Những chiếc bàn chải qua 6 tháng sử dụng thường sẽ dính bẩn hoặc xù lông, chẳng còn dùng để đánh răng được nữa. Thay vì vứt đi, bạn có thể tái chế bàn chải làm chổi lau bàn phím, cọ rửa trang sức, lau chùi nhà cửa…
Tái chế đồ cũ là một cách bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí sắm sửa các vật dụng trong nhà. Bạn có thể bắt đầu từ những vật nhỏ và gần gũi nhất như bàn chải đánh răng hàng ngày. Sau đây là 5 cách tái chế bàn chải cực kỳ đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay.
1. Tái chế bàn chải làm chổi quét keo
Nếu bạn thích tự tay trang trí nhà cửa hay đóng lắp đồ gia dụng như tủ hay kệ thì chắc hẳn bạn phải dùng tới keo và sơn khá nhiều. Tuy nhiên, keo và sơn là những thứ rất dễ dây ra tay, quần áo hay nhà cửa nếu bạn dùng không khéo.
Bàn chải cũ thực hiện rất tốt việc quét keo để giúp bạn dán các mặt gỗ lại với nhau mà lại không để keo dây ra khắp nơi. Bạn có thể tận dụng bàn chải cũ để quét keo vào những cạnh nhỏ thay vì phải quét bằng tay hay bằng những mảnh gỗ cứng ngắc. Đầu bàn chải có lớp lông mềm có thể quét keo rất đều và nhanh. Sau khi dùng xong, bạn hãy nhúng bàn chải trong một cốc nước để bảo quản.
Tương tự như keo, sơn cũng rất dễ dính ra mọi vật và làm mất thẩm mỹ nhà bạn nếu bạn dùng cọ quá to. Những loại cọ to bản rất khó thao tác khi bạn dùng những lọ sơn nhỏ. Bạn có thể dùng bàn chải cũ để trộn sơn trong trường hợp này.
Bạn hãy cắt phần lông bàn chải hoặc dùng phần cán bàn chải để trộn đều sơn. Phần lông bàn chải có thể hút sơn và làm phí sơn của bạn đấy.
2. Làm chổi lau bàn phím máy tính
Bàn phím máy tính hay laptop có khá nhiều khe nhỏ vừa khó lau chùi mà lại dễ tích bụi. Bàn phím nhiều bụi sẽ không tốt cho sức khỏe của chính bạn và tuổi thọ của máy. Bạn nên lau máy thường xuyên để loại bỏ những bụi bẩn này.
Hiện nay trên thị trường bán rất nhiều bộ vệ sinh máy tính chỉ từ vài chục ngàn với đầy đủ chổi phủi bụi và dung dịch lau máy. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn tốn tiền cho những dụng cụ này thì hãy tái chế bàn chải của mình nhé. Bạn có thể dùng bàn chải nhúng vào dung dịch cồn và nước để lau bàn phím máy tính.
3. Làm bàn chải giặt quần áo
Đôi khi bạn có thể vô tình làm dây đồ ăn hay rượu lên những bộ đồ yêu thích của mình. Dùng bàn chải giặt quần áo để giặt những vết ố này có thể làm hư đồ của bạn vì lông bàn chải chà đồ thường khá cứng.
Bạn có thể dùng bàn chải cũ để giặt các vết ố trên quần áo, các đồ bằng vải trong nhà hay thậm chí là giặt giày. Để thực hiện cách này, bạn hãy dùng các sản phẩm giặt đồ thường dùng của mình giặt sơ chỗ ố và dùng phần lông bàn chải nhẹ nhàng đập lên vết bẩn. Bạn cần lưu ý chỉ đập nhẹ nhàng chứ không chà vì chà quần áo có thể làm hư vải. Đây là một bí quyết giặt giũ để quần áo luôn như mới đấy.
4. Tái chế bàn chải để đánh bóng kim loại
Các vật dụng kim loại hoặc trang sức cần sự chăm sóc đặc biệt vì vàng, bạc hay bất kì kim loại nào đều dễ xỉn màu, bám bụi hay bị rỉ.
Bạn luôn cần nhẹ nhàng khi lau chùi các loại trang sức. Bàn chải ướt là một dụng cụ đánh bóng trang sức rất phù hợp với tiêu chí này. Bạn hãy hòa nước ấm và nước rửa chén rồi ngâm trang sức của mình vào dung dịch trên trong 20–40 phút. Sau khi ngâm, bạn hãy dùng một bàn chải có lông mềm để nhẹ nhàng chà rửa trang sức.
Khi đã đánh bóng xong, bạn hãy nhớ xả lại trang sức dưới vòi nước ấm để có những trang sức sáng như mới.
Các vật dụng bằng kim loại tuy không mỏng manh và khó chăm sóc như trang sức nhưng cũng khá khó lau chùi. Bàn chải cũ có thể giải quyết trường hợp này rất tốt. Bạn có thể trộn baking soda với nước và dùng dung dịch này để đánh bóng các vật kim loại bị bám bụi hay ố dầu.
5. Làm bàn chải lau chùi nhà cửa
Trong nhà thường có rất nhiều ngóc ngách khó chùi rửa bằng cây lau nhà hay các bàn chải cỡ lớn. Đây là lúc bạn có thể tận dụng sự nhỏ gọn của bàn chải cũ đấy. Bạn hãy tham khảo cách dùng bàn chải để vệ sinh nhà cửa nhanh chóng sau đây:
• Bồn rửa tay và bồn cầu: Phòng tắm và bồn rửa tay rất nhanh bẩn. Những khu vực nhỏ như chân vòi nước hay bồn cầu là nơi những cây bàn chải lau dọn nhà cửa không thể tiếp cận. Bạn có thể tái chế bàn chải cũ bằng cách đổ giấm trắng lên nơi cần lau và dùng bàn chải chà rửa thật kỹ.
• Lớp vữa giữa những viên gạch: Khi dùng gạch để ốp sàn hay tường, lớp vữa bạn dùng để ốp thường dây ra gạch hay tường xung quanh gây mất thẩm mỹ. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng bàn chải để chà lớp vữa đi. Bạn hãy đợi lớp vữa hơi khô lại trước khi bắt đầu lau dọn nếu không phần gạch vừa ốp có thể bị ảnh hưởng đấy.
• Cửa sổ: Bàn chải cũng rất tiện lợi để lau rửa thanh rèm nhựa hay các khuy treo rèm ở cửa sổ. Những nơi này rất hay bị bụi nhưng lại khó lau do quá nhỏ nên bạn cần tới bàn chải cũ để vệ sinh.
• Chân tường: Chân tường là một nơi cây lau nhà khó lau sạch hoàn toàn nên bạn cần tới sự trợ giúp của bàn chải. Hơn nữa, bụi bẩn khi quét nhà rất hay bám lại ở khu vực này. Bạn có thể dùng bàn chải cũ chà chân tường bằng nước xà phòng hoặc nước máy tùy thuộc vào loại vết bẩn.
Những vật đã cũ tưởng chừng như “hết hạn sử dụng” xung quanh đôi khi lại trở nên có ích bất ngờ nếu bạn chịu bỏ công tìm hiểu cách tái chế. Đây cũng là một cách để sống xanh và tiết kiệm đấy. Hãy thử tái chế bàn chải cũ để không lãng phí mà còn dọn dẹp nhà cửa nhanh chóng hơn nhé!