Những tác dụng phụ khi tập gym tuy không nghiêm trọng, nhưng nếu bạn không có sự chuẩn bị tâm lý với những thử thách đầu tiên này thì sẽ rất dễ bỏ cuộc đấy.
Các hoạt động về mặt thể chất có thể giúp bạn trở nên khỏe mạnh hơn, đồng thời cải thiện chức năng não cũng như các bộ phận khác trong cơ thể. Không những thế, hoạt động thể chất còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và quan trọng nhất giúp bạn có được vóc dáng mà bạn mong muốn cũng như kiềm hãm quá trình lão hóa.
Tuy nhiên, ngay cả dân chuyên nghiệp vẫn hay gặp phải những tác dụng phụ khó chịu do tập gym. Cùng xem 10 tác dụng phụ thường thấy khi tập gym cũng như cách giải quyết cho từng trường hợp nhé.
1. Cơ bắp co giật
Nguyên nhân: Sự co giật hoặc co thắt cơ thường bắt nguồn từ sự kiệt sức hoặc mất cân bằng điện giải.
Cách khắc phục: Liên tục cung cấp nước cho cơ thể trong quá trình tập luyện. Bạn nên uống nước lạnh, tuy nhiên sự lựa chọn tốt nhất mà các chuyên gia khuyến khích bạn nên sử dụng đó chính là các loại nước uống thể thao có chứa các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên bỏ qua việc thực hiện các bài tập co giãn cơ sau khi tập.
2. Nghẹt mũi
Nguyên nhân: Các hoạt động thể chất có thể làm giãn hoặc thu hẹp các mạch máu trong xoang. Do đó khiến bạn bị chảy nước mắt hoặc nghẹt mũi. Những người bị viêm xoang hoặc viêm mũi dị ứng cũng có thể gặp tình trạng trên.
Cách khắc phục: Bạn nên tập luyện tại những phòng gym có điều hòa, bên cạnh đó bạn cũng nên tránh việc hít phải khói bụi từ xe cộ khi đang ở trên đường.
3. Ngứa ngáy
Nguyên nhân: Các hoạt động thể chất cũng khiến cho tim bơm nhiều máu đến các cơ quan hơn, từ đó làm giãn các tĩnh mạch và mao mạch trong cơ thể. Điều này kích thích các mút thần kinh và gây cảm giác ngứa ngáy.
Cách khắc phục: Tập luyện thể dục thường xuyên, não bộ của bạn sẽ dần quen với tình trạng này và dừng phản ứng lại mỗi khi bạn tập luyện. Nếu bạn dừng việc luyện tập càng lâu, bạn sẽ càng cảm thấy ngứa ngáy khi bạn tập lại. Tuy nhiên, nếu như triệu chứng này khiến cơ thể bị nổi mề đay, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt.
4. Lạnh bụng
Nguyên nhân: Trong khoảng thời gian tập luyện, máu sẽ được truyền vào các cơ bắp nhiều hơn là các cơ quan nội tạng. Các cơ trên cơ thể bạn sản xuất nhiều nhiệt hơn lượng nhiệt da bạn có thể phát ra. Chính vì thế, bụng của bạn có thể trở nên lạnh hơn bình thường
Cách khắc phục: Đây là một phản ứng vật lý bình thường của cơ thể. Sau quá trình tập luyện, triệu chứng này sẽ giảm dần.
5. Buồn nôn
Nguyên nhân: Dòng chảy của máu ra khỏi dạ dày và việc các nội tạng bị kích thích do những di chuyển trong quá trình tập luyện sẽ tác động lên dạ dày và khiến bạn có cảm giác buồn nôn.
Cách khắc phục: Đừng ăn quá nhiều chất xơ vào những ngày bạn có dự định tập gym. Bên cạnh đó, bạn nên ghi chú lại những món ăn góp phần tạo nên cảm giác buồn nôn và tránh ăn những loại thức ăn đó trước khi vào phòng gym. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn trong lúc tập, hãy uống một chút nước hoặc soda nếu cần. Ăn kẹo hoặc nhai kẹo cao su cũng là một cách tốt để tăng hàm lượng glucose trong máu của bạn.
6. Chóng mặt
Nguyên nhân: Do các hành động đột ngột như khi bạn đang tập rất hăng say thì đột nhiên lại dừng lại hoặc bạn để cơ thể quá nóng.
Cách khắc phục: Đừng quên khởi động kỹ càng trước khi tập và thực hiện các động tác co giãn cơ sau khi chuẩn bị kết thúc. Bạn cũng có thể nghỉ ngơi giữa các bài tập. Bên cạnh đó, để tránh việc bị ngất xỉu cũng như các chấn thương, các chuyên gia cũng khuyến khích bạn nên ngồi xuống hoặc thậm chí nằm nếu cần để có đủ máu truyền lên não.
7. Tê ngón chân
Nguyên nhân: Chân của bạn có thể sưng lên do lượng nhiệt tỏa ra từ các múi cơ, cũng có thể do mang giày quá chật, thậm chí gây viêm dây thần kinh.
Cách khắc phục: Thường xuyên di chuyển ngón chân của bạn để máu có thể truyền vào dễ dàng và hiệu quả hơn. Sử dụng giày thể thao chuyên dụng đúng kích cỡ chân bạn.
8. Bị bầm tím
Nguyên nhân: Mạch máu yếu, chế độ ăn uống không lành mạnh và các chấn thương trong lúc tập.
Cách khắc phục: Bạn cần phải cẩn thận hơn trong quá trình tập luyện, không nên tập luyện quá mức. Bên cạnh đó, bạn nên cung cấp thêm vitamin vào trong chế độ ăn uống của mình. Cuối cùng, bạn có thể hỏi ý kiến các huấn luyện viên xem bạn nên hạn chế tập luyện những bài tập nào không phù hợp với bản thân.
9. Đau hông
Nguyên nhân: Những cơn đau bụng ngắn hạn rất phổ biến nếu bạn không khởi động trước khi chạy. Lúc này, lưu lượng máu sẽ tăng nhanh và máu được truyền từ các cơ quan nội tạng đến các múi cơ, nhưng lượng máu chuyển đi lại không đồng đều. Gan và lá lách được nhận nhiều máu hơn và gây cảm giác đau.
Cách khắc phục: Bạn nên dừng hoặc chạy chậm lại. Ngay khi bạn đang chạy bạn vẫn có thể hít sâu và ấn vào khu vực bị đau trên cơ thể bạn, sau đó thở ra và buông tay ra cùng lúc. Điều này sẽ giúp khiến máu chảy ra khỏi khu vực đó nhanh hơn. Bạn cũng nên liên tục để ý đến nhịp hô hấp của bản thân trong lúc chạy.
10. Nước tiểu màu tối
Nguyên nhân: Bạn không cung cấp đủ nước cho cơ thể trong quá trình tập luyện hoặc tiêu cơ vân, hội chứng khiến các tế bào cơ bị hủy hoại trong quá trình tập luyện.
Cách khắc phục: Uống nước đều đặn trong quá trình tập luyện. Nếu tình trạng này không chấm dứt, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra.
Lưu ý đối với tất cả hoạt động thể chất, bạn nên luyện tập dưới sự giám sát của các huấn luyện viên, chuyên gia thể hình hoặc bác sĩ, đặc biệt khi bạn thừa cân hoặc đang chịu ảnh hưởng của bất kỳ tình trạng bệnh lý nào. Bạn cũng nên để ý đến những thay đổi trong cơ thể mình. Nếu bạn thấy bất an về bất cứ điều gì, đừng cố tự chữa trị mà tốt nhất bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra nhé.