Trải nghiệm đầu tiên của bé với môi trường xung quanh chính là nhờ xúc giác. Xúc giác là một trong những yếu tố thiết yếu cấu thành nên các khả năng thể chất, ngôn ngữ, kỹ năng nhận thức, năng lực và cảm xúc xã hội. Chính vì tầm quan trọng của xúc giác đối với sự phát triển của trẻ, Chúng tôi sẽ gợi ý cho một trò chơi liên quan đến xúc giác vô cùng thú vị, có tên là “Ấm và lạnh”. Bạn có thể chơi cũng bé sau khi cho bé ăn (vì nếu cảm thấy đói, bé sẽ không tiếp tục chơi).
Lợi ích của trò chơi
- Khuyến khích phát triển xúc giác của bé. Cụ thể, bé sẽ học và cảm nhận được sự khác nhau giữa nước nóng và lạnh;
- Phát triển và mở rộng vốn từ vựng – bé sẽ tập làm quen với ngôn ngữ và những từ mới được sử dụng trong trò chơi;
- Tạo cơ hội cho bé được thể hiện bản thân. Bé có thể tự quyết định thay đổi hành động hoặc tiếp tục nếu bé cho là phù hợp;
Bạn cần chuẩn bị những gì?
- Nước đá (nếu bạn không có nước đá, bạn có thể sử dụng nước lạnh đã qua xử lý và đun sôi. Bạn cũng có thể làm nước đá từ các loại nước ép trái cây như nước ép táo hoặc bất kỳ loại nước ép nào bé thích);
- Nước ấm (đảm bảo rằng nhiệt độ nước an toàn cho làn da của bé);
- Vật dụng để đựng (có thể là một chiếc đĩa thủy tinh, tô hoặc bất cứ vật gì phù hợp);
- Một tấm thảm, khăn tắm hoặc một chiếc ghế cao cho trẻ.
Bạn chơi cùng bé như thế nào?
Rót nước lọc (hoặc nước ép mà bé thích) vào khay làm đông đá. Đảm bảo rằng kích thước của viên đá phù hợp để bé có thể cầm trên tay. Để đảm bảo an toàn, viên đá không nên quá nhỏ để bé không thể cho vào trong miệng. Đặt khay vào ngăn đá tủ lạnh và đợi đến khi đá đông, bạn và bé đã sẵn sàng chơi rồi đấy.
Đặt bé trên một tấm thảm, một chiếc khăn tắm, hoặc có thể cho bé ngồi trên ghế cao, cho vào tô đựng từ một đến hai viên đá và đưa chúng cho bé. Nếu bé tỏ vẻ ngần ngại, bạn có thể làm mẫu cho bé xem bằng cách chạm vào viên đá hoặc lướt nhẹ quanh tô đựng đá.
Khuyến khích bé nếm thử viên đá. Bạn sẽ khó quên được khoảnh khắc đáng yêu trên gương mặt bé khi lần đầu bé nếm viên đá lạnh.
Chạm vào ngón tay và đôi môi bé, bạn có thể nhấn mạnh thêm với bé cảm giác này là “lạnh”, sau đó có thể nhắc lại cho bé biết những gì bé vừa làm (dù bé có thể không hiểu những gì bạn nói). Bạn có thể nói “Con vừa chạm vào nước đá đấy! Đá lạnh lắm! Ngón tay con có lạnh không?”.
Thay thế những viên đá lạnh bằng nước ấm. Khuyến khích bé chạm tay vào và khuấy nước lên, nhắc lại cho bé rằng “Con vừa chạm vào nước đấy! Khuấy nước nào! Nước ấm lắm!”.
Dù bé có thể không hiểu, nhưng những gì bạn nói có thể giúp bé phát triển ngôn ngữ và vốn từ, việc chạm vào đá lạnh và nước ấm hỗ trợ bé bắt đầu những bước phát triển xúc giác đầu tiên một cách dễ dàng.
Bạn có thể quan tâm:
Khám phá thính giác của trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi
5 cách giúp trẻ bị mất thính giác