Khi gan bị tổn thương, cơ thể sẽ có những dấu hiệu bệnh gan để cảnh báo. Nhưng trong thực tế, khi thấy các dấu hiệu này, nhiều người thường nghĩ rằng mình đang gặp một chứng bệnh nào đó mà không phải bệnh liên quan đến lá gan.
Nguyên nhân khiến một người bị bệnh gan có thể do di truyền hoặc nhiều yếu tố gây hại cho gan, chẳng hạn như nhiễm virus và thói quen sử dụng rượu bia, hút thuốc, sử dụng một số loại thuốc gây độc cho gan trong thời gian dài…
Ngoài ra, tình trạng béo phì cũng có thể làm tổn thương gan. Theo thời gian, tổn thương gan sẽ dẫn đến viêm, sẹo, xơ gan, có thể gây suy gan, một tình trạng đe dọa tính mạng. Trong bài viết này, Chúng tôi, mời bạn cùng tìm hiểu 10 dấu hiệu bệnh gan dễ nhầm lẫn nhất.
10 dấu hiệu bệnh gan dễ nhầm lẫn với các chứng bệnh khác
1. Ngứa – Một dấu hiệu của bệnh gan điển hình dễ nhầm lẫn
Ngứa ngáy là dấu hiệu bệnh gan dễ gây nhầm lẫn nhất. Nguyên do là bởi mọi người thường sẽ không mấy quan tâm nếu bị ngứa trừ khi bị ngứa dữ dội hay phát ban. Khi bị ngứa, người bệnh thường nghĩ mình bị dị ứng, do côn trùng đốt/cắn, do tiếp xúc với hóa mỹ phẩm, hóa chất bị kích ứng… mà không nghĩ rằng gan của mình đang bị tổn thương.
Tình trạng ngứa có thể xảy ra khi trong máu có sự xuất hiện của mật do gan bị tổn thương. Khi ống mật bị chặn sẽ gây ra tình trạng mật bị ứ đọng và chảy ngược vào dòng máu. Điều này khiến mật tích tụ dưới da và gây ngứa.
2. Dấu sao mạch (Chân nhện dưới da)
Dấu sao mạch là những tổn thương dưới da gồm 1 tiểu động mạch trung tâm với nhiều nhánh tỏa ra xung quanh trông như chân nhện. Khi bạn ấn vào, các sao mạch biến mất; khi thả tay ra, các sao mạch xuất hiện trở lại do máu từ tiểu động mạch trung tâm nhanh chóng đổ đầy vào các mạch nhánh.
Đây là một dấu hiệu cho thấy gan không hoạt động đúng và không chuyển hóa hormone. Nguyên nhân hình thành các dấu sao mạch này là do nồng độ estrogen cao cùng sự mở rộng của các tiểu động mạch, các nhánh bắt nguồn từ các động mạch đến mao mạch của bạn.
3. Dễ bị bầm tím và chảy máu
Nếu nhận thấy bạn dễ bị bầm tím hoặc chảy máu sau khi bị thương hay bị va đập thì hãy lưu tâm đến điều này. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh gan cho biết lá gan của bạn không khỏe mạnh. Nguyên nhân là do khả năng sản xuất các yếu tố giúp đông máu của gan bị suy giảm.
4. Hơi thở có mùi: Dấu hiệu bệnh gan thường bị bỏ qua
Hơi thở có mùi có thể chỉ ra nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh viêm xoang hoặc các bệnh về răng miệng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng hơi thở có mùi cũng có thể là dấu hiệu nhận biết tình trạng tổn thương gan.
Tình trạng hôi miệng trong suy gan còn được gọi là hơi thở của người chết (foetor hepaticus). Đây có thể là một dấu hiệu muộn cảnh báo tình trạng suy gan. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là sự hiện diện của amoniac và ketone trong hơi thở hoặc nồng độ dimethyl sulphide cao, xuất hiện trong máu của bạn khi bạn bị xơ gan.
5. Vết thâm và tăng sắc tố trên mặt
Hiện tượng các sắc tố nâu xuất hiện trên mặt có thể liên quan mật thiết đến tình trạng gan không hoạt động như bình thường. Khi gan không hoạt động đúng, nồng độ estrogen trong cơ thể tăng lên. Đây là nguyên nhân làm cho một chất có tên tyrosinase, một loại enzyme có chứa đồng, tạo ra nhiều melanin (sắc tố da). Điều này gây ra các vết thâm và tăng sắc tố trên mặt hoặc toàn bộ cơ thể bạn.
Tuy nhiên, tình trạng vết thâm và tăng sắc tố trên mặt có thể nhầm lẫn với hiện tượng “ăn nắng”, rối loạn nội tiết tố…
6. Buồn nôn
Bạn thường xuyên cảm thấy buồn nôn hoặc muốn nôn? Điều này khiến bạn nghĩ rằng mình đang có vấn đề với thực phẩm, dạ dày hay vấn đề nào khác.
Thực tế, tình trạng buồn nôn cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo gan đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Nguyên nhân khiến bạn buồn nôn là do khả năng đảm trách nhiệm vụ lọc chất độc của gan bị suy giảm, làm cho độc chất tích tụ trong máu khiến bạn buồn nôn.
