Quan hệ tình dục khi mang thai có thể mang đến những khoái cảm cực kỳ thú vị cho bạn và bạn đời. Điều quan trọng là bạn nên chọn tư thế quan hệ khi mang thai phù hợp để cả hai thoải mái, thăng hoa trong “chuyện yêu” mà thai nhi cũng được bảo vệ một cách tốt nhất.
Trải nghiệm của mỗi phụ nữ trong thời kỳ là khác nhau, bao gồm cả cảm giác về tình dục. Một số phụ nữ sẽ gặp phải tình trạng giảm ham muốn khi mang thai. Song, một số phụ nữ khác lại cảm thấy thích thú và có nhu cầu tình dục tăng cao trong thai kỳ.
Lúc này, để đảm bảo thai nhi được an toàn và mẹ bầu vẫn có thể tận hưởng chuyện “yêu”, bạn có thể thử áp dụng những tư thế quan hệ khi mang thai sau đây nhé!
6 tư thế quan hệ khi mang thai an toàn cho mẹ bầu
Theo BabyCentre, các tư thế quan hệ dành cho bà bầu sau đây sẽ giúp “chuyện ấy” thăng hoa và hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ lẫn bé:
1. Tư thế quan hệ khi mang thai truyền thống
Tư thế quan hệ khi mang thai này có thể thích hợp trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai, hoặc có thể cả tam cá nguyệt thứ ba nếu bạn không cảm thấy bất kỳ sụ khó chịu nào với tư thế này.
Nếu thường cảm thấy mệt mỏi trong thai kỳ, tư thế này sẽ giúp bạn cảm thấy việc quan hệ trở nên thoải mái và thư giãn hơn khi người chồng trở thành người chủ động. Tư thế này cũng cho phép hai bạn gần gũi nhau hơn để tăng cảm xúc khi “yêu”.
Tuy nhiên, đến tam cá nguyệt thứ ba, bạn có thể sẽ cảm thấy chóng mặt mỗi khi nằm ngửa. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên để một chiếc gối bên dưới mông và lưng để nâng đỡ thân người. Người chồng cũng nên lưu ý không để cơ thể mình đè nặng lên bụng bầu của vợ.
2. Tư thế quan hệ úp thìa cho bà bầu
Tư thế quan hệ này thích hợp với mẹ bầu trong suốt thai kỳ nhưng, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba khi bụng bầu đã lớn và bạn có thể gặp khó khăn với các tư thế đối mặt nhau.
Để thực hiện tư thế này, bạn cần nằm nghiêng, quay lưng lại, để chồng ôm từ phía sau và thâm nhập một cách nhẹ nhàng. Bạn nên kê gối dưới đùi để hỗ trợ nâng đỡ cho bụng bầu. Tư thế úp thìa hạn chế áp lực của người chồng đè nặng lên bụng bầu giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
3. Tư thế quan hệ từ phía sau
Cũng như tư thế úp thìa, tư thế quan hệ từ phía sau có thể giúp “chuyện ấy” trong tam cá nguyệt thứ ba trở nên dễ dàng hơn.
Với tư thế này, bạn sẽ quỳ gối và chống khuỷu tay xuống để tự nâng đỡ cơ thể. Chồng bạn sẽ quỳ gối sau bạn và nhẹ nhàng thâm nhập từ phía sau.
Tuy nhiên, đối với vài người, tư thế này có thể khiến bạn cảm thấy hơi đau hoặc mỏi tay. Trong trường hợp này, bạn có thể cần phải giảm áp lực lên thân mình bằng cách đứng dựa vào tường hoặc dựa vào ghế sofa.
4. Tư thế quan hệ hai cây kéo cho bà bầu
Đây là tư thế quan hệ khi mang thai phù hợp cho tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai.
Với tư thế này, bạn và chồng sẽ hơi nghiêng người, hướng mặt vào nhau, một chân bạn một gác lên người chồng, chân còn lại làm điểm tựa.
Tư thế thân mật và gần gũi này sẽ giúp bạn có thể thoải mái tận hưởng điều thú vị của “chuyện yêu” trong thai kỳ. Ngoài ra, tư thế này còn giúp dương vật không tiến vào quá sâu và hạn chế khả năng gây khó chịu cho bạn.
