Siro trị ho không những giúp các bé bớt ho và ngủ ngon hơn mà cũng giúp người lớn giảm ngứa cổ và sổ mũi. Nếu biết cách tự làm siro trị ho tại nhà, bạn sẽ làm dịu hơn ho mà không cần ra hiệu thuốc đấy!
Cảm lạnh, dị ứng hay khói bụi trong không khí có thể khiến bạn bị ho dai dẳng và khó chịu. Những khi bị ho, bạn không cần uống thuốc mà có thể áp dụng cách trị ho của các bé là uống siro trị ho.
(function() { var qs,js,q,s,d=document, gi=d.getElementById, ce=d.createElement, gt=d.getElementsByTagName, id="typef_orm", b="https://embed.typeform.com/"; if(!gi.call(d,id)) { js=ce.call(d,"script"); js.id=id; js.src=b+"embed.js"; q=gt.call(d,"script")[0]; q.parentNode.insertBefore(js,q) } })()Tại sao bạn bị ho?
Cơn ho giúp bạn bảo vệ sức khỏe bằng cách đẩy những dị vật như bụi bẩn hoặc thức ăn ra khỏi phổi và khí quản. Một số nguyên nhân gây ho có thể kể đến là:
• Virus: Cảm lạnh và cúm do virus là những nguyên nhân gây ho phổ biến nhất. Khi bạn bị cảm hay cúm, cơn ho có thể giúp bạn đẩy các chất nhầy ra khỏi phổi. Thường thì những cơn ho này sẽ biến mất sau một vài ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cơn ho kéo dài vài tuần hoặc vài tháng do phổi bị kích ứng.
• Dị ứng và hen suyễn: Nếu bạn bị dị ứng hay hen suyễn thì một số tác nhân như bụi bẩn hoặc ẩm mốc có thể gây ho. Những tác nhân này làm phổi khó chịu và phải ho để đẩy ra.
• Chất kích ứng: Ngay cả khi bạn không bị dị ứng, những chất kích ứng như không khí lạnh, khói thuốc lá hoặc nước hoa quá nồng cũng có thể gây ho.
• Hội chứng chảy dịch mũi sau: Khi mũi bị tắc nghẽn, chất nhầy sẽ chảy từ mũi xuống cổ họng và khiến bạn ho. Hội chứng này có thể xuất hiện khi bạn bị cảm cúm, nhiễm trùng xoang, dị ứng và các vấn đề khác.
• Trào ngược axit: Khi bạn ợ nóng, axit trong dạ dày trào ngược lên cổ họng. Tình trạng này có thể kích thích khí quản và làm bạn ho.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, bạn cũng có thể bị ho do viêm phổi, ngưng thở khi ngủ hay tác dụng phụ của thuốc.
Cách làm siro trị ho tại nhà
Bên cạnh việc uống thuốc và tránh các tác nhân kích ứng khí quản, bạn cũng có thể trị ho bằng siro. Hai công thức làm siro trị ho sau có thể giúp bạn làm dịu cổ họng và giảm nhẹ cơn ho.
Cách làm siro trị ho với mật ong, chanh và gừng
Công thức siro trị ho này có chứa mật ong và chanh, những vị thuốc có thể làm dịu cổ họng và trị ho rất tốt.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Gừng
- Mật ong nguyên chất
- 2 quả chanh
- Nước
Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị những dụng cụ làm bếp cần thiết như dao, chảo, muỗng, tô, hũ, đồ bào…
Các bước thực hiện
– Gọt gừng và cắt thành lát. Nếu không có gừng tươi, bạn có thể sử dụng bột gừng xay trong công thức này.
– Bào nhỏ vỏ 2 quả chanh tươi.
– Đổ khoảng 250ml nước vào chảo rồi đổ thêm gừng.
– Bỏ thêm vỏ chanh đã bào vào hỗn hợp.
– Đun sôi dung dịch rồi tiếp tục đun với lửa nhỏ trong 5 phút. Sau đó, bạn lọc lại dụng dịch rồi để sang một bên.
– Đổ khoảng 250ml mật ong nguyên chất vào nồi và đun nóng ở nhiệt độ thấp. Bạn chú ý không để mật ong sôi.
– Trộn mật ong vào dung dịch gừng và vỏ chanh đã lọc trước đó.
– Vắt nước hai quả chanh rồi thêm nước chanh vừa vắt vào dung dịch trên.
– Tiếp tục khuấy hỗn hợp trên lửa nhỏ trong vài phút.
– Tắt bếp và đổ dung dịch vào bình để bảo quản.
Liều dùng siro trị ho
- Trẻ từ 1 – 5 tuổi: 2,5 – 5ml/2 giờ.
- Trẻ em từ 5 – 12 tuổi: 5 – 10ml/2 giờ.
- Trẻ em trên 12 tuổi và người lớn: 5 – 10ml/4 giờ.
Cách làm siro trị ho với mật ong, chanh và glycerin
Glycerin trong loại siro trị ho này vừa làm dịu cổ họng và giảm ho vừa giúp bạn bảo quản siro được lâu hơn.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Mật ong nguyên chất
- Nước chanh vừa vắt
- Glycerin làm bánh
Bạn cần chuẩn bị các dụng cụ làm bếp cần thiết như phới, tô, hũ…
Các bước thực hiện
– Đổ khoảng 60ml glycerin vào một cái bát rồi thêm khoảng 60ml mật ong vào dung dịch.
– Đổ thêm 60ml nước chanh.
– Dùng phới đánh đều hỗn hợp.
– Bỏ hỗn hợp vào hũ để bảo quản.
Bạn có thể thêm một ít nước gừng vào công thức nếu muốn.
Liều dùng siro trị ho
Bạn hãy uống khoảng 5ml siro trị ho này mỗi vài giờ.
Khi dùng siro trị ho, bạn nên lưu ý những điều sau đây:
– Những loại siro ho trên không thích hợp với trẻ dưới 1 tuổi vì mật ong có thể gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ.
– Bạn có thể bảo quản siro ho trong tủ lạnh trong vài tháng.
– Bạn có thể cân nhắc bỏ thêm các thành phần khác như hành tây, tỏi và ớt vào công thức làm siro trị ho sao cho phù hợp.
Những nguyên liệu từ tự nhiên như chanh, mật ong hay gừng sẽ giúp cổ họng bớt ngứa và dịu cơn ho. Nếu không muốn điều trị bằng thuốc Tây, bạn có thể thử làm siro trị ho với các nguyên liệu tự nhiên này để đẩy lùi cảm giác khó chịu nhé!
Như Vũ | HELLO BACSI