Ưu và nhược điểm của các phương pháp điều trị cơ xương khớp

(3.91) - 43 đánh giá

Viêm khớp là một bệnh rất phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Thực tế, “viêm khớp” không phải là tên gọi của một căn bệnh duy nhất mà nó là tên gọi chung cho một nhóm khoảng 100 bệnh liên quan đến khớp và đau khớp. Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh này, đặc biệt là phụ nữ và người lớn tuổi và để điều trị cơ xương khớp không phải là một việc đơn giản.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp là sưng, đau, cứng khớp và giảm các chức năng vận động. Các triệu chứng có thể tự nhiên xuất hiện và tự nhiên biến mất ở mức độ từ nhẹ đến nặng. Ngoài ra, nó cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Những người bị viêm khớp nặng có thể gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, dẫn đến thay đổi vĩnh viễn cấu trúc của khớp. Nghiêm trọng hơn, một số loại viêm khớp còn ảnh hưởng đến các cơ quan như tim, mắt, phổi, thận và da.

Một số bệnh viêm khớp thường gặp

  • Thoái hóa khớp

  • Thoái hóa khớp là loại bệnh viêm khớp thường gặp nhất. Nguyên nhân gây ra bệnh là do sự thoái hóa sụn khớp. Sụn là phần đệm bảo vệ xương, giúp các khớp cử động dễ dàng. Nếu phần sụn này bị thoái hóa, phần xương bên dưới sẽ cọ xát với nhau, dẫn đến tình trạng đau nhức và khó khăn trong việc cử động, di chuyển. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này thường là người già, người bị thừa cân, béo phì, người bị dị dạng khớp bẩm sinh…

  • Viêm khớp dạng thấp

  • Một hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, nếu bị rối loạn, hệ miễn dịch có thể tấn công nhầm vào các bộ phận trên cơ thể như khớp, ruột, tụy… gây thoái hóa khớp và làm hư hại các cơ quan nội tạng. Viêm khớp dạng thấp là một dạng bệnh tự miễn khi các kháng thể tấn công lên chính xương và sụn của cơ thể mình. Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được xác định. Triệu chứng thường gặp là sưng, viêm, đau nhức và cứng khớp. Với bệnh viêm khớp dạng thấp, chẩn đoán và điều trị sớm là điều rất quan trọng để hạn chế tình trạng khớp bị tổn thương vĩnh viễn.

  • Viêm khớp do nhiễm khuẩn

  • Vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể di chuyển từ các khu vực bị nhiễm bệnh trong cơ thể vào khớp, gây viêm. Một số vi khuẩn gây viêm khớp thường gặp là vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm (salmonella và shigella), vi khuẩn viêm gan C… Điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp nhưng đôi khi nó có thể dẫn đến viêm khớp mạn tính.

  • Bệnh gout

  • Nguyên nhân dẫn đến bệnh gout là do sự rối loạn chuyển hóa của axit uric trong cơ thể. Khi axit uric tăng cao trong máu, nó sẽ lắng đọng thành các tinh thể sắc cạnh, tập trung ở các khớp gây ra các cơn đau nhức dữ dội. Ngoài ra, bệnh còn có một số triệu chứng điển hình khác như sưng, nóng, đỏ, đau ở những vùng bị viêm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sỏi thận, suy thận, tàn phế…

    Ưu và nhược điểm của các phương pháp điều trị cơ xương khớp

  • Điều trị bằng thuốc

  • Đối với bệnh viêm khớp, việc điều trị càng sớm sẽ càng có hiệu quả và giúp giảm nguy cơ tổn thương khớp và xương. Thuốc điều trị viêm khớp thường có 2 loại:

    • Thuốc điều trị các triệu chứng của viêm khớp

    Các loại thuốc giúp giảm đau như paracetamol có thể được dùng để điều trị các bệnh về cơ xương khớp. Nếu bạn thấy những loại thuốc giảm đau này không hiệu quả, hãy đến gặp bác sĩ để được kê một số loại thuốc giảm đau khác.

    Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) cũng có tác dụng giúp giảm sưng, đau và cứng khớp. Tuy nhiên, thuốc này có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, tim mạch. Vì vậy, khi kê toa các thuốc trong nhóm NSAIDs, bác sĩ sẽ cân nhắc đến các thuốc ít gây ảnh hưởng hơn như thuốc có hoạt chất, naproxen…

    Ngoài ra, steroid cũng có thể giúp bạn kiểm soát nhanh các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây tăng cân, tăng huyết áp, tăng đường huyết và giảm độ chắc khỏe của xương.

    • Thuốc chống thấp khớp

    Các thuốc chống thấp khớp (DMARD) giúp làm chậm quá trình phá hủy sụn và xương. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thuốc này, bạn phải xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra huyết áp và mắt thường xuyên để tránh những tác dụng phụ không mong muốn mà các loại thuốc này gây ra.

