Việc giữ ấm cho trẻ sơ sinh là điều hết sức quan trọng. Trong một số trường hợp, tình trạng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh lại xảy ra bất chấp mọi nỗ lực cố gắng của bạn trong việc ủ ấm cho con.
Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, đa phần các bậc cha mẹ chỉ chăm chăm vào việc làm sao để tránh cho con mình bị ốm, sốt mà quên mất rằng khi nhiệt độ cơ thể của bé bị thấp hơn mức bình thường cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiềm ẩn. Trong trường hợp này, vấn đề thiếu kiến thức và kỹ năng để có biện pháp xử lý kịp thời có thể sẽ khiến trẻ mắc các biến chứng nguy hiểm.
Nếu bạn muốn biết thêm về chứng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân, triệu chứng và làm thế nào để ngăn chặn hay phòng ngừa tình trạng kịp thời, hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Điều xảy ra khi con gặp chứng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
Nghe có vẻ hơi đáng ngạc nhiên nhưng sự thật là dù có trọng lượng thấp hơn rất nhiều so với người lớn, nhưng trẻ sơ sinh có tỷ lệ diện tích bề mặt da so với cơ thể cao hơn gấp ba lần. Điều này làm con dễ dàng bị mất nhiệt hơn so với người lớn. Tình trạng này sẽ còn tệ hơn với các trẻ sinh non vì chúng không có đủ lượng mỡ dự trữ để giữ ấm cơ thể.
Khi thân nhiệt trẻ thấp dần, cơ thể trẻ có xu hướng bù trừ sao cho nhiệt độ điều chỉnh về mức cân bằng. Lúc này, bé sẽ phải thở nhiều hơn để sử dụng oxy cũng như dự trữ năng lượng cần thiết để thực hiện các chức năng khác của cơ thể. Điều này gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tuần hoàn máu của trẻ, gây các biến chứng như ngưng thở, tăng huyết áp phổi, rối loạn chuyển hóa…
Thân nhiệt cứ hạ thấp liên tục không chỉ gây khó khăn cho trẻ trong việc chống chọi lại với các loại bệnh khác mà còn tăng nguy cơ mắc chứng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh hơn nữa.
Nguyên nhân chứng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh
Đôi lúc bạn sờ vào con rồi giật mình khi nhận thấy da bé đang rất lạnh. Điều đó chắc chắn sẽ khiến cho bạn thắc mắc không ngừng: Tại sao con lại thế? Điều gì đã xảy ra với con? Đâu là thủ phạm gây ra vấn đề? Những nguyên nhân dưới đây sẽ phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn:
1. Trẻ có thể đã bị nhiễm trùng
Các bé sơ sinh là đối tượng rất dễ bị nhiễm trùng bởi hệ thống miễn dịch còn quá non yếu, nguy cơ này còn cao hơn ở những bé sinh non (sinh trước khi thai đủ 37 tuần tuổi) hay sinh trước thời hạn. Có nhiều loại nhiễm trùng như viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết đều là nguyên nhân gây ra tình trạng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh. Các loại nhiễm trùng này lại có thể đe dọa tính mạng của trẻ nên cần phải can thiệp y tế ngay lập tức.
2. Điều kiện thời tiết môi trường xung quanh
Môi trường sống của trẻ quá lạnh như khi sống ở các vùng cao hay cha mẹ có thói quen cho trẻ nằm điều hòa quá thường xuyên cũng là nguyên nhân làm giảm thân nhiệt của trẻ. Với các trường hợp này, cách tốt nhất là nên giữ ấm cho trẻ bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Đôi khi có một số yếu tố khác không thuộc môi trường như: trẻ bị ướt hoặc không mặc quần áo trong thời gian dài, mẹ không lau khô người cho bé sau khi tắm cũng có thể là nguyên nhân.
3. Thiếu hụt các yếu tố dinh dưỡng
Người ta thấy rằng đôi khi do thiếu hụt một số yếu tố dinh dưỡng nhất định như sắt, iốt hoặc các chất dinh dưỡng khác cũng là nguyên nhân giảm nhiệt độ cơ thể trẻ. Với tình huống này, bạn nên quan sát bé thêm một vài ngày, nếu tình trạng vẫn không thuyên chuyển thì cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
4. Trẻ sơ sinh nhẹ cân và trẻ sinh non
Một trường hợp có thể lý giải cho chứng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh là các bé khi sinh ra có cân nặng từ 1,5 kg trở xuống và những bé được sinh ở tuần thứ 28 thai kỳ hay sớm hơn đều có nguy cơ mắc phải tình trạng này rất cao. Các bé rơi vào tình huống này có thể được đưa vào các phòng chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt trong một vài tuần hoặc cho đến khi cơ thể trẻ đủ khỏe để có thể tự điều chỉnh lại thân nhiệt.
Ngoài các nguyên nhân phổ biến trên thì còn một số nguyên nhân có thể do bắt nguồn từ một loại bệnh lý nào đó, chẳng hạn như: hạ đường huyết, các rối loạn thần kinh, các vấn đề về chuyển hóa và nội tiết.
Phương pháp giúp nhận biết con có đang mắc chứng hạ thân nhiệt hay không
Cũng giống như tên gọi thì dấu hiệu dễ dàng nhận ra nhất trẻ đang rơi vào tình trạng này là nhiệt độ cơ thể của bé giảm xuống dưới mức bình thường. Tuy nhiên, tùy vào mức độ mà các triệu chứng có thể sẽ diễn tiến khác nhau. Sẽ có ba mức độ là nhẹ, trung bình và nặng.
Mức độ nhẹ (nhiệt độ cơ thể của bé dao động từ 36 đến 36,5°C)
- Sờ vào trẻ thấy lạnh
- Trẻ có biểu hiện mệt mỏi hay tỏ ra khó chịu
- Da của bé có khi bị đổi màu hoặc ửng đỏ
- Trẻ có biểu hiện bú kém
- Đôi khi trẻ sẽ có biểu hiện run rẩy
- Thiếu hụt oxy là tình trạng chung
Mức độ trung bình (nhiệt độ cơ thể của bé từ 32 đến 35°C)
- Trẻ gặp khó khăn trong các cử động di chuyển
- Có thể trải qua tình trạng run rẩy không kiểm soát được
- Với các trẻ lớn, con có thể cảm thấy khó khăn khi bập bẹ hoặc phát âm
Mức độ nặng hay nguy hiểm (nhiệt độ cơ thể sẽ dưới 32°C)
- Đồng tử của trẻ có thể giãn ra mất phản xạ với ánh sáng
- Trẻ ngủ li bì, mất ý thức
- Các hoạt động giảm đáng kể
- Nhịp tim giảm có thể dưới 60
- Trẻ sút cân
- Sờ bắt mạch của bé đôi khi thấy mạch yếu hoặc khó phát hiện
Để xác định chính xác nhất xem con bạn có gặp phải chứng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh hay không, tốt nhất bạn nên đo nhiệt độ ở hậu môn.
Mách mẹ cách xử lý khi gặp chứng hạ thân nhiệt ở trẻ
Khi trẻ bị hạ thân nhiệt, bố mẹ nên bình tĩnh và có thể áp dụng các biện pháp sau:
1. Chú ý đến nhiệt độ phòng nơi trẻ ngủ
Như đã phân tích ở trên thì nhiệt độ phòng là một trong những thủ phạm khiến bé bị hạ thân nhiệt. Mặc dù trẻ sơ sinh vẫn có thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể nhưng chưa được như cơ thể người lớn. Do đó, điều quan trọng là bạn cần duy trì nhiệt độ phòng ổn định. Khi tăng nhiệt độ phòng, mẹ cần tránh tăng nhiệt độ quá đột ngột.
2. Kiểm tra nhiệt độ của nước tắm kỹ lưỡng
Trẻ sơ sinh thường không cần tắm bồn, mẹ chỉ cần lau mình cho bé trong chậu nhỏ cùng với nước ấm là ổn. Ngoài ra, bạn có thể dùng thêm một miếng bông tắm dành cho trẻ em nếu cần.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn tắm cho bé, hãy đợi cho đến khi rốn bé khô và rụng. Có ý kiến cho rằng nước tắm cho trẻ sơ sinh không nên quá lạnh hoặc nóng. Hãy chắc chắn rằng bạn kiểm tra nước cẩn thận trước khi tắm cho bé. Đừng để bé dành quá nhiều thời gian ngâm mình trong nước và phải lau mình bé thật khô bằng khăn lông mềm ngay sau khi tắm.
3. Quấn khăn cho bé
Nhiều bậc cha mẹ tin rằng việc quấn khăn có thể giữ ấm cho trẻ và tạo cho trẻ cảm giác gần giống như trạng thái lúc trẻ còn trong bụng mẹ. Đó cũng là một cách tuyệt vời để giữ ấm cho trẻ khi ở trong phòng có bật điều hòa quá lạnh hay khi nhiệt độ ngoài trời quá thấp. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng bạn không cho bé quấn khăn khi con đã hơn 3 – 4 tháng tuổi. Lúc này, bạn có thể cho bé mắc những bộ áo liền quần để giữ ấm.
4. Để mẹ ôm bé
Hầu hết các bác sĩ sẽ để em bé trên ngực mẹ ngay sau khi sinh vì điều này giúp xây dựng mối liên kết giữa mẹ và bé. Thực tế, đó cũng là một cách hay để cung cấp hơi ấm cho bé yêu. Việc chăm sóc trẻ theo kiểu “Kangaroo” này là một cách mang lại sự tiếp xúc gần gũi giữa mẹ và bé từ đó giúp trẻ điều chỉnh được nhiệt độ cơ thể của mình.
5. Tiếp tục theo dõi nhiệt độ của bé
Bạn nên theo dõi nhiệt độ trẻ thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào về nhiệt độ của bé. Điều này giúp bạn có thể có hành động kịp thời nếu có bất thường xảy ra. Nhiệt kế kỹ thuật số là một lựa chọn tốt để kiểm tra nhiệt độ cơ thể của bé. Bạn có thể đo nhiệt độ của trẻ trước và sau khi tắm hoặc khi bạn cho bé tiếp xúc với môi trường máy lạnh.
Trẻ sơ sinh bị hạ thân nhiệt cần gặp bác sĩ khi nào?
Nhiệt độ cơ thể thấp là điều không hề tốt cho các bé cưng. Nếu nhiệt độ bé của bạn giảm xuống dưới 32°C, đây là dấu hiệu của hạ thân nhiệt nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Ngay khi phát hiện ra thân nhiệt của con ở mức này, bạn nên liên lạc với bác sĩ để có biện pháp xử lý đúng đắn nhất. Việc can thiệp y khoa chậm trễ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, suy nội tạng và các vấn đề gây tử vong ở trẻ.
Với trẻ sơ sinh, cách tốt để bảo vệ con yêu là hãy tìm lời khuyên của bác sĩ khi con gặp các vấn đề gây nguy hại đến sức khỏe. Ngoài ra, mẹ cần nắm vững các kiến thức cần thiết cũng như tham khảo các biện pháp xử lý kịp thời để có thể chăm sóc bé tốt hơn.