Bài 14 vs Bài 15 – Mấy điều nhỏ nhoi trong thai kỳ

(4.31) - 15 đánh giá

Khi có thai làm việc được không?

  • Khi có thai, riêng cá nhân mình khuyến khích bạn làm việc nếu công việc của bạn KHÔNG: khiêng vác nặng, leo trèo, đứng hoàn toàn suốt thời gian làm việc, nhiệt độ bắt buộc quá lạnh hay quá nóng. Có nhiều nguyên nhân cản trở bạn làm việc như nghén, mệt mỏi, buồn ngủ, nôn ói, ăn uống khó, cơ thể nặng nề (nhiều quá!!!) làm bạn đôi khi không muốn làm việc. Tuy nhiên, công việc giúp mình quên bớt phần nào khó chịu, thêm thu nhập để nuôi con, bớt căng thẳng do có đồng nghiệp bên cạnh. Những công việc đặc thù tiếp xúc hoá chất, nhiệt, khí…rất hiếm. Nếu có bất kỳ lo ngại nào về sự ảnh hưởng của môi trường làm việc lên thai, hãy trao đổi với cấp quản lý, bác sĩ theo dõi của bạn. Một vài “bí kíp” giúp bạn làm việc trong thai kỳ:

Nếu bạn có thể chủ động thời gian làm việc, hãy linh hoạt chọn khoảng thời gian mình thấy khoẻ nhất. Ví dụ, nếu hay nôn ói vào buổi sáng, bạn đi làm trễ hơn. Nếu hay mệt mỏi về buổi chiều, nên đi làm sớm, giải quyết nhanh công việc rồi về sớm. Sáng – chiều gì cũng mệt, hãy tìm anh chồng đủ khả năng bù lại khoảng thu nhập mà bạn kiếm được (cái này là đùa nha).

  • Mang theo thức ăn nhẹ, trái cây để “nạp năng lượng nhanh” khi cần.
  • Tranh thủ nghỉ ngơi giữa giờ làm. Nếu có phòng làm việc riêng đóng kín cửa phòng và ngủ giấc ngắn.
  • Nhớ uống đủ nước mỗi ngày. Nôn ói, ăn uống kém dễ làm bạn mệt mỏi. Uống đủ nước mỗi ngày là cách để giảm bớt khó chịu và khoẻ hơn.

Đi du lịch khi có thai cần lưu ý những gì?

  • Thời gian lý tưởng để du lịch là 3 tháng giữa thai kỳ (khoảng tuần 14-28). Khoảng thời gian này bạn bớt mệt mỏi do nghén, chuyện ăn uống cũng khá hơn, cơ thể lại chưa quá nặng nề và mệt nhọc.
  • Đừng đi nếu bạn có một trong số những điều sau đây: đang ra huyết âm đạo, từng có dấu hiệu doạ sẩy thai hay sinh non thai kỳ này. Tham vấn thêm ý kiến bác sĩ đang theo dõi thai cho bạn.
  • Chọn phương tiện: nhanh nhất và an toàn nhất có thể.
  • Lên kế hoạch thật kỹ cho chuyến đi của bạn: đi phương tiện gì, thời gian di chuyển và lưu trú bao lâu, nơi đến có dịch bệnh đang lưu hành không, thời tiết như thế nào…
  • Khám thai ngay trước khi khởi hành.
  • Photo sổ khám thai và hồ sơ sức khoẻ, bảo hiểm mang theo.
  • Tra cứu cơ sở y tế gần nơi bạn sẽ đến tham quan: dịch vụ thế nào, cách xa khách sạn/nhà nghỉ của bạn bao nhiêu, chi phí khám và điều trị.
  • Dự phòng nhiều kế hoạch linh hoạt cho chuyến đi (thay đổi địa điểm, thời gian ở, vé dự phòng…).
  • Mang giày mềm, nhẹ, dễ di chuyển; quần áo gọn nhẹ, có thể mặc kiểu nhiều lớp để nếu quá nóng hay quá lạnh bạn có thể linh hoạt thêm, bớt cho thoải mái.
  • Ăn những bữa nhẹ, thức ăn an toàn, đủ năng lượng. Chú ý bổ sung chất xơ.
  • Uống nước nhiều hơn một ít, nếu có thể, mang theo chai nước nhỏ để uống liên tục, từng ít một.
Xem thêm bài Những lưu ý cho phụ nữ mang thai khi đi du lịch của BS. Phạm Thanh Hoàng

