dẫn của kỹ thuật viên là một điều quan trọng. Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn:
• Làm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên hay bác sĩ trước khi làm xét nghiệm miễn dịch.
• Thông báo cho kỹ thuật viên lấy mẫu nếu bạn đã làm sai điều gì đó trong hướng dẫn.
• Bạn nên cho bác sĩ biết về thuốc bạn đã và đang sử dụng gồm cả các vitamin và thuốc bổ sung. Nếu bạn đang dùng các thuốc như chống đông máu, thuốc điều trị động kinh bạn nên ghi lại thời gian chính xác sử dụng để bác sĩ có được chẩn đoán chính xác hơn.
• Một số hoạt động của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm như tập thể thao, uống ít nước, ăn quá nhiều hay quan hệ tình dục. Đôi khi bạn sẽ được bác sĩ hỏi về các tình trạng này khi đọc xét nghiệm. Tuy nhiên, đa số các xét nghiệm thường sẽ không yêu cầu bạn chuẩn bị gì cả. Nếu có, hãy nên làm theo hướng dẫn thật cẩn thận nhé.
• Cuối cùng là khi xét nghiệm miễn dịch, cũng tương tự như khi khám bệnh, bạn nên trả lời thành thật các câu hỏi của bác sĩ, như là bệnh sử, các thuốc đã dùng, tiền sử gia đình, sai lầm trong quá trình lấy mẫu, hay thời gian bạn đã dùng thuốc trước khi xét nghiệm. Bạn có thể còn được hỏi về lượng thuốc lá đã hút, lượng rượu bia đã uống, hay các thuốc cấm nữa. Cung cấp đầy đủ thông tin và chính xác có thể giúp bác sĩ có được chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng bệnh của bạn, nhờ đó việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.
Xét nghiệm miễn dịch được áp dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực y khoa mà chúng ta gặp hằng ngày. Hiểu biết rõ hơn về xét nghiệm này sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị trước, nhờ đó giúp đỡ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác hơn.