7. Lòng bàn tay đỏ
Lòng bàn tay đỏ, nóng rát hay còn được gọi là ban đỏ lòng bàn tay có thể là một dấu hiệu bệnh gan, cảnh báo về tình trạng cơ quan này bị tổn thương. Tình trạng này xảy ra là kết quả của nồng độ hormone bất thường trong máu. Ước tính có khoảng 1/4 số người bị xơ gan có dấu hiệu này.
8. Màu sắc của phân không bình thường
Màu sắc của phân được cho là do muối của mật mà gan thường tiết ra tạo thành. Nếu phân của bạn nhạt màu, nguyên nhân có thể là bạn đang có vấn đề về gan hoặc hệ thống dẫn lưu đường mật. Phân có màu đen như hắc ín có thể xảy ra khi bệnh gan đã tiến triển. Nguyên nhân được cho là có máu trong đường tiêu hóa. Nếu tình trạng này xảy ra, bạn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
9. Mất tập trung: Dấu hiệu của bệnh gan thường bị nhầm lẫn với mệt mỏi, stress…
Gần đây, bạn nhận thấy mình gặp khó khăn với việc tập trung? Sự thiếu tập trung của bạn có thể là do tình trạng mệt mỏi, quá tải trong công việc, stress… Thế nhưng, tình trạng mất tập trung cũng có thể là một dấu hiệu thực sự cảnh báo rằng lá gan của bạn đang gặp vấn đề.
Hai trong số các chức năng quan trọng nhất của gan là giải độc và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Do đó, khi máu của bạn có quá nhiều độc tố sẽ làm cho gan không hoạt động đúng. Điều này khiến não cũng có thể bị ảnh hưởng. Song song với đó là tình trạng chuyển hóa năng lượng chậm có thể làm cho bạn mệt mỏi, ảnh hưởng đến tinh thần minh mẫn.
10. Nước tiểu sậm màu
Việc nước tiểu có màu sắc bất thường như màu cam đậm, màu hổ phách, màu nâu… có thể khiến chúng ta liên tưởng đến các bệnh về thận, đường tiết niệu. Song trong thực tế, nước tiểu sậm màu cũng có thể là dấu hiệu gan có vấn đề. Tình trạng này xảy ra là do có quá nhiều bilirubin tích tụ vì gan không thể hoạt động như bình thường.
Mách bạn các biện pháp phòng ngừa bệnh gan
Để phòng bệnh gan, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
1. Uống rượu điều độ
Đối với người lớn khỏe mạnh có thói quen sử dụng rượu bia, việc uống rượu điều độ có nghĩa là bạn uống tối đa 1 ly/ngày đối với phụ nữ và tối đa 2 ly/ngày đối với nam giới. Trường hợp uống 8 ly/tuần đối với phụ nữ và hơn 15 ly/tuần đối với nam giới được xem là uống nhiều rượu.
Nếu bạn chưa từng uống rượu, hãy tránh xa loại thức uống này.
2. Tránh các hành vi rủi ro
Nếu có hơn 1 bạn tình, hãy sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Tuyệt đối không dùng chung kim tiêm trong bất cứ trường hợp nào. Nếu xăm mình hoặc xỏ khuyên, bạn cần tiến hành ở cơ sở thẩm mỹ sạch sẽ, uy tín, dụng cụ được tiệt trùng cẩn thận.
3. Tiêm phòng vaccine ngừa bệnh gan
Hãy nói chuyện với bác sĩ về việc tiêm vaccine viêm gan A, viêm gan B để phòng ngừa bệnh gan do virus.
4. Không sử dụng thuốc bừa bãi
Bạn chỉ nên dùng thuốc theo toa hoặc thuốc không kê toa khi thật cần thiết và chỉ với liều khuyến cáo. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về cách dùng thuốc hoặc khi bạn muốn thêm các chất bổ sung như thảo dược vào quá trình dùng thuốc.
5. Tránh tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể của người khác
Bạn có thể bị lây nhiễm virus viêm gan nếu vô tình tiếp xúc với máu hay dịch tiết của người bệnh mà không vệ sinh đúng cách.
6. Tuân thủ các quy tắc bảo hộ lao động
Hãy chắc chắn rằng khi phun thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt nấm, khi sơn hay khi tiếp xúc với các hóa chất độc hại khác phòng nơi bạn làm việc luôn được thông gió. Hãy luôn tuân theo các hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.
Khi phun xịt hay tiếp xúc với thuốc trừ sâu, các hóa chất độc hại, bạn phải đeo găng tay, mặc áo dài tay, đeo kính bảo hộ, đội mũ và đeo khẩu trang đầy đủ.
7. Duy trì cân nặng hợp lý
Tình trạng béo phì có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Do đó, bạn nên duy trì cân nặng khỏe mạnh để phòng tránh bệnh gan và nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác.
Nếu bị bệnh gan, bạn có thể gặp các biến chứng khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh gan của bạn. Bệnh gan nếu không được điều trị có thể tiến triển thành suy gan, một tình trạng đe dọa tính mạng. Do đó, nếu nhận thấy mình có các dấu hiệu kể trên, bạn nên đi khám sớm để bảo vệ sức khỏe.