Đối với người mắc bệnh bàng quang tăng hoạt, thay đổi chế độ ăn uống phù hợp là biện pháp tốt nhất để kiểm soát cũng như cải thiện tình trạng sức khỏe này.
Bệnh bàng quang tăng hoạt mô tả tình trạng bàng quang hoạt động quá mức ở một người. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn sẽ có nhu cầu tiểu tiện nhiều bất thường.
Hiện tượng này bắt nguồn từ việc cơ bàng quang liên tục co thắt, kể cả khi lượng nước tiểu ở bàng quang không hề đầy. Mặt khác, hành động co thắt của cơ bàng quang còn có thể phát sinh đột ngột, gây ra nhu cầu đi tiểu cấp bách ở người bệnh.
Theo thống kê, trong nhiều năm trở lại đây, bệnh bàng quang tăng hoạt không còn là vấn đề sức khỏe hiếm gặp. Thêm vào đó, dù các chuyên gia đánh giá người cao tuổi thường dễ đối mặt với tình trạng này nhưng thực tế bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Để kiểm soát tốt tình trạng hoạt động quá mức của bàng quang, các bác sĩ khuyến nghị việc đầu tiên bạn nên làm là thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày của mình.
Người mắc bệnh bàng quang tăng hoạt nên ăn gì?
Nếu mắc bệnh bàng quang tăng hoạt, bạn sẽ cần cân nhắc nhiều điều khi lên thực đơn hàng ngày. Điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ bàng quang tiếp tục bị kích thích, dẫn đến tiểu gấp.
Không ít nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh bàng quang tăng hoạt và tình trạng táo bón. Do đó, bạn nên ưu tiên bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống của mình. Chúng không chỉ có khả năng ngăn ngừa táo bón mà còn có thể giảm bớt áp lực cho bàng quang.
Các nguồn thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan, bao gồm:
- Yến mạch
- Rau xanh: súp lơ xanh, cải xoăn, cà rốt, rau diếp, dưa leo, măng tây, bắp cải
- Trái cây tươi: chuối, táo, nho, dừa, dưa hấu, dâu, mâm xôi
- Các loại đậu: đậu lăng, đậu Hà Lan…
Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung nhiều protein để tăng cường sức khỏe tổng thể. Các nguồn protein tốt thường đến từ:
- Cá
- Thịt gà
- Đậu hũ
- Trứng
Cân nhắc lượng nước tiêu thụ hàng ngày
Đối với những người có bàng quang hoạt động quá mức, việc uống nhiều nước hay ít nước đều đem lại tác động tiêu cực đến sức khỏe hiện tại.
Theo các chuyên gia, bạn nên uống 6–8 ly nước mỗi ngày. Nếu vượt quá số lượng trên, bệnh bàng quang tăng hoạt có nguy cơ trở nên tệ hơn, khiến bạn phải dành phần lớn thời gian trong ngày “ghé thăm” nhà vệ sinh.
Ngược lại, cơ thể không được bổ sung đủ lượng nước cần thiết sẽ dẫn đến tình trạng mất nước. Hệ quả là nước tiểu bị cô đặc, từ đó gây kích ứng thêm cho niêm mạc bàng quang.
Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng uống quá nhiều nước hoặc ít nước bằng cách quan sát màu nước tiểu. Nếu thấy nước tiểu có màu vàng sẫm, điều này chứng tỏ cơ thể bạn đang bị mất nước. Lúc này, bạn nên tăng lượng nước cho cơ thể.
Mặt khác, theo các chuyên gia, thay vì uống nhiều nước trong một lần, bạn nên chia nhỏ thành nhiều lần uống trong một ngày. Ngoài ra, bạn cũng không nên uống nước trong vòng 1–2 giờ trước khi đi ngủ nhằm giảm thiểu hiện tượng tiểu đêm.
Bàng quang tăng hoạt kiêng gì?