Trầm cảm, lo âu và stress khi có thai

Mấy chuyện này không hiếm ở những bà mẹ có thai lần đầu hay có thai sau điều trị hiếm muộn. Nhẹ nhẹ thì vui buồn thất thường, mới cười đó không dưng lòng buồn rười rượi; khóc cho nỗi buồn của cô gái thất tình trên…tivi, hay giận hờn anh chồng hôm nay quên mua đồ ăn mình đang muốn ăn?!? Không đáng lo nếu buồn vu vơ vậy đôi ba phút. Nhưng nếu buồn hơn 20 giờ mỗi ngày, kéo dài khoảng 2 tuần thì không còn là chuyện nhỏ. Hãy tự hỏi mình có mấy dấu hiệu sau đây không:

  • Buồn suốt ngày, gần như ngày nào cũng buồn lo, rầu rĩ không nguyên do rõ ràng.
  • Không thấy hứng thú hoạt động, làm việc.
  • Cảm thấy vô vọng, mất phương hướng, bản thân vô dụng.
  • Ngủ nhiều hơn bình thường hay mất ngủ về đêm.
  • Ăn không ngon, sụt cân (hoặc trạng thái ngược lại là ăn quá nhiều và tăng cân nhanh).
  • Cảm thấy luôn mệt mỏi, hết năng lượng.
  • Không thể tập trung, không thể quyết định việc gì.

Khi có mấy dấu hiệu này, bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị. Chẳng may để trầm cảm kéo dài, bạn ăn, ngủ không đủ thôi thì đã ảnh hưởng chính bạn và bé rồi, chưa bàn đến những chuyện sâu xa khác. Vì vậy, thôi đừng giấu nỗi buồn lặng lẽ, ăn “sầu riêng”, hãy nhắn nhủ người thân rằng bạn cần sự chăm sóc và an ủi. Nếu thuộc dạng người dễ xúc động và hay suy nghĩ, bạn cần thận trọng lưu ý cảm xúc của mình khi có thai. Mẹ vui, hạnh phúc thì con mới khoẻ đẹp, thông minh. Áp dụng thêm một vài cách sau đây nếu thấy stress bắt đầu tấn công bạn:

  • Việc nhà không làm một hôm cũng không sao, nếu “ngán” quá, cứ để đống chăn bừa bộn một chút, ra ngoài ăn uống hay đi xem phim, nghe nhạc.
  • Xin nghỉ phép, tạm dừng công việc nếu có thể. Dành nửa buổi chiều ở nhà, đi dạo hoặc làm bất cứ điều gì khiến mình thư giãn.
  • Đi tập thể thao, massage, hay Yoga (bạn cần đến những nơi có huấn luyện viên hướng dẫn, nếu không “nỗi buồn tinh thần” dễ biến thành “nỗi đau thể chất” nếu tập không đúng cách).
  • Ngủ sớm hơn thường lệ, sau một bữa ăn ngon theo ý bạn.

Nếu tôi “lỡ” thích uống cà phê, nhưng sợ cà phê ảnh hưởng đến thai. Vậy, khi mang thai, tôi uống bao nhiêu cà phê mỗi ngày thì “chấp nhận được”?

Nhiều thai phụ không dám uống cà phê vì “đọc trên mạng” thấy được cà phê có liên quan đến sẩy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân. Nếu không thích cà phê, việc kiêng khem khá dễ dàng. Nhưng nếu là thói quen và yêu thích thức uống thơm tho đầy mê hoặc này, bạn khó lòng cưỡng lại. Những nghiên cứu về lượng cà phê tiêu thụ mỗi ngày và ảnh hưởng lên thai kỳ còn nhiều kết quả trái ngược. Một vài nghiên cứu kết luận lượng caffein hơn 200mg mỗi ngày (tương đương cốc cà phê 12 ounce # 350ml) sẽ tăng nguy cơ sẩy thai lên gấp đôi. Một số nghiên cứu lại cho rằng cà phê vô can trong chuyện sẩy thai.

