Ngáp là trạng thái bình thường xuất hiện cả ở thai nhi và người lớn. Thế nhưng, nếu bạn ngáp nhiều không rõ nguyên nhân lại có thể là dấu hiệu bệnh lý.
Ngáp là một phản xạ tự nhiên không chủ đích thường xảy ra trước hoặc sau khi ngủ, đó là lý do tại sao ngáp nhiều thường được coi là dấu hiệu của sự mệt mỏi. Ngáp cũng xảy ra thường xuyên ở những người đang làm những việc nhàm chán hoặc tẻ nhạt.
Tuy nhiên, bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao lại ngáp nhiều ngay cả khi đang cảm thấy khỏe mạnh và liệu đây có phải là nguyên nhân bệnh lý không? Bạn hãy tìm hiểu nhé!
Vì sao bạn lại ngáp?
Ngáp thông thường có thể xuất hiện do sự thay đổi sinh lý của cơ thể bao gồm:
Thay đổi trạng thái
Ngáp thường được cho là dấu hiệu của buồn ngủ hoặc buồn chán, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng đúng. Khi bạn ngáp do mệt mỏi, nhịp tim có thể nhanh chóng tăng lên chỉ trong một lần ngáp. Dấu hiệu nhịp tim tăng này cho thấy ngáp có thể là dấu hiệu cơ thể tỉnh táo hơn uể oải, buồn ngủ.
Nhìn chung, ngáp có thể đơn giản là một cách để cơ thể thay đổi trạng thái nhận thức bao gồm:
- Trước khi đi ngủ: Ngáp có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chuẩn bị vào giấc ngủ.
- Khi buồn chán: Ngáp trong khi đang thực hiện công việc nhàm chán có thể là dấu hiệu của bộ não chuyển từ mức độ tỉnh táo cao sang mức thấp hơn.
- Sau khi tập thể dục thể thao: Ngáp sau một hoạt động thể thao cường độ cao có thể là dấu hiệu của việc chuyển từ năng lượng cao sang năng lượng thấp trong não.
Bạn cũng có thể ngáp nhiều khi thay đổi vị trí địa lý, chẳng hạn như di chuyển từ khu vực có áp suất cao sang áp suất thấp. Áp lực này có thể tích tụ trong màng nhĩ và khiến một người ngáp để giải phóng áp lực tích tụ này.
Nhu cầu hô hấp
Ngáp có thể đóng vai trò trong việc hít thở, điều này có xu hướng báo hiệu rằng cơ thể cần oxy nhiều hơn. Một lần ngáp có thể mang đến một lượng không khí lớn và kích thích nhịp tim nhanh hơn, về mặt lý thuyết có thể có nghĩa là nó đang bơm nhiều oxy hơn vào cơ thể. Vì vậy, ngáp có thể đơn giản là để giúp loại bỏ độc tố ra khỏi máu và cung cấp một nguồn oxy mới.
Làm mát não
Ngáp có thể làm mát não bằng tăng lưu lượng máu ở vùng mặt và cổ. Khi hít lượng không khí lớn và nhịp tim nhanh cũng khiến máu và dịch cơ thể chuyển động nhanh hơn. Toàn bộ quá trình này có thể là cách để hạ nhiệt độ khi bộ não đang quá nóng.
Bị “lây” từ người khác
Trong não có các tế bào thần kinh gương, hay còn gọi là tế bào thần kinh phản chiếu, có thể gây ra các cơn ngáp khi bắt gặp những hình ảnh này. Khi bạn thấy một người ngáp, tế bào thần kinh gương trong não sẽ bắt chước và tạo hành động tương tự khiến bạn ngáp theo.
Nguyên nhân gây ngáp nhiều
Ngáp là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể, tuy nhiên khi ngáp nhiều lại là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng bao gồm:
- Cơ thể mệt mỏi hoặc đuối sức
- Chảy máu trong hoặc xung quanh tim
- Rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ hoặc chứng ngủ rũ
- Tác dụng phụ của thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm hoặc lo lắng, chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs)
Ngáp nhiều cũng có thể chỉ ra một số tình trạng hiếm gặp khác như:
- Suy gan
- Động kinh
- Khối u não
- Đa xơ cứng
- Cơn đau tim
- Cơ thể không có khả năng kiểm soát nhiệt độ
Bạn cần nói chuyện với bác sĩ nếu nhận thấy mình ngáp nhiều hơn bình thường và không rõ nguyên nhân. Chỉ có bác sĩ mới có thể xác định liệu việc ngáp nhiều có xảy ra do hậu quả của một vấn đề y tế tiềm ẩn hay không.
Chẩn đoán nguyên nhân ngáp nhiều
Để xác định nguyên nhân ngáp nhiều, trước tiên bác sĩ có thể hỏi về thói quen ngủ của bạn để đảm bảo rằng bạn ngủ đủ giấc hay chứa. Điều này đồng thời có thể giúp xác định xem nguyên nhân ngáp nhiều có đến từ mệt mỏi hay rối loạn giấc ngủ.
Sau khi loại trừ các vấn đề về giấc ngủ, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân khác có thể xảy ra do ngáp nhiều.
• Điện não đồ (EEG): Đây là một trong những xét nghiệm có thể được sử dụng để đo hoạt động điện trong não. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh động kinh và các tình trạng khác ảnh hưởng đến não.
• Quét MRI: Xét nghiệm này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể, có thể giúp bác sĩ hình dung và đánh giá các cấu trúc cơ thể. Những hình ảnh này thường được sử dụng để chẩn đoán các rối loạn tủy sống và não, chẳng hạn như khối u và bệnh đa xơ cứng. Quét MRI cũng mang lại lợi ích cho việc đánh giá chức năng của tim và phát hiện các vấn đề về tim.
Cách điều trị ngáp nhiều
Để điều trị ngáp nhiều, bạn cần xử lý nguyên nhân và tìm cách chống buồn ngủ:
Xử lý nguyên nhân
Nếu nguyên nhân gây ngáp nhiều là do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng liều thấp hơn. Bạn hãy đảm bảo thảo luận với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi liên quan đến phác đồ dùng thuốc. Bạn không được tự ý ngừng dùng thuốc mà không có sự chấp thuận của bác sĩ.
Nếu ngáp nhiều xảy ra do rối loạn giấc ngủ, bác sĩ có thể khuyên dùng các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ hoặc các kỹ thuật để có được giấc ngủ ngon hơn sau đây:
- Sử dụng thiết bị thở
- Tập thể dục giảm căng thẳng
- Tuân thủ lịch trình ngủ đều đặn
Nếu ngáp quá mức là triệu chứng của một tình trạng y tế nghiêm trọng, chẳng hạn như động kinh hoặc suy gan, thì cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức để chẩn đoán và điều trị nguyên nhân.
Biện pháp chống buồn ngủ
Hầu hết ngáp nhiều do cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, một số cách có thể giúp bạn tỉnh táo hơn bao gồm:
- Tắm nước lạnh
- Nhai kẹo cao su
- Uống nhiều nước
- Tập thể dục điều độ
- Nghe nhạc yêu thích
- Hạn chế thức ăn ngọt
- Ăn khẩu phần vừa phải
- Tắm nắng thường xuyên
Ngáp là hành động hoàn toàn bình thường, tuy nhiên khi cơ thể khỏe mạnh, lại ngáp nhiều không rõ nguyên nhân là lúc bạn nên cảnh giác các bệnh lý tiềm ẩn có thể xảy ra nhé!
Hoàng Trí | HELLO BACSI