Trong khi nhiều gia đình có các con yêu thương nhau thì một vài gia đình lại có con cái bất hòa với anh chị em của mình. Sự mâu thuẫn giữa các con có thể bắt đầu trước khi bé thứ hai ra đời. Điều này tiếp tục khi bé lớn lên và chúng sẽ bắt đầu tranh giành với nhau về mọi thứ, từ đồ chơi cho đến sự quan tâm của cha mẹ. Khi trẻ đạt đến những mốc khác nhau của sự phát triển, nhu cầu của bé càng lớn thì càng ảnh hưởng đến cách đối xử của chúng với đứa còn lại.
Đôi khi bạn có thể thật sự rất buồn lòng khi thấy điều này bởi trong gia đình mà luôn có tiếng khóc lẫn tiếng cãi vã giữa các bé sẽ dễ gây cảm giác nặng nề cho mọi người.
Vậy bố mẹ cần làm gì để các con sống hòa thuận với nhau?
Căn nguyên của xung đột giữa các con là gì?
Trẻ em không tự nhiên mà có thể giải quyết cãi vã như người lớn được. Nhiều khi đối với chúng, chuyện bé xé ra to và làm cho mối quan hệ chị em trở nên căng thẳng hơn. Tại sao chúng lại cư xử như vậy?
Các con muốn được chú ý
Trẻ em luôn luôn ganh tị nhau về để mong đạt được sự chú ý của bố mẹ. Bố mẹ càng bận rộn, nhu cầu cần được quan tâm của con càng lớn. Ngược lại, cha mẹ quan tâm con ít hơn. Khi nhà có thêm thành viên, bé sẽ khó có thể chấp nhận được việc mất vị trí trung tâm trong lòng bố mẹ. Thông thường, bố mẹ sẽ đặt sự lo lắng và quan tâm nhiều hơn dành cho một đứa đang bệnh hoặc cần chăm sóc đặc biệt. Khi chứng kiến điều này, trẻ sẽ cảm giác mình bị cho “ra rìa” và sẽ hành xử không lễ phép để có được sự chú ý của bố mẹ.
Trẻ cảm thấy khó chia sẻ với anh/chị/em của mình
Nhiều gia đình không có đủ tiềm lực để đáp ứng đủ nhu cầu riêng biệt cho từng bé. Thay vào đó, chúng phải chia sẻ cho nhau. Đối với từng đứa trẻ, việc từ bỏ đồ chơi yêu thích của mình để cho em quả thật là một điều gì đó thật khó khăn.
Chúng có cá tính khác nhau
Những đứa trẻ trong gia đình thường có tính cách khác biệt nhau. Trong khi bé lớn có thể rất bướng bỉnh nhưng bé còn lại thì sống khép kín hơn. Sự khác biệt về tính cách giữa các con có thể dẫn đến sự bất đồng lẫn nhau. Không chỉ vậy, khác nhau về độ tuổi và giới tính cũng dẫn đến xung đột giữa các con.
Sự công bằng
Trẻ em là những vị luật sư tí hon, luôn luôn đòi hỏi sự công bằng và sẵn sàng đánh nhau vì quyền lợi của chúng. Đứa nhỏ hơn có thể phàn nàn tại sao chị gái có thể đi nghe nhạc, xem phim mà nó phải ở nhà, trong khi đứa lớn hơn thì lại than thở về chuyện phải chăm sóc em mà không được ra ngoài chơi với bạn. Cảm giác không công bằng và sự ghen tị có thể dẫn đên sự bực bội trong lòng các con.
Làm thế nào để giữ được sự cân bằng trong gia đình?
Bạn có thể để các bé tự giải quyết vấn đề của chúng. Xen vào giữa sẽ không dạy được chúng cách xử lý xung đột mà sẽ làm cho chúng nghĩ bạn đang thiên vị đứa kia hơn – đặc biệt khi bạn luôn phạt một đứa. Bên cạnh đó, nhiều bất đồng dễ xảy ra hơn nếu bạn không để trẻ tự mình giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, khi chúng bắt đầu cự cãi kịch liệt hơn và chuẩn bị gây thương tích cho nhau, bạn nên “ra tay” can thiệp bằng cách:
Tách chúng ra
Việc tách các con ra sẽ giúp cho mỗi đứa tự bình tĩnh lại trong không gian của mình. Mỗi đứa trẻ cũng cần có không gian riêng của chúng.
