Đau vùng thượng vị, đau bụng giữa hoặc đau ở vùng phía trên, bên trái bụng là ba đáp án quen thuộc cho câu hỏi “Đau dạ dày bên nào?”.
Mỗi người chúng ta đều đã từng trải qua cơn đau dạ dày ít nhất một lần trong đời. Tuy đây là tình trạng sức khỏe phổ biến, nhưng không ít người cảm thấy bối rối khi được hỏi “Bạn bị đau dạ dày bên nào?”.
Đau dạ dày là gì?
Dạ dày chịu tổn thương sẽ gây nên những cơn đau âm ỉ và khó chịu. Đây là một trong nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến hệ tiêu hóa phổ biến nhất.
Đau dạ dày thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này lại đại diện cho những vấn đề sức khỏe nguy hiểm, chẳng hạn như:
- Loét dạ dày
- Viêm xung huyết dạ dày
- Hẹp môn vị
- Ung thư dạ dày
Do đó, nếu rơi vào trường hợp này, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân cũng như hướng điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra.
Bạn có thể quan tâm: Hiểu về điều trị loét dạ dày.
Đau dạ dày bên nào?
Mặc dù đau dạ dày là vấn đề quen thuộc, nhưng không phải ai cũng biết vị trí chính xác cơn đau phát sinh trong khoang bụng.
Để trả lời cho câu hỏi “Đau dạ dày bên nào?”, các bác sĩ đã đưa ra ba đáp án, tương ứng với ba vị trí ở bụng, bao gồm:
Vùng thượng vị
Nếu cơn đau xuất hiện ở trên rốn, bạn hãy trả lời rằng mình bị đau thượng vị khi bác sĩ hỏi bạn đau dạ dày bên nào. Đây là triệu chứng điển hình của bệnh đau dạ dày, thường kéo dài và xảy ra sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác hơn, bạn nên đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu.
Vùng bụng giữa
Phần bụng giữa tập trung nhiều cơ quan tiêu hóa nên các triệu chứng đau ở vùng bụng này tương đối khó chẩn đoán. Các dấu hiệu có thể gây nhầm lẫn giữa đau dạ dày do loét với những vấn đề khác, bao gồm:
- Viêm tụy
- Nhiễm trùng đường ruột
- Viêm ruột thừa mới chớm
- Viêm hang vị
Thông thường, bác sĩ sẽ dựa vào cường độ và tần suất cơn đau phát sinh để chẩn đoán bệnh, đồng thời phân biệt đau dạ dày vùng bụng giữa với những bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa khác. Ví dụ như:
- Đau quặn bụng, kèm theo các triệu chứng buồn nôn và nôn, kéo dài trong 1 – 2 ngày rồi hết, biểu hiện bạn đang bị ngộ độc thực phẩm.
- Tần suất phát sinh cơn đau (có thể âm ỉ hoặc quặn thắt) ở vùng bụng giữa phía trên, đi cùng với cảm giác khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, ợ chua có nhiều khả năng là triệu chứng của đau dạ dày.
Vùng phía trên, bên trái
Bên cạnh vùng thượng vị và giữa bụng, vùng phía trên, bên trái bụng cũng là câu trả lời quen thuộc cho câu hỏi “Bạn bị đau dạ dày bên nào?”.
Đau dạ dày ở vùng phía trên, bên trái bụng thường đi kèm với những dấu hiệu khác như:
- Khó tiêu
- Buồn nôn và nôn
- Đầy hơi chướng bụng
- Ợ chua
Triệu chứng đau dạ dày
Đau dạ dày đại diện cho một loạt vấn đề sức khỏe. Các cơn đau này thường phát sinh kèm theo những triệu chứng như:
Vùng thượng vị đau
Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội. Cường độ cũng như tần suất xuất hiện của cơn đau tỷ lệ thuận với độ tiến triển của bệnh. Thời gian đầu, cơn đau có xu hướng xảy ra khi bạn quá no hoặc quá đói.
Khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng
Theo các chuyên gia, phần lớn trường hợp đầy hơi chướng bụng biểu hiện bạn đã bị đau dạ dày, nhưng ở mức độ nhẹ. Do đó, hãy chú ý quan sát tình trạng cơ thể mình để sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời. Đau dạ dày kéo dài có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng khó lường sau này.
Ợ chua hoặc ợ nóng
Sự rối loạn chức năng ở dạ dày có thể cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn, dẫn tới tình trạng thức ăn lên men, từ đó sinh ra hơi và gây ợ chua, ợ hơi hoặc ợ ra vị đắng. Đây cũng là một trong nhiều triệu chứng đau dạ dày phổ biến. Nếu đột nhiên các dấu hiệu như ợ hơi hay chướng bụng xuất hiện liên tục, bạn nên đến bệnh viện để nhận chẩn đoán cũng như điều trị càng sớm càng tốt.
Buồn nôn và nôn
Đau dạ dày nhẹ có khả năng gây ra cảm giác buồn nôn và nôn. Điều này có thể bắt nguồn từ việc thức ăn bị đẩy ngược lên miệng do dạ dày mất dần khả năng hoạt động bình thường. Bạn sẽ cần phải lưu ý nhiều hơn về tình trạng sức khỏe của mình nếu thường xuyên cảm thấy buồn nôn hoặc nôn. Thức ăn trào ngược từ dạ dày lên miệng có nguy cơ cao gây:
- Rách thực quản
- Tổn thương thương niêm mạc dạ dày, khiến cơn đau trầm trọng hơn
Chảy máu đường tiêu hóa
Khi tình trạng đau dạ dày trở nặng, bệnh có nguy cơ dẫn đến chảy máu đường tiêu hóa. Tình huống này có khả năng trực tiếp đe dọa tính mạng của người bệnh nếu họ không được cấp cứu kịp thời. Những dấu hiệu phổ biến của vấn đề này bao gồm:
- Nôn ra máu
- Máu lẫn trong chất thải đi ngoài
- Phân có màu hắc ín
- Suy nhược cơ thể
- Chóng mặt
- Thường xuyên choáng váng do thiếu máu
Ngoài ra, các triệu chứng đau dạ dày kể trên còn chứng tỏ bạn đang bị viêm loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Hầu hết trường hợp đau dạ dày đều tự khỏi mà không cần đến sự can thiệp y tế từ bác sĩ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên sắp xếp công việc để có thể đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Theo các chuyên gia, bạn nên tìm gặp bác sĩ trong vòng 24 giờ nếu:
- Tình trạng nôn kéo dài hơn 12 giờ
- Đau dạ dày kèm sốt
- Cảm giác đau bụng xuất hiện sau một chấn thương, chẳng hạn như bạn vừa chịu một cú đánh mạnh vào khu vực dạ dày
- Cơn đau dạ dày phát sinh sau khi bạn dùng thuốc mới
- Hệ miễn dịch yếu do HIV, hóa – xạ trị hoặc thuốc ức chế miễn dịch
Ngoài ra, bạn sẽ cần cấp cứu ngay lập tức nếu rơi vào những trường hợp dưới đây:
- Cơn đau dữ dội xuất hiện ở vùng trên, bên phải bụng
- Cường độ đau quá lớn
- Đau dạ dày kèm phân trắng hoặc có màu nhạt
- Phụ nữ mang thai
- Có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, bao gồm môi nứt nẻ, da khô, chóng mặt, mắt trũng…
- Tình trạng nôn hoặc sốt ở trẻ sơ sinh kéo dài
Điều trị đau dạ dày
Bạn có thể giải quyết những cơn đau dạ dày bằng những biện pháp như:
Dùng thuốc không theo toa
Dựa vào nguyên nhân gây đau dạ dày, bạn có thể lựa chọn dùng những nhóm thuốc như:
- Đau dạ dày do đầy hơi chướng bụng: thuốc có thành phần simethicon (Mylanta, Gas-X)
- Ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là nguyên nhân gây đau dạ dày: thuốc trung hòa axit hoặc giảm tiết axit (Pepcid AC, Zantac 75)
- Táo bón: chất làm mềm phân nhẹ hoặc thuốc nhuận tràng có thể giúp thuyên giảm cơn đau
- Tiêu chảy: các loại thuốc chứa loperamid (Imodium) hoặc bismuth subsalicylate (Kaopectate hoặc Pepto-Bismol) có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn
Đối với các loại đau khác, acetaminophen (Aspirin Free Anacin, Liquiprin, Panadol, Tylenol) có thể hữu ích. Tuy nhiên, lúc này bạn nên tránh xa các thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen (Advil, Midol, Motrin) hoặc naproxen (Naprosyn, Aleve, Anaprox, Naprelan), bởi vì chúng hoàn toàn có thể gây kích ứng dạ dày của bạn. Điều này không tốt đối với những người đang gặp rắc rối với cơ quan này.