    Ưu và nhược điểm của việc điều trị cơ xương khớp bằng thuốc

    Điều trị bằng thuốc có thể đem lại tác dụng nhanh, người bệnh được điều trị phù hợp với căn bệnh của mình. Các loại thuốc được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

  • Vật lý trị liệu

  • Ngoài việc điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể đề nghị một liệu trình vật lý trị liệu giúp bạn vượt qua những triệu chứng khó chịu của bệnh viêm khớp:

    • Thủy liệu pháp với các bài tập trong nước ấm
    • Vật lý trị liệu với các bài tập cụ thể phù hợp với tình trạng của bạn, giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường sức mạnh cơ bắp.
    • Trị liệu nghề nghiệp: tư vấn kế hoạch giúp bạn vượt qua những hạn chế về thể chất liên quan đến bệnh khiến việc thực hiện công việc thường ngày khó khăn hơn, đồng thời cung cấp các kỹ thuật để giảm bớt áp lực lên các khớp và ngăn ngừa tổn thương.

    Ưu và nhược điểm của việc điều trị cơ xương khớp bằng vật lý trị liệu

    Phương pháp này có hiệu quả kéo dài hoặc thậm chí có những bệnh còn khỏi hẳn sau khi tập vật lý trị liệu. Ngoài ra, việc điều trị bằng phương pháp này còn giúp bạn tránh được những tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc.

    Tuy nhiên, nếu lựa chọn phương pháp này, người bệnh cần phải có sự kiên nhẫn bởi thời gian điều trị thường kéo dài và phải tuân thủ nghiêm túc chế độ sinh hoạt, làm việc và chế độ dinh dưỡng.

  • Phẫu thuật viêm khớp

  • Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các khớp bị tổn thương nghiêm trọng, gây đau đớn dữ dội nhưng những biện pháp điều trị khác không có hiệu quả. Phẫu thuật can thiệp kịp thời có thể giúp giảm đau, cải thiện chức năng khớp, làm chậm quá trình phát triển hay tái phát. Các phương pháp phẫu thuật gồm cắt bỏ tủy xương, phẫu thuật tái tạo, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật làm cứng khớp gối nhằm tạo sự liền xương của xương đùi và xương chày…

    Ưu và nhược điểm của phương pháp điều trị cơ xương khớp bằng phẫu thuật

    Phương pháp phẫu thuật có thể giúp giảm cơn đau, làm giảm sự tiến triển của bệnh và giúp bạn sinh hoạt thuận tiện hơn. Tuy nhiên, mặc dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong phẫu thuật nhưng nguy cơ biến chứng vẫn còn. Vì vậy, trong quá trình khám, bạn nên đặt ra các câu hỏi về biến chứng sau phẫu thuật để có thể lựa chọn giải pháp điều trị phù hợp.

  • Điều trị bằng Đông y

  • Hiện nay, người bị cơ xương khớp tìm đến các liệu pháp điều trị có nguồn gốc thiên nhiên như Đông dược, thực phẩm chức năng, lá mật gấu, lá bưởi, chườm nóng lạnh, xoa bóp… Dù vậy, bạn vẫn không nên tự ý sử dụng Đông dược. Nếu có ý định điều trị bằng phương pháp này thì tốt nhất bạn nên đến các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền uy tín để được tư vấn chính xác. Trong những trường hợp cần thiết, bạn sẽ được điều trị kết hợp Đông và Tây y để mang lại hiệu quả cao và an toàn nhất.

    Ưu và nhược điểm của phương pháp điều trị cơ xương khớp bằng Đông y

    Phương pháp này không phải có hiệu quả với tất cả mọi người bởi nó phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Ngoài ra, phương pháp này đòi hỏi bạn phải kiên trì thực hiện nhưng không chắc đem lại kết quả cao.

    Làm thế nào để việc điều trị cơ xương khớp đạt hiệu quả cao?

    Viêm khớp có thể gây ra các triệu chứng đau nhức, cản trở các sinh hoạt hàng ngày và khiến bạn khó chịu. Dưới đây là một số bí quyết hữu ích giúp bạn sống chung với căn bệnh này, ngoài ra nó còn giúp hỗ trợ cho việc điều trị nữa đấy.

  • Kiểm soát các cơn đau

  • Cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang tạo ra cơn đau và làm thế nào để kiểm soát nó. Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn có thể hỏi bác sĩ về các kỹ thuật giúp giảm đau và khó chịu khi thực hiện các hoạt động hàng ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về các thiết bị hỗ trợ giúp giảm căng thẳng cho các khớp.

