Là cha mẹ, hẳn bạn đã từng bối rối và bực bội khi bé liên tục ợ và ọc ra sữa và thức ăn. Ban đầu bé chỉ ợ một đôi lần nhưng càng về sau, tần suất ợ cao lên, thậm chí bé ợ mỗi lần ăn.
Hầu hết những bé hay ợ đều phát triển rất tốt và không hề bị khó thở. Nếu con bạn đang gặp tình trạng trên, bạn cũng không cần phải lo lắng quá và cũng không cần đưa bé đi chữa trị ngay lập tức. Nhưng khi bé có bất kì dấu hiệu đặc biệt nào khác, bạn cũng đừng chủ quan mà hãy đưa bé đến bác sĩ nhé!
Tại sao bé lại ợ?
Khi bé nuốt sữa, lượng sữa sẽ di chuyển ra phía sau thành họng và đi xuống một ống cơ được gọi là thực quản rồi mới tới dạ dày. Có một vòng cơ nối giữa dạ dày và thực quản gọi là cơ thắt thực quản dưới. Khi vòng cơ đó mở ra, sữa sẽ chảy vào trong dạ dày, sau đó vòng cơ sẽ đóng lại. Nếu vòng cơ đó không đóng đủ chặt, lượng sữa sẽ chảy ngược lên phía trên, còn gọi là trào ngược làm cho trẻ bị ọc.
Trẻ sơ sinh thường dễ bị trào ngược bởi vì dạ dày của bé có kích thước nhỏ – bằng khoảng kích cỡ của nắm tay hoặc một trái banh gôn nên rất dễ bị đầy. Cũng như thế, cơ thắt thực quản dưới cũng chưa trưởng thành đủ để làm việc tốt như ở người lớn. Phải đến 4-5 tháng tuổi bé mới có thể hết trào ngược.
Đến khi bé cưng bắt đầu ăn những thức ăn cứng hơn, triệu chứng trào ngược diễn ra càng thường xuyên. Nhưng các mẹ đừng đánh đồng trào ngược với nôn ói nhé! Trào ngược thường xảy ra khi bé ợ hơi.
Khi đó, bố mẹ nên lưu ý những điều sau đây để ngăn tình trạng trào ngược ở bé.
- Cho bé ăn ở tư thế đúng;
- Cho bé ăn lượng nhỏ hơn và thường xuyên hơn, cho bé ợ hơi mỗi 3-5 phút;
- Tránh đè lên bụng bé khi bạn vỗ cho bé hết trớ;
- Tránh di chuyển bé nhiều trong lúc ăn và sau khi ăn.
Làm thế nào để giảm tình trạng ợ ói ở trẻ?
Ói là tình trạng tống xuất thức ăn từ dạ dày, ruột cần nhiều lực hơn và khiến bé đau hơn trào ngược. Ói có thể làm bé mất dịch nên mỗi khi bé có dấu hiệu ói, bạn cần phải kiểm tra xem con bạn có bị mất nước không.
Phương pháp giúp giảm triệu chứng ói:
- Cho bé uống nước, nước uống thể thao hoặc nước canh, tránh uống nước trái cây và nước ngọt;
- Cho bé ăn tùy vào sức ăn của bé, nhưng chỉ được cho ăn những thức ăn dễ tiêu và nhạt như bánh quy hoặc bánh mì đơn giản. Nếu bé bị ói nhiều và kéo dài, bạn cần phải tìm những loại rau củ và protein dễ tiêu hóa để đảm bảo dinh dưỡng cho bé;
- Tránh những loại thức ăn chiên rán khó tiêu;
- Tránh đồ ngọt;
- Tránh cho bé ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn chậm trong ngày;
- Sau khi ăn, cho bé nghỉ ngơi và nằm tư thế đầu cao hơn thân một chút.
Những bước giúp bố mẹ theo dõi tình trạng của con khi bé bị ói:
- Nếu bé có dấu mất nước như môi khô, khóc không ra nước mắt, tã khô, nước tiểu sậm màu, thóp lõm, bạn nên đưa bé đi khám ngay lập tức;
- Nếu bé không còn ói từ 3 đến 4 giờ sau, bạn nên cho bé uống nước bù dịch;
- Khoảng 8 tiếng sau, nếu bé không còn ói, bạn có thể cho bé bú sữa mẹ và có thể bổ sung sữa bột công thức nếu cần;
- Đối với bé lớn có thể ăn dặm, bạn cho bé ăn như thường lệ và ăn chậm, tránh đồ ăn cay và chiên;
- Sau 24 tiếng, bé không còn ói thì bạn đã có thể cho bé ăn như thường ngày.
Những bước đơn giản trên đây có thể giúp bé cảm thấy khỏe hơn và không cần đến bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bố mẹ thấy bé có bất kì dấu hiệu nguy hiểm nào dưới đây, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay:
- Ói thường xuyên;
- Ói mạnh;
- Ói hơn 1 hoặc 2 muỗng canh sữa;
- Ói ra dịch màu nâu, đỏ hoặc xanh;
- Không tăng cân;
- Tã khô ráo hơn thường ngày;
- Kiệt sức và mệt mỏi;
- Sốt cao hơn 39oC;
- Ói ra máu hoặc tiêu ra máu;
- Ói hoặc khóc không có nước mắt;
- Tiêu chảy nhiều hơn 1 lần một ngày.
Qua bài viết này, Chúng tôi hy vọng bố mẹ sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng bé ói hay ợ, từ đó dễ dàng chăm sóc và đưa bé đi khám khi cần thiết nhé.