Chính vì kết quả nghiên cứu còn mâu thuẫn, do đó không thể đề nghị mỗi ngày uống bao nhiêu cà phê là tốt nhất. Lời khuyên dành cho bạn là “nên hạn chế tối thiểu”, vì một vài nguyên do sau:

  • Cà phê làm bạn khó ngủ. Có thai đã mệt rồi, mất ngủ nữa thì “bi kịch” hơn.
  • Cà phê làm hồi hộp, đau đầu nhẹ, buồn nôn.
  • Caffeine có tính lợi niệu (tức đi tiểu nhiều hơn). Nôn ói, đi tiểu nhiều do bàng quang bị kích thích, giờ thêm “bạn cà phê” làm đi tiểu nhiều hơn, chắc không ổn chút nào.

Nếu đã tính chuyện mình và cà phê hạn chế gặp nhau, bạn cần để ý thêm “tay chân” của bạn ấy, đó là trà, nước ngọt có ga, sô cô la, nước tăng lực…

Vệ sinh âm đạo bằng cách thụt rửa âm đạo khi mang thai có an toàn không?

KHÔNG.

Dù có thai hay không, bạn cũng không nên vệ sinh bằng cách thụt rửa âm đạo. Dù là máu kinh, tinh dịch, hay dịch âm đạo thì tự bản thân âm đạo cũng có thể làm sạch, bạn đừng “can thiệp nghề nghiệp của người ta”, nhiều khi gây hại thêm.

Tắm hơi (sauna) hay tắm bồn nước nóng có an toàn khi mang thai không?

Mối lo ngại khi tắm hơi là tăng thân nhiệt trung tâm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi lần tắm hơi không quá 15 phút, ngâm bồn nước nóng không quá 10 phút. Hiệp hội này còn hướng dẫn thai phụ không nên lặn trong nước quá nóng, ngâm mình thì không ngâm quá vai để hạn chế vùng tiếp xúc với nhiệt độ cao.

Khi có thai, tôi đi massage được không?

Dĩ nhiên là được. Massage giúp bạn thư giãn, giảm đau mỏi cơ, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Chỉ cần bạn có tư thế nằm thoải mái, không lo té ngã là đủ. Bạn nên nói với người massage cho mình là mình đang có thai. Hiện nay, một số spa còn có nhân viên chuyên nghiệp được huấn luyện bài bản để massage cho thai phụ, nếu có điều kiện, bạn cứ sử dụng loại hình dịch vụ này.

Tôi nuôi mèo được không (vì không biết quăng nó đi đâu) ?

Có thể bạn nghe đâu đó rằng nuôi mèo sẽ bị nhiễm toxoplasma (một loại ký sinh trùng) từ phân mèo, nhưng đừng lo lắng đến mức đem cho con vật bạn yêu thích. Nguy cơ nhiễm bệnh khi mèo nhà bạn hay bỏ đi hoang, “ăn hàng ăn quán” kìa. Nếu được nuôi quanh quẩn trong nhà, ăn thức ăn “nhà làm” thì nguy cơ cực kỳ thấp. Cẩn thận hơn, bạn nhờ ai khác trong gia đình dọn dẹp phân mèo. Nếu phải tự làm, bạn đeo găng tay bảo vệ, rửa sạch tay. Ngoài ra, khi làm vườn (xới đất, trồng cây), bạn cũng nên mang găng tay. Hạn chế ăn thịt sống, thịt tái vì đây cũng có thể là nguồn lây nhiễm.

Xem thêm bài Nguy cơ dị tật cho thai nhi do nhiễm Toxoplasma gondii của BS. Phạm Thanh Hoàng

Khi mang thai tôi nhuộm tóc được không?

Vì phụ nữ là phái đẹp, nên mang thai càng phải đẹp. Thuốc nhuộm tóc có nhiều loại, nhuộm ngắn ngày, dài ngày, nhuộm vĩnh viễn, rồi trăm ngàn kiểu, trăm ngàn cách. Thử nghiệm trên động vật cho thấy không gây tác hại đến thai nhi, hơn nữa, chỉ một lượng nhỏ hoá chất có thể thấm qua da đầu vào máu. Vì vậy, chưa có bằng chứng cho thấy không nên nhuộm tóc trong thai kỳ. (Thật sự rất vui dù mình không nhuộm tóc).

Nếu phải chụp X quang khi khám răng trong khi mang thai có an toàn không?

An toàn. Lượng tia xạ trong chụp X quang hàm mặt thấp, do vậy nguy cơ ảnh hưởng đến thai sẽ ít. Bạn chỉ cần nói với bác sĩ Nha khoa của bạn rằng bạn đang có thai thì bác sĩ sẽ lưu ý. Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ che chắn bụng, vùng chậu hay cổ của bạn (vì cổ là vị trí của tuyến giáp) để bảo vệ em bé của bạn.

