Triệu chứng nghiện rượu góp phần gây ra các rối loạn tâm thần liên quan đến chứng trầm cảm. Ngược lại, trầm cảm có thể khiến bệnh nhân thường xuyên uống rượu.
Điều may mắn là cả trầm cảm và các triệu chứng nghiện rượu đều có thể kiểm soát. Khi một trong hai bệnh được cải thiện, bệnh còn lại cũng sẽ có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, đây không phải là quá trình nhanh chóng và dễ dàng. Nó đòi hỏi sự quyết tâm cao độ ở người bệnh và sự đồng cảm của người thân.
Triệu chứng nghiện rượu và các biểu hiện của bệnh trầm cảm
Triệu chứng nghiện rượu thường là:
– Uống rượu thường xuyên, thậm chí là mỗi ngày
– Uống rượu ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày
– Liên tục có cảm giác thèm rượu
– Uống rượu bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra cho cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần.
– Trì hoãn các nhiệm vụ, hoạt động sống thường ngày để uống rượu
Người nghiện rượu mắc chứng trầm cảm sẽ có những biểu hiện như:
– Cảm thấy bản thân mình vô dụng
– Thường xuyên mệt mỏi, buồn bã không rõ nguyên nhân
– Mất hứng thú với các hoạt động xã hội và sở thích của bản thân
– Thiếu năng lượng sống để hoàn thành những công việc thường ngày
– Khó tập trung
– Có ý nghĩ tự tử
– Có xu hướng lạm dụng chất kích thích để cải thiện tâm trạng.
Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm và chứng nghiện rượu
Mặc dù trầm cảm và chứng nghiện rượu là hai tình trạng thường xuất hiện cùng nhau nhưng không có tài liệu nào xác định tình trạng nào xảy ra trước. Trình tự xuất hiện không xảy ra đồng nhất ở mọi bệnh nhân.
Một người bị trầm cảm nặng có xu hướng uống nhiều rượu để cải thiện tâm trạng của mình. Ngược lại, người thường xuyên uống rượu có nhiều khả năng phải trải qua các giai đoạn trầm cảm. Khi đó, họ lại uống nhiều hơn để cảm thấy tốt hơn nhưng kết quả không như họ kỳ vọng. Sự tương tác qua lại này sẽ làm cho cả hai tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Một số nguyên nhân khác khiến một người có thể mắc cùng lúc chứng nghiện rượu và bệnh trầm cảm bao gồm:
Tính di truyền
Người có tiền sử gia đình mắc một trong hai tình trạng có nguy cơ cao hơn. Nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định tính di truyền có thể khiến bạn dễ gặp phải chứng nghiện rượu, trầm cảm hoặc cả hai bệnh.
Nhân cách, lối sống
Người có lối sống tiêu cực có nhiều khả năng gặp phải một trong hai hoặc cả hai tình trạng trên. Bên cạnh đó, người có lòng tự trọng thấp hoặc thiếu hụt kỹ năng sống cũng dễ bị trầm cảm và nghiện rượu.
Ký ức tồi tệ trong quá khứ
Những người đã từng bị lạm dụng tình dục, chấn thương thể chất hoặc tâm lý mức độ nghiêm trọng và người thường xuyên gặp phải rắc rối trong các mối quan hệ xung quanh có nhiều khả năng bị trầm cảm hoặc nghiện rượu.
Chẩn đoán triệu chứng nghiện rượu và trầm cảm
Bác sĩ tâm thần có thể yêu cầu bạn thực hiện một hoặc vài bài kiểm tra thể chất và đánh giá tâm lý. Kết quả của những bài kiểm tra này sẽ giúp họ tính toán các yếu tố rủi ro cho một trong hai tình trạng.
Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp đa thử nghiệm để loại trừ các tình trạng khác gây ra triệu chứng tương tự. Khi đã có kết quả chẩn đoán của một trong hai tình trạng nghiện rượu và trầm cảm, bác sĩ sẽ tiếp tục hỏi bạn về những triệu chứng của bệnh kia.
Các phương pháp điều trị phổ biến
Điều trị một trong hai tình trạng có thể cải thiện triệu chứng cho cả hai. Tuy nhiên, để có kết quả tốt nhất, bác sĩ khuyến khích bạn đồng thời điều trị cả hai tình trạng.
Các phương pháp điều trị đồng thời chứng nghiện rượu và trầm cảm phổ biến nhất bao gồm:
Điều trị bằng thuốc cai nghiên rượu và thuốc chống trầm cảm
Rượu tác động đáng kể đến mức độ dẫn truyền thần kinh trong não của bạn. Điều đó làm bệnh trầm cảm diễn biến phức tạp hơn.
Thuốc chống trầm cảm có thể ức chế sự phát triển của chất dẫn truyền thần kinh và làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể cho bạn sử dụng thuốc cai nghiện rượu để làm giảm cảm giác thèm rượu của bạn.
Phục hồi chức năng
Sự phát triển thể chất của người bị nghiện rượu có khuynh hướng phụ thuộc vào rượu. Vì thế, việc bỏ uống rượu đột ngột có thể gây ra những phản ứng tiêu cực, thậm chí đe dọa tính mạng.
Vì thế, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân điều trị bệnh ở một cơ sở phục hồi chức năng. Tại đây, bệnh nhân sẽ được giảm tần suất sử dụng rượu dần dần dưới sự giám sát y tế.
Liệu pháp phục hồi chức năng cũng có thể áp dụng cho bệnh nhân trầm cảm. Trong quá trình trị liệu, bệnh nhân sẽ tìm hiểu những cách đối phó với triệu chứng bệnh để trở lại cuộc sống bình thường mà không cần phải dùng rượu.
Trị liệu bằng hành vi nhận thức
Trị liệu hành vi nhận thức là một loại liệu pháp tâm lý. Nó giúp bệnh nhân hiểu được các yếu tố và quá trình suy nghĩ khiến mình bị trầm cảm và lạm dụng rượu.
Trị liệu hành vi nhận thức sẽ hướng dẫn bạn cách sửa đổi suy nghĩ và hành vi để cải thiện thiện tâm trạng và tránh sử dụng rượu.
Điều trị bằng cách nhờ đến sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội
Các trung tâm điều trị chứng nghiện rượu hoặc những tổ chức dành cho bệnh nhân trầm cảm thường cung cấp thông tin về kinh nghiệm chữa trị bệnh hữu ích, thực tế. Những thông tin này có một phần dựa trên cơ sở khoa học, phần còn lại dựa trên quá trình điều trị thực tế của những người đã từng mắc bệnh.
Ngoài ý nghĩa tăng sự kết nối giữa bạn với xã hội bên ngoài, những thông tin từ các tổ chức này cũng có nhiều khả năng giúp ích cho quá trình điều trị của bạn. Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất kỳ lời khuyên gì, bạn hãy tham khảo trước ý kiến của bác sĩ để đảm bảo tính an toàn.