Dạy cách đàm phán và thỏa hiệp
Giải quyết tranh chấp một cách thỏa đáng cũng sẽ giúp cho các con bớt gây gổ lẫn nhau. Đầu tiên, bạn có thể yêu cầu chúng ngừng la hét và bắt đầu bình tĩnh nói chuyện với nhau. Mỗi đứa sẽ được bố/mẹ cho một cơ hội để nói về vấn đề của mình. Hãy lắng nghe con và đừng phán xét. Sau đó, bạn thử làm rõ vấn đề và hỏi bé có cách nào thỏa đáng cho cả hai không, sau đó đưa ra cách giải quyết của bạn. Ví dụ, nếu trẻ đánh nhau vì một trò chơi mới, bạn có thể lên lịch để mỗi đứa có khoảng thời gian chơi tương tự như nhau.
Đặt ra luật lệ
Chắc chắn rằng những đứa trẻ sẽ phải tuân thủ những quy tắc tương tự nhau, bao gồm không đánh nhau, không làm hư hỏng đồ của nhau. Bạn có thể tạo cơ hội cho bé tự đặt ra luật lệ và cách thực thi luật. Chẳng hạn, bé có thể đề ra hình phạt cấm xem ti vi một đêm nếu vi phạm luật. Hãy để cho bé có vai trò trong quá trình ra quyết định, điều đó sẽ khiến chúng cảm thấy chúng có khả năng kiểm soát cuộc sống riêng. Khi bé đã làm theo những quy tắc đó, bạn có thể dành một lời khen để cho con nỗ lực hơn.
Đừng thiên vị
Nếu một đứa trẻ liên tục bị mắc lỗi và đứa kia được xem như một thiên thần, bạn cũng đừng bao giờ so sánh chúng. Điều này sẽ phản tác dụng, làm cho con bực bội nhiều hơn và khiến cho mối quan hệ giữa bạn và con ngày càng xa cách.
Không làm mọi thứ đều nhau
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, bé lớn hơn thì làm việc của tuổi lớn, bé nhỏ hơn thì làm việc nhỏ. Thay vì cố gắng để mọi thứ công bằng, bạn nên giúp các con làm những việc riêng biệt nhưng phù hợp với khả năng của con.
Cho bé quyền được sở hữu
Các con cần biết sự chia sẻ quan trọng như thế nào trong gia đình nhưng bố mẹ cũng cần cho phép bé giữ cho mình những thứ đặc biệt.
Duy trì những cuộc họp gia đình
Cả gia đình có thể cùng ngồi lại với nhau mỗi tuần, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc, những vấn đề gặp trong tuần với nhau. Điều này sẽ giúp tất cả các thành viên có thể loại bớt những rắc rối mà mình đang phải đối mặt.
Chú ý tới mỗi đứa theo một cách riêng
Rất khó để bạn dành thời gian riêng cho từng đứa. Một trong những nguyên nhân khiến các con gây gổ là do chúng cảm thấy không được quan tâm đủ. Nếu muốn bạn cho con biết mình đang quan tâm chúng, bạn có thể dành cho mỗi đứa một ít thời gian riêng biệt.
Trừng phạt khi cần thiết hoặc nhờ chuyên gia tâm lí
Khi những cuộc gây gỗ giữa các con xảy ra đến nỗi gây tổn thương về thể chất và tình cảm thì bạn cần phải chấm dứt điều đó. Những vụ đánh nhau, cãi nhau hay hành hung lẫn nhau được lặp đi lặp lại mà không có sự trừng phạt của bố mẹ sẽ tạo nên sự lộng hành ở trẻ. Nếu bạn không thể tự mình chấm dứt, hãy nói chuyện với bác sĩ Nhi khoa hoặc chuyên gia tâm lý để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Nuôi con là cả một hành trình gian nan và vất vả mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng phải trải qua. Hãy kiên nhẫn “Uốn cây từ thuở còn non” và giúp con hiểu được những điều hay lẽ phải, biết yêu thương anh chị em của mình ngay từ nhỏ sẽ giúp các con có một sự hậu thuẫn của gia đình vững chắc, tự tin để bước trên đường đời mai sau.
Bạn có thể xem thêm:
- Bố mẹ nên can thiệp thế nào khi con đánh nhau?
Giật mình vì 8 thói quen của bố mẹ có thể làm hư con
Dạy con biết cách tôn trọng: tưởng dễ mà lại khó