Xem thêm bài Tia X, thai nhi và bạn của BS. Lê Tiểu My

Tôi hay bị dị ứng, vậy có thể tự mua thuốc uống hay không?

Một số người rất dễ bị dị ứng và gần như không thể sống thiếu thuốc chống dị ứng. Thuốc này một số loại không cần kê toa, và bạn uống hoài nên nghĩ rằng không sao. Thật ra, thuốc nào cũng vậy, khi sử dụng nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ hay dược sĩ của bạn. Có rất nhiều loại chống dị ứng an toàn cho thai, tôi không muốn viết ra đây để hạn chế thói quen tự mua thuốc uống. Vì vậy, hãy tư vấn với bác sĩ theo dõi thai của mình để có lời khuyên phù hợp.

Tôi ăn sushi được không?

Được, với điều kiện ăn loại rau củ hay thịt cá được nấu chín (hụt hẫng nhỉ?!). Lý do bạn cần tránh cá sống, thịt tái là vì nguy cơ nhiễm khuẩn. Thôi thì, vì con, mình hy sinh một chút cũng được.

Đau lưng khi có thai có nguy hiểm không?

Một số trường hợp cần lưu ý khi đột nhiên đau lưng tăng dần. Đôi khi, bạn thấy đau từng cơn trong hay sau cơn gò, nguyên nhân do đầu thai chèn ép. Vì vậy, hãy thông báo cho bác sĩ khám thai nếu có dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, bạn cần hạn chế ưỡn người, đứng hay ngồi quá lâu để hạn chế đau lưng khi có thai.

Tài liệu tham khảo

  • https://www.facebook.com/tieumy.le.35/posts/1058420824254501
  • https://www.facebook.com/tieumy.le.35/posts/1045494862213764
  • Biên dịch - Hiệu đính

    BS. Lê Tiểu My
    Đánh giá:

    Bài viết liên quan

    Bài 16 – Nuôi con bằng sữa mẹ – những chuyện nhỏ thôi

    (75)
    Trước tiên, xin khẳng định mình hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích tất cả các bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Bởi lẽ, ngoài những ... [xem thêm]

    Tiểu đường thai kỳ

    (45)
    Tiểu đường thai kỳ là gì? Tiểu đường thai kỳ là bệnh đái tháo đường được phát hiện lần đầu tiên ở những phụ nữ đang mang thai. Một số phụ ... [xem thêm]

    Các dấu hiệu của chuyển dạ

    (52)
    Các dấu hiệu của chuyển dạ Cơn co tử cung đều đặn trong 2 giờ qua luôn luôn là dấu hiệu chuyển dạ có tiến triển. Có thể vỡ ối cả trước khi có cơn ... [xem thêm]

    Nhiễm nấm âm đạo có thể điều trị tận gốc được không?

    (61)
    Nhiễm nấm âm đạo có điều trị tận gốc được không? Thưa bác sĩ, tôi năm nay 26 tuổi, có một em bé. Hiện tại tôi đang sử dụng phương pháp ngừa thai ... [xem thêm]

    Sẩy thai liên tiếp hai lần nên làm gì để dự phòng cho lần mang thai tới?

    (25)
    Sẩy thai liên tiếp hai lần nên làm gì để dự phòng cho lần mang thai tới? Chào bác sĩ, cho em hỏi một vài vấn đề. Em đã sinh được một bé trai được 4 ... [xem thêm]

    Hội chứng buồng trứng đa nang và cách điều trị

    (19)
    Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là gì? Hình: Có đến hơn 80% phụ nữ có PCOS bị béo phì Các dấu hiệu và ... [xem thêm]

    Các phương pháp giảm đau khi sinh

    (95)
    “Đau như đau đẻ” là câu nói dân gian hay dùng để nói về sự đau đớn khi chuyển dạ sanh. Đau xé da xé thịt, đau khủng khiếp…, tóm lại là đau thật ... [xem thêm]

    Xét nghiệm tầm soát người mang mầm gen bệnh trước khi mang thai

    (30)
    Xét nghiệm tầm soát người mang mầm gen bệnh trước khi mang thai là gì? Xét nghiệm tầm soát người mang mầm gen bệnh trước khi mang thai là một loại xét ... [xem thêm]

    DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN