Tất cả các loại mụn trứng cá đều bắt nguồn từ việc lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Dầu (bã nhờn), bụi bẩn cộng với các tế bào da chết là các tác nhân tạo nên tình trạng này, dẫn đến sự hình thành của mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn bọc, mụn mủ, mụn nang… Vậy mụn bọc là gì và cách điều trị mụn bọc như thế nào?
Bên cạnh đó, mụn trứng cá cũng liên quan đến một loại vi khuẩn có tên gọi P. acnes. Mặc dù sự xuất hiện của nó trên da được xem là bình thường, nhưng khi nó bị mắc kẹt trong lỗ chân lông cùng với bã nhờn, da chết… thì sẽ gây ra nhiễm trùng và cuối cùng là mụn bọc xuất hiện. Không giống như các loại mụn ở thể nhẹ, mụn bọc không thể được làm sạch tận gốc chỉ với các sản phẩm không kê đơn (OTC).
Cách nhận biết mụn bọc là gì
Mụn bọc (cùng với mụn nang) là thể nặng của mụn trứng cá, có đường kính lớn hơn rất nhiều so với các dạng mụn thông thường. Lúc đầu, mụn bọc chỉ là cục sần cứng nhỏ, có màu đỏ. Sau đó, nó sẽ sưng to với đầy mủ trắng bên trong, gây đau đớn. Sự viêm nhiễm xâm nhập sâu dưới lớp tế bào nên sẽ để lại sẹo thâm và sẹo lõm.
Mụn bọc có giống với mụn nang?
Nhìn bề ngoài, mụn nang trông cũng giống như nốt mụn bọc với cục nhọt lớn, màu đỏ, gây đau. Các u nang, cũng như mụn bọc, nằm sâu bên dưới bề mặt da. Nhưng vì chúng chứa đầy mủ nên mềm hơn mụn bọc. Ngoài ra, u nang chỉ phát triển khi vi khuẩn từ mụn đầu đen và mụn đầu trắng lan ra khu vực xung quanh, gây viêm nhiễm các lớp da dưới. Để khắc phục tình trạng này, cơ thể phản ứng lại bằng cách tạo ra mủ.
Ngược lại, các nốt mụn bọc nằm sâu dưới da là kết quả của việc lỗ chân lông bị bít tắc. Chúng có thể tồn tại trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng với các nang sâu và cứng đầu.
Các phương pháp điều trị mụn bọc
Những sản phẩm trị mụn OTC thường không có tác dụng đối với mụn bọc. Các thành phần thiết yếu trong những sản phẩm này, như axit salicylic và benzoyl peroxide, chỉ giúp loại bỏ bã nhờn dư thừa và tế bào da chết. Nhờ đó, lỗ chân lông được làm sạch. Tuy vậy, các nốt sần, nằm sâu bên dưới da sẽ không được diệt bỏ tận gốc.
Do đó khi bị mụn bọc, bạn cần được bác sĩ da liễu thăm khám và đưa ra cách điều trị phù hợp.
1. Thuốc điều trị mụn bọc kê đơn
Các loại thuốc bôi kê đơn, thay vì OTC, sẽ được chỉ định bôi trực tiếp lên nốt mụn. Đây là bước điều trị đầu tiên được đưa ra để xử lý mụn bọc, nhất là khi trên mặt bạn mới chỉ xuất hiện một vài nốt mụn.
Những loại thuốc trị mụn bọc được kê toa thường là:
- Kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn mắc kẹt trong lỗ chân lông.
- Benzoyl peroxide theo toa, mạnh hơn so với thuốc OTC.
- Axit salicylic theo toa để làm khô da chết và dầu bị mắc kẹt trong nốt sần.
- Retinoids là dẫn xuất vitamin A mạnh mẽ, có tác dụng làm thông thoáng lỗ chân lông, chống sưng tấy, kháng khuẩn.
Ngoài ra, một số loại gel trị mụn chiết xuất từ các thành phần tự nhiên cũng công dụng trong việc điều trị mụn bọc. Nano curcumin từ nghệ hỗ trợ điều trị mụn viêm; tinh chất hành tây đỏ ngăn ngừa hình thành sẹo lõm, vitamin E và lô hội giúp dưỡng ẩm và làm sáng da.
2. Kháng sinh đường uống
Nếu sau một thời gian điều trị, các nốt mụn bọc của bạn không biến mất hoàn toàn mà tái đi tái lại với mức độ trầm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị một loại kháng sinh đường uống để giúp loại bỏ vi khuẩn dư thừa. Nhờ đó, vi khuẩn P. acnes sẽ không còn tích tụ trong lỗ chân lông sinh ra mụn bọc. Không chỉ vậy, kháng sinh đường uống còn làm giảm viêm đau.
3. Các loại thuốc trị mụn bọc khác
Kháng sinh đường uống tuy hữu hiệu đối với mụn bọc nhưng bạn chỉ nên dùng trong khoảng thời gian ngắn (từ 7 đến 10 ngày) hoặc tối đa là vài tháng. Nếu muốn uống thuốc lâu dài, bạn có thể đề xuất nguyện vọng để được kê các loại thuốc phù hợp, chẳng hạn như:
- Thuốc tránh thai: giúp điều chỉnh nội tiết tố nữ – một trong những nguyên nhân gây ra mụn bọc.
- Isotretinoin: cũng được làm từ vitamin A nhưng mạnh hơn nhiều so với retinoids. Đây là loại thuốc uống hàng ngày được sử dụng để điều trị tất cả các dạng mụn trứng cá, kể cả mụn bọc. Song phải mất đến vài tháng thì thuốc mới cho thấy hiệu quả rõ ràng. Đây là một trong những cách xử lý mụn bọc lâu dài.
Sẹo sẽ hình thành nếu không biết cách trị mụn bọc?
Mụn bọc thường để lại sẹo vì hai lý do. Thứ nhất, việc không điều trị từ lúc mụn mới hình thành sẽ dẫn tới viêm nặng hơn, phá hỏng các tế bào da xung quanh. Nếu một thời gian sau bạn mới điều trị, vùng da bị viêm có thể chuyển thành vết đen. Thứ hai, bạn tự ý nặn mụn bọc không đúng cách, gây ra viêm nhiễm và lây lan, khiến mụn ngày càng tồi tệ và hình thành sẹo.
Vì thế, cách trị mụn bọc tốt nhất để ngăn ngừa sẹo là bạn cần can thiệp kịp thời, và tuyệt đối không tự ý nặn mụn.
Cách chăm sóc da trong khi điều trị mụn bọc
- Rửa mặt 2 lần/ngày vào mỗi sáng và tối bằng sữa/gel rửa mặt dành riêng cho da mụn. Bạn có thể tham khảo gel rửa mặt ngăn ngừa mụn chứa Nano Curcumin từ nghệ vàng, chiết xuất lá Neem và vitamin E, giúp làm sạch nhẹ nhàng, ngăn ngừa vi khuẩn gây mụn.
- Tẩy trang kỹ trước khi đi ngủ, đảm bảo cặn trang điểm và dầu nhờn không còn lưu lại trên da.
- Thoa kem dưỡng ẩm/toner sau khi rửa mặt.
- Đắp mặt nạ phù hợp với da mụn 2 lần/tuần để cung cấp nước cho da cũng như lấy sạch vi khuẩn và bã nhờn từ lỗ chân lông.
- Thoa kem chống nắng SPF30 mỗi ngày, nên chọn loại dán nhãn “không chứa dầu” hoặc “không gây mụn”.
- Không chạm tay lên mặt, càng không được sờ vào các nốt mụn.
- Luôn rửa tay sạch trước khi thoa mỹ phẩm.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Sữa rửa mặt cho da mụn, chọn sao cho đúng?
Khi nào cần đến các biện pháp mạnh hơn?
Mụn bọc khó loại bỏ, nhưng không phải là không thể. Nếu sau một thời gian tuân thủ phương cách điều trị của bác sĩ mà bạn không thu về được hiệu quả như mong muốn, hãy quay trở lại phòng khám. Bác sĩ sẽ nghĩ đến các biện pháp can thiệp mạnh hơn để xử lý tình trạng mụn bọc, chẳng hạn như trị liệu bằng laser, dùng liệu pháp ánh sáng xanh, tiêm thuốc… Quan trọng nhất là bạn phải luôn kiên trì, vì trị mụn đòi hỏi cả một quá trình chứ không chỉ ngày một ngày hai.