  • Nghỉ ngơi và tập thể dục

  • Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp duy trì sự linh hoạt cho các khớp xương, từ đó kiểm soát các cơn đau và giảm các triệu chứng đau mạn tính. Tuy nhiên, bạn nên tránh các bài tập có cường độ mạnh, hãy thử các bài tập có mức độ ảnh hưởng thấp như đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội bởi những bài tập này có thể giúp giãn xương khớp mà không tạo thêm bất kỳ áp lực nào. Ngoài ra, bạn có thể đến gặp bác sĩ để tìm hiểu thêm về những bài tập phù hợp với bản thân.

  • Chế độ ăn giàu dinh dưỡng

  • Duy trì một chế độ cân bằng, giàu dinh dưỡng, ưu tiên một số thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3 tốt cho người bị viêm khớp như: cá hồi, cá ngừ. Trái cây và rau củ chứa nhiều chất xơ cũng có thể giúp giảm viêm. Bạn nên tránh những loại thực phẩm chứa nhiều đường, thực phẩm chế biến và những món ăn chứa nhiều dầu mỡ.

  • Giữ thái độ tích cực

  • Những cơn đau do bệnh cơ xương khớp gây ra có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Căng thẳng có thể làm cơ thể căng cứng, tăng đau nhức nên lười vận động. Bạn có thể áp dụng một số kỹ thuật sau để giúp giảm căng thẳng:

    • Nghỉ ngơi thường xuyên
    • Thực hiện các bài tập giúp thư giãn
    • Tham gia vào các nhóm hỗ trợ
    • Massage cơ thể bằng cách ngâm mình trong bồn nước nóng.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ

  • Nghiên cứu cho thấy những người nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người khác thường có kết quả điều trị tốt hơn. Vì vậy, bạn nên:

    • Chia sẻ những thành công cũng như sự thất vọng của bạn với gia đình, bạn bè hoặc những người có cùng nỗi đau.
    • Tham gia vào các nhóm hỗ trợ trong cộng đồng.
    • Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi bạn thực sự cần.

    Nhìn chung, phương pháp điều trị nào cũng có ưu và nhược điểm riêng. Để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên đến bác sĩ tư vấn để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với mình. Ngoài ra, duy trì một lối sống khỏe mạnh với một chế độ ăn cân bằng và tập thể dục thường xuyên để việc điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất nhé.

    Ngan Pham I HELLO BACSI

    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    8 cách đơn giản điều trị lẹo mắt tại nhà

    (79)
    Lẹo là một thuật ngữ y học chỉ tình trạng nhiễm trùng cấp tính tuyến bã nhờn ở mí mắt. Tình trạng này thường làm sưng, đỏ ở bờ mắt. Thậm chí chỗ ... [xem thêm]

    4 câu hỏi giúp bạn tìm ra huấn luyện viên “trong mơ”

    (73)
    Châu Á là mảnh đất màu mỡ cho những ai muốn tìm kiếm cơ hội trong ngành thể dục thể hình. Lối sống thoải mái, phòng tập giá cả phải chăng cùng với các ... [xem thêm]

    Sưng bìu tinh hoàn

    (53)
    Sưng bìu tinh hoàn, hay túi bìu phình to, là tình trạng phình đại bất thường của túi bìu đựng tinh hoàn. Sưng bìu tinh hoàn có thể xảy ra do chấn thương hoặc ... [xem thêm]

    Dùng xe tập đi cho bé có thể gây hại đủ đường

    (88)
    Thấy con bước sang giai đoạn tập đi, nhiều phụ huynh liền vội vã tìm mua xe tập đi cho bé. Thế nhưng cũng có không ít thông tin cho thấy việc sử dụng thiết ... [xem thêm]

    5 câu hỏi khi quyết định cho con bú sữa mẹ hay sữa bột

    (63)
    Hầu hết các mẹ đều quan tâm đến việc làm sao để có đủ sữa mẹ cho con phát triển tốt. Đôi khi, bạn thắc mắc không biết những thực phẩm mà mình ăn ... [xem thêm]

    Những lưu ý khi mang thai ở độ tuổi thiếu niên

    (83)
    Chăm sóc trước sinh là gì? Chăm sóc trước sinh là chăm sóc sức khỏe của bạn khi bạn đang mang thai. Chăm sóc trước sinh bao gồm chăm sóc y tế, giáo dục, và ... [xem thêm]

    Làm thế nào từ chối người bạn không thích?

    (41)
    Nếu nhận ra mối quan hệ không thể tiếp tục nữa, hãy khéo léo từ chối người bạn không thích trước khi mối quan hệ khiến cả hai ngày càng mệt mỏi ... [xem thêm]

    Hướng dẫn khám chữa bệnh ở Bệnh viện Bưu Điện TPHCM

    (52)
    Bệnh viện Bưu Điện là một trong nhiều địa chỉ khám chữa bệnh uy tín được nhiều người dân các tỉnh thành phía Nam lựa chọn. Mỗi ngày có hàng trăm ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN