Khi vừa chào đời, sữa mẹ là thực phẩm tuyệt vời nhất dành cho bé. Nguồn dưỡng chất này được hình thành ngay từ thời gian đầu bạn mang thai và phát triển dần khi bé yêu ra đời. Vậy sữa mẹ hình thành như thế nào?
Trong thời kỳ đầu mang thai, vú của mẹ đã bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi từ bên ngoài lẫn bên trong. Đây là sự biến đổi cần thiết để tạo nên nguồn dinh dưỡng sau này của bé. Những dấu hiệu đó là gì? Sữa mẹ được hình thành như thế nào? Những thông tin dưới đây sẽ giải đáp những câu hỏi này cho bạn một cách cụ thể nhất.
Bầu ngực phụ nữ thay đổi như thế nào?
Nếu đang mang thai, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi lớn từ bên trong nhũ hoa. Những biến đổi về thể chất, ví dụ như bầu ngực trở nên mềm mại, to ra, còn núm vú và quầng vú thì đổi khác là một trong những dấu hiệu sớm nhất cho thấy bạn đã thụ thai và đang hình thành sữa mẹ.
Các chuyên gia đã từng tin rằng, sự thay đổi màu sắc của quầng vú giúp trẻ sơ sinh dễ nhận biết vú của mẹ hơn, nhưng không có bằng chứng để chứng minh cho điều này. Mắt trẻ sơ sinh thực chất chỉ nhắm nghiền khi bú mẹ nên chúng không thể nhìn thấy quầng vú rõ được.
Một tín hiệu khác cho thấy sữa mẹ đang dần hình thành để chuẩn bị cho bé bú là khi những nốt sần trên quầng vú trở nên to hơn và rõ hơn, thường là trong tam cá nguyệt đầu tiên. Những vết sần này được gọi là tuyến Montgomery. Nó tiết ra chất dầu bôi trơn núm vú, ngăn ngừa khô, nứt và nhiễm trùng khi mẹ cho bé bú.
Sữa mẹ hình thành như thế nào?
Sự thay đổi đáng kể nhất không phải là những biến đổi có thể nhìn thấy được bên ngoài mà chính là những gì diễn ra bên trong vú. Sự phát triển của nhau thai kích thích giải phóng hormone estrogen và progesterone, từ đó kích thích hệ thống sinh học phức tạp giúp cho cho quá trình sản xuất sữa được chuẩn bị từng bước một.
Trước khi mang thai, mô nâng đỡ, tuyến sữa và chất béo bảo vệ tạo thành một phần lớn vú. Số lượng các mô mỡ khác nhau ở các phụ nữ khác nhau và đó là lý do tại sao bộ ngực phụ nữ có nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau.
Bầu vú sẽ trở nên căng phồng từ khi thai nhi mới 6 tuần tuổi. Các ống sữa chính – một mạng lưới các kênh được thiết kế để vận chuyển sữa qua vú – đã được hình thành ngay từ khi bạn ra đời. Các tuyến sữa sẽ nằm yên cho đến khi giai đoạn dậy thì, với sự tăng vọt nồng độ estrogen, làm cho chúng phát triển và to lên. Trong thời kỳ mang thai, những tuyến này chuyển sang phát triển với tốc độ cao hơn.
Cho đến lúc sinh con, mô tuyến vú sẽ mở rộng đáng kể. Đây là nguyên nhân làm cho bầu ngực của mẹ trở nên lớn hơn bao giờ hết. Mỗi vú có thể bị nặng gần 700g. Các ống phân nhánh ra thành các kênh nhỏ hơn gần thành ngực gọi là ống dẫn sữa. Ở cuối mỗi ống dẫn là một nhóm nhỏ giống như chùm nho gọi là nang vú. Một cụm các nang vú được gọi là tiểu thùy. Một cụm tiểu thùy được gọi là một thùy. Mỗi vú chứa từ 15–20 thùy, với một ống dẫn sữa cho mỗi thùy.
Được thúc đẩy bởi hormone prolactin, các nang sữa sử dụng protein, đường và chất béo từ máu của thai phụ và tạo ra sữa mẹ. Một mạng lưới các tế bào bao quanh các nang vú có khả năng ép các tuyến và đẩy sữa ra vào các ống dẫn đến một ống dẫn sữa lớn hơn. Hệ thống ống sữa sẽ phát triển hoàn toàn vào khoảng thời gian 2 tháng cuối của thai kỳ, do đó bạn có thể có sữa cho em bé bú ngay cả khi bé sinh non.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc sữa mẹ hình thành như thế nào khi mang thai. Hãy tìm hiểu thêm về các giai đoạn khác nhau và đặc điểm của sữa mẹ trên các bài viết của Chúng tôi bạn nhé!