5. Tư thế góc vuông (tư thế chữ V)
Tư thế quan hệ khi mang thai 3 tháng giữa thích hợp nhất là tư thế góc vuông.
Bạn có thể nằm nghiêng, hai chân hơi co, đặt lên hông ông xã, tạo với ông xã một góc hình chữ V. Bạn nên đặt gối bên dưới lưng để được hỗ trợ, giúp ông xã cảm thấy thoải mái. Tư thế này giúp cơ thể ông xã không đè lên bạn và bé yêu.
6. Tư thế cưỡi ngựa
Tư thế cưỡi ngựa là tư thế quan hệ khi mang thai an toàn trong suốt thai kỳ, nhất là vào những tháng cuối.
Mẹ bầu có thể để chồng nằm ngửa trên giường rồi ngồi lên trên, hai đầu gối quỳ xuống nệm. Với tư thế này, người chồng có thể vuốt ve bầu ngực của bạn và tùy ý điều chỉnh nông sâu để mang lại cảm giác khoái lạc nhất.
Ngoài ra, với tư thế quan hệ này, bạn sẽ không cần mở chân quá rộng và tránh những ảnh hưởng đến thai nhi đã lớn trong giai đoạn này.
Có nên quan hệ bằng miệng khi mang thai không?
Các chuyên gia từ BabyCentre và MayoClinic đều đồng ý rằng, nếu bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và không nhận được khuyến cáo nào từ bác sĩ, thì ngoài việc quan hệ tình dục thông thường, bạn có thể lựa chọn quan hệ tình dục bằng miệng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số điều sau:
1. Không thổi vào âm đạo
Các chuyên gia cảnh báo rằng, khi quan hệ bằng miệng, bạn đừng để chồng thổi vào âm đạo vì hành động này có thể làm tắc mạch máu và gây nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi.
2. Không quan hệ khi bị lở miệng
Vết lở do virus Herpes Simplex gây ra và có thể lây cho bạn khi quan hệ bằng miệng. Bệnh do virus Herpes gây ra không những là bệnh nan y mà còn để lại biến chứng trong quá trình sinh nở (thậm chí là gây viêm ngay cả khi vết lở loét đã lành từ 10 ngày trước).
3. Không quan hệ lúc gần đến ngày sinh
Nếu đã vỡ nước ối hoặc cổ tử cung đang mở, bạn nên tránh tắm bồn, đi bơi và hạn chế quan hệ tình dục vì bạn sẽ dễ găp tình trạng nhiễm trùng âm đạo khi mang thai hơn.
4. Hạn chế tư thế quan hệ nằm ngửa khi mang thai
Khi quan hệ tình dục bằng miệng, bạn không nên nằm ngửa – đặc biệt là sau khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ. Lí do là khi ở vào tư thế này, tử cung có thể đè xuống tĩnh mạch chủ gây ra huyết áp thấp bất thường, hạn chế lượng oxy cung cấp cho thai nhi và có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu.
Tuy vậy, nếu bạn vẫn muốn nằm ngửa và không cảm thấy khó chịu, hãy nằm lên giường thay vì ngồi trên sofa hoặc ghế nhé.
Khi nào nên tìm đến bác sĩ?
Hiện tượng chuột rút sau khi quan hệ hay sau lúc đạt cực khoái là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này không biến mất sau vài phút hoặc bạn bị đau hay chảy máu sau khi quan hệ thì hãy đến bác sĩ ngay để được chăm sóc kịp thời.
Bên cạnh đó, đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp từ người có chuyên môn bất cứ khi nào bạn có những thắc mắc liên quan đến việc quan hệ trong thai kỳ, đặc biệt khi bạn có những lo lắng về việc có nên hạn chế “chuyện ấy” hoặc lo ngại về sự an toàn của thai nhi.
Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về việc quan hệ sau sinh nhé!
Với các tư thế quan hệ dành cho bà bầu vừa giới thiệu, các bà mẹ tương lai có thể tận hưởng cuộc sống chăn gối từ lúc mới có thai cho đến giai đoạn cuối của thai kỳ mà không phải lo lắng điều gì. Tinh thần thoải mái, khỏe khoắn và lối sống lành mạnh của mẹ bầu chính là chìa khóa giúp cho con yêu phát triển tốt nhất từ khi còn trong bụng mẹ đấy!