Chấn thương âm thanh là một chấn thương ở tai trong, có thể xảy ra sau khi tai tiếp xúc với một tiếng ồn rất lớn hoặc tiếng ồn ở mức decibel cao trong một khoảng thời gian dài.
Nếu thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài và bị ù tai, suy giảm thính lực thì rất có thể bạn đã bị chấn thương âm thanh. Và nếu không phát hiện kịp thời để ngăn chặn và điều trị, bạn có thể bị mất thính lực vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây tổn thương âm thanh
Màng nhĩ bảo vệ tai giữa và tai trong, nó cũng truyền tín hiệu đến não bằng các rung động nhỏ. Chấn thương âm thanh có thể làm thủng màng nhĩ và làm hỏng cách xử lý các rung động này, dẫn đến ù tai, mất thính giác.
Ngoài ra, trong tai chúng ta có các lông nhỏ làm nhiệm vụ tiếp nhận và truyền những âm thanh nhận được đến não. Tiếp xúc với âm thanh quá lớn trong thời gian dài có thể gây ra những tổn thương không hồi phục đối với những lông này. Khi chúng bị tổn thương, quá trình tiếp nhận và truyền thông tin cũng không được xuyên suốt và gây nhiễu. Đây chính là lý do khiến bạn nghe được các tiếng ù ở trong tai.
Ai có nguy cơ cao bị chấn thương âm thanh?
Những người có nguy cơ bị chấn thương âm thanh bao gồm:
- Làm việc với các thiết bị công nghiệp có âm thanh lớn trong thời gian dài
- Sống hoặc làm việc tại nơi có cường độ âm thanh cao trong thời gian dài
- Thường xuyên tham dự các buổi hòa nhạc và sự kiện với âm nhạc decibel cao
- Người thường sử dụng súng
- Gặp âm thanh cực lớn mà không có thiết bị thích hợp, chẳng hạn như nút bịt tai
Những người liên tục tiếp xúc với tiếng ồn trên 85 decibel có nguy cơ bị chấn thương âm thanh. Âm thanh 90 decibel có thể gây tổn thương thính giác mạn tính. Bạn sẽ thấy khó chịu khi tiếp xúc với âm thanh trên 110 decibel và cảm thấy đau tai khi âm thanh đó lên đến 130 decibel.
Âm thanh dưới 70 decibel hoặc thấp hơn được coi là an toàn với thính giác. Đây được xem là mức tiếng ồn của một cuộc nói chuyện nhóm thông thường.
Ba yếu tố có vai trò quan trọng trong chấn thương âm thanh là:
- Cường độ âm thanh đo bằng decibel
- Cao độ hoặc tần số của âm thanh (tần số cao hơn có hại hơn)
- Tổng thời gian tiếp xúc với âm thanh
Triệu chứng của chấn thương âm thanh
Triệu chứng chính của chấn thương âm thanh là mất thính lực.
Cấu trúc tai cũng có thể bị hư hại trực tiếp bởi tiếng ồn lớn. Những âm thanh đột ngột trên 130 decibel có thể làm hỏng “micro” tự nhiên của tai.
Chấn thương âm thanh có thể làm tổn thương màng nhĩ, cùng với các cơ nhỏ trong tai, đặc biệt là cơ căng màng nhĩ.
Khi bị tổn thương âm thanh, trước tiên bạn sẽ bị điếc tai khi nghe âm thanh có tần số cao, sau đó là không nghe được các âm thanh ở tần số bình thường nữa. Bác sĩ sẽ kiểm tra phản ứng của bạn với các tần số âm thanh khác nhau để đánh giá mức độ chấn thương âm thanh.
Một trong những triệu chứng quan trọng nhất báo hiệu sự khởi đầu của chấn thương âm thanh được gọi là ù tai. Những người bị ù tai nhẹ đến trung bình thường sẽ tự nhận thấy được khi ở trong môi trường yên tĩnh.
Ù tai kéo dài là một dấu hiệu nghi ngờ bạn bị chấn thương âm thanh. Cần đến bác sĩ để kịp thời để chuẩn đoán và điều trị khi bạn có dấu hiệu này.
Chẩn đoán chấn thương âm thanh
Bác sĩ sẽ hỏi bạn những loại tiếng ồn mà bạn đã tiếp xúc trong những thời điểm khác nhau trong cuộc đời để giúp chẩn đoán.
Họ cũng có thể sử dụng một bài kiểm tra được gọi là thính lực học để phát hiện các dấu hiệu chấn thương âm thanh. Bài kiểm tra này sẽ giúp nhận biết bạn đã tiếp xúc với âm thanh nào và cường độ bao nhiêu.
Điều trị chấn thương âm thanh
Sử dụng công nghệ
Mất thính lực có thể được điều trị, nhưng không thể chữa khỏi. Bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng các thiết bị hỗ trợ khả năng nghe cho tình trạng mất thính giác của bạn, chẳng hạn như máy trợ thính, ốc tai điện tử. Những thiết bị này có khả năng khuếch đại âm thanh bên ngoài, giúp bạn nghe rõ hơn.
Bảo vệ tai
Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên sử dụng nút tai và các loại thiết bị khác để bảo vệ thính giác. Những vật dụng này được xem như vật dụng bảo hộ lao động mà các chủ doanh nghiệp cần trang bị cho công nhân của mình khi làm việc ở nơi có tiếng ồn.
Thuốc
Bác sĩ có thể kê toa thuốc steroid đường uống để giúp đỡ một số trường hợp chấn thương âm thanh cấp tính.
Tuy nhiên, nếu bị mất thính lực, bạn cần phải bảo vệ tai của mình và hạn chế tiếp xúc với môi trường ồn ào để ngăn tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Phòng ngừa
Thực hiện các bước sau để giúp ngăn ngừa mất thính giác:
- Mang nút tai bảo vệ hoặc nút bịt tai để tránh tổn thương thính giác từ thiết bị lớn.
- Hãy nhận biết các rủi ro cho thính giác của bạn từ các hoạt động như bắn súng, sử dụng cưa, hàn và có biện pháp bảo vệ phù hợp.
- Không nghe nhạc lớn trong thời gian dài.