Trong quá trình mang thai, mẹ bầu hẳn thường lo âu và mệt mỏi vì các triệu chứng như mụn nhọt, rôm sảy hoặc tình trạng thay đổi màu da. Điều này có thể ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý của mẹ trong thời gian mang thai. Bài viết sau đây sẽ bật mí ngay những mẹo cực hay giúp làn da mẹ bầu khỏe mạnh.
Điều gì đã khiến làn da của mẹ bầu bị “khủng bố”?
Khi mẹ bầu mang thai, cơ thể sẽ phát ra các hormone, khiến lỗ chân lông tiết ra nhiều chất nhờn. Điều này sẽ làm cho bạn luôn ở trong trạng thái khó chịu. Không chỉ vậy, da mặt, chân, lòng bàn tay và lòng bàn chân của bạn cũng sẽ thay đổi màu sắc.
Đây còn là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng PUPPP (tình trạng nổi mề đay trong lúc bạn đang mang thai) hoặc rạn da, đặc biệt là vùng da dưới cánh tay của bạn. Hầu hết các mẹ bầu nghĩ rằng da mình sẽ trở nên hồng hào khi có thai. Nhưng thực tế rất ít các bà mẹ có được làn da đẹp khi mang thai. May mắn thay, hầu như những trải nghiệm khó chịu này sẽ mất đi sau vài tuần sinh.
Mẹ bầu nên làm gì để làn da khỏe đẹp?
Việc hiểu rõ những bí quyết chăm sóc cơ thể sẽ giúp mẹ bầu có được một làn da tràn đầy sức sống. Dưới đây là 11 mẹo cực kì hiệu quả mà bạn nên thử ngay:
- Giữ chế độ ăn uống lành mạnh trong thai kỳ vì điều này không chỉ giúp cơ thể bạn giữ được một trạng thái cân bằng các chất dinh dưỡng mà còn khiến cho làn da của bạn không bị thay đổi màu sắc quá nhiều;
- Uống 8 ly nước một ngày vì thói quen này sẽ giúp cơ thể của mẹ bầu duy trì độ ẩm của da và giúp da khỏe mạnh;
- Rửa mặt 2 lần một ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ (nếu da bạn có mụn). Bạn lưu ý hãy dùng sữa rửa mặt phù hợp với làn da của mình nhé (vì những loại sữa rửa mặt mạnh hơn sẽ kích thích da và làm mụn nhiều hơn). Sau khi dùng sữa rửa mặt để tẩy tế bào chết nhẹ nhàng, bạn nên dưỡng da với một loại kem dưỡng ẩm không dầu;
- Mua những mỹ phẩm có nhãn “noncomedogenic” (không gây mụn) và “không mùi” khi bạn mua sản phẩm trang điểm và chăm sóc da. Bên cạnh đó, nhãn hiệu “Oil free (không dầu)” giúp da không thêm dầu dư thừa và làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Nhưng nếu da khô, bạn nên lựa chọn sản phẩm dưỡng ẩm thay thế;
- Bổ sung vitamin B6 để cải thiện tình trạng mụn trứng cá. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có ý định dùng thuốc trong thời gian mang thai;
- Nếu tình trạng không khá hơn, bạn có thể đến gặp bác sĩ da liễu. Một số loại thuốc thông thường để điều trị mụn trứng cá, như Accutane và Retin-A, lại không được sử dụng nếu bạn đang mang thai;
- Tắm quá nhiều có thể làm giảm độ ẩm trên da. Tắm trong thời gian ngắn và dùng nước ấm không quá nóng lại là cách hiệu quả giúp cho làn da của mẹ bầu thêm khỏe mạnh. Bạn nên sử dụng một loại xà bông có chất tẩy nhẹ. Nếu da khô, hãy thử một loại kem dưỡng ẩm hoặc đặt máy tạo độ ẩm, phun sương trong phòng.
- Đối với bệnh eczema (tình trạng ngứa da với các triệu chứng phổ biến như nổi mẩn đỏ, có mụn nước và ngứa), bạn có thể sử dụng kem cortisone liều thấp, nhưng nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng;
- Đối với tình trạng mẩn đỏ ở lòng bàn tay, bạn cố gắng chịu đựng một thời gian nhé vì tình trạng này sẽ biến mất sau khi bạn sinh con;
- Tình trạng nứt nẻ trên da cũng thường xuất hiện trong thời kỳ mang thai và chúng sẽ biến mất sau khi sinh. Nếu tình trạng này không cải thiện, bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị;
- Đối với ban nhiệt, bạn nên tìm nơi thoáng mát. Tránh mặc quần áo chật hoặc quá nóng nếu như gặp phải tình trạng này;
- PUPPP sẽ biến mất khi bạn sinh em bé, nhưng nếu muốn được điều trị, bạn có thể gặp bác sĩ để được kê toa nhé.
Việc sở hữu làn da đẹp khi mang thai là một điều không hề dễ dàng nhưng cũng không phải là quá khó. Mẹ bầu nên kiên trì và thực hiện một trong các mẹo trên hằng ngày để đạt được kết quả tốt nhất nhé!
Bạn có thể quan tâm đến:
- Chữa trị mụn an toàn cho mẹ bầu
- 6 mẹo dễ dàng giúp mẹ bầu hết ngứa bụng