Một số hoạt chất trong thực phẩm hay thức uống hàng ngày có khả năng khiến các triệu chứng bàng quang tăng hoạt trở nên nghiêm trọng hơn. Theo nhiều nhà nghiên cứu, khi bàng quang có dấu hiệu hoạt động quá mức, bạn cần kiêng:
Caffeine
Đồ uống chứa caffeine bao gồm trà, cà phê và nước ngọt có ga. Theo các chuyên gia, đây là một chất lợi tiểu, có tác dụng làm cơ thể tăng đào thải lượng nước/dịch dư thừa ra ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn bị bàng quang tăng hoạt, điều này có thể khiến các triệu chứng bệnh trở nên tệ hơn.
Giả thiết người có bàng quang hoạt động quá mức nên hạn chế caffeine vẫn cần nhiều bằng chứng khoa học đáng tin cậy hơn để có thể được công bố chính thức. Tuy nhiên, một số người bệnh nhận thấy các dấu hiệu được cải thiện khi họ thay thế thức uống chứa caffeine bằng những món như:
- Nước trái cây
- Trà thảo dược
- Nước lọc
Thức uống chứa cồn
Tương tự caffeine, các loại thức uống chứa cồn như bia, rượu… cũng có khả năng kích thích bàng quang hoạt động nhiều hơn. Do đó, nếu bạn bị bệnh bàng quang tăng hoạt, hãy tránh hoặc hạn chế tiêu thụ bia rượu hết mức có thể.
Ngoài ra, cồn (ethanol) còn ảnh hưởng tiêu cực đến những cơ quan nội tạng khác như gan, tim… Điều này gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng hơn bạn nghĩ, đặc biệt khi sức khỏe đang trong tình trạng không ổn định.
Thức ăn cay
Theo các chuyên gia, gia vị cay nồng trong các món ăn cũng là một trong nhiều yếu tố gây kích thích bàng quang. Vì vậy, trong trường hợp này, bạn nên loại bỏ các món cay ra khỏi thực đơn mỗi ngày cho đến khi bệnh có xu hướng cải thiện đáng kể.
Trái cây có múi (họ cam chanh)
Một loại thực phẩm khác có khả năng kích thích bàng quang là nhóm trái cây thuộc họ cam quýt, chẳng hạn như:
- Bưởi
- Cam
- Chanh
- Quýt
Việc ăn nhiều các loại trái cây trên có nguy cơ khiến bạn cảm thấy đau mỗi khi đi tiểu. Mặc dù đây là những nguồn cung cấp vitamin dồi dào, bạn vẫn nên hạn chế ăn/uống chúng khi mắc phải tình trạng này.
Một số biện pháp thuyên giảm triệu chứng
Khi mắc bệnh bàng quang tăng hoạt, ngoài việc chú trọng vấn đề dinh dưỡng, bạn còn có thể làm thuyên giảm các triệu chứng bằng cách:
“Tập luyện” cho bàng quang
Kiểm soát tốt thời gian giữa những lần bạn “ghé thăm” nhà vệ sinh có thể giúp điều chỉnh khả năng giữ nước tiểu của bàng quang tốt hơn.
Thực hiện bài tập sàn chậu
Bài tập sàn chậu hay bài tập Kegel gồm các động tác có công dụng cải thiện những vấn đề liên quan đến rối loạn tiểu tiện bằng cách giúp bạn kiểm soát việc đi tiểu tốt hơn.
Thuốc không kê đơn (OTC)
Một số loại thuốc có thể giúp giãn cơ bàng quang, từ đó kéo dài thời gian giữa những lần bạn cần đi tiểu. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý có một số thuốc sẽ đem lại tác dụng phụ là ảnh hưởng đến các chất dinh dưỡng mà cơ thể hấp thụ.
Tuy bệnh bàng quang tăng hoạt không quá nguy hiểm nhưng lại có thể khiến cuộc sống của bạn gặp nhiều khó khăn hơn trước. Để kiểm soát cũng như cải thiện tình trạng này, ngoài việc dùng thuốc, bạn còn có thể chăm “tập luyện” cho bàng quang và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho phù hợp.