Biện pháp khắc phục tại nhà
Một túi chườm nhiệt, tách trà hoa cúc hoặc trà bạc hà có thể giúp bạn xoa dịu cơn đau dạ dày đáng kể. Ngoài ra, hãy đảm bảo cơ thể vẫn được bổ sung nước đầy đủ.
Bên cạnh đó, một số mẹo dưới đây cũng sẽ giúp bạn thuyên giảm vấn đề đau dạ dày, chẳng hạn như:
- Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn
- Thực hiện quy tắc ăn chậm, nhai kỹ
- Tránh xa các thực phẩm chua, cay, đồ chiên…
- Giảm thiểu căng thẳng với các bài tập thể dục, thiền hoặc yoga
Mặt khác, bạn cũng có thể sử dụng nghệ, đặc biệt là tinh bột nghệ, để hỗ trợ điều trị đau dạ dày. Curcumin trong tinh bột nghệ đóng “vai chính” trong công việc này. Khả năng kháng viêm cùng chống oxy hóa mạnh của curcumin sẽ làm dịu những cơn đau dạ dày, đồng thời thúc đẩy quá trình làm lành vết thương ở cơ quan này (nếu có).
Tuy nhiên, hoạt chất này có một nhược điểm là không tan trong nước, dẫn đến sinh khả dụng rất thấp. Vì lý do này, bạn sẽ cần dùng một lượng lớn curcumin liên tục trong thời gian dài nếu muốn đạt được kết quả như mong đợi. Trong vài trường hợp, điều này có thể ảnh hưởng về mặt sức khỏe cũng như tài chính của người dùng.
Những năm gần đây, với nền khoa học – kỹ thuật tân tiến, các chuyên gia đã nghiên cứu ra cách khắc phục nhược điểm trên là sử dụng Nano Curcumin, được xem là “phiên bản cấp cao” của curcumin. Điểm khác biệt duy nhất giữa hoạt chất này và curcumin là kích thước siêu nhỏ (đơn vị được tính theo nanometer). Nhờ vậy, phân tử Nano Curcumin có thể dễ dàng thẩm thấu vào máu và phát huy tối đa hiệu quả của mình trong thời gian ngắn.
Ngày nay, Nano Curcumin đã được bày bán rộng rãi trên thị trường Việt Nam dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe với vô vàn nhãn hiệu khác nhau. Do đó, bạn hãy lưu ý lựa chọn những thương hiệu uy tín nhé.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: Người bị đau dạ dày nên ăn gì?
Cách phòng tránh bệnh đau dạ dày
Nhiều bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa đã khuyến nghị mọi người nên áp dụng những quy tắc sau để phòng ngừa đau dạ dày, bao gồm:
- Ăn chậm, nhai kỹ
- Chia nhỏ ba bữa chính thành nhiều bữa phụ trong ngày
- Tuân thủ các quy tắc dinh dưỡng
- Lưu ý thực phẩm chọn mua
- Để ý những thay đổi, dù rất nhỏ, của cơ thể sau khi dùng bất kỳ thực phẩm nào
- Uống nhiều nước lọc, hạn chế thức uống chứa cồn hoặc nước ngọt
- Rửa tay kỹ trước khi ăn
- Kiểm soát những vấn đề căng thẳng