Mách bạn 4 cách chữa bệnh thận mạn phổ biến

(3.81) - 67 đánh giá

Tùy vào giai đoạn phát triển của bệnh, cách chữa bệnh thận mạn ở mỗi người sẽ khác nhau. Tuy vậy, mục đích chung vẫn là kiểm soát tốt tình trạng bệnh và ngăn ngừa biến chứng phát sinh.

Bệnh thận mạn là khái niệm mô tả tình trạng thận bị suy giảm chức năng trong thời gian dài. Thông thường, vấn đề này xuất hiện phổ biến ở người cao tuổi, người da đen và người Nam Á.

Thận ngừng hoạt động là hậu quả nghiêm trọng nhất của bệnh thận mạn tính. Lúc này, nguy cơ tử vong của người bệnh cực kỳ cao.

Tuy nhiên, biến chứng này lại không thường xảy ra. Nguyên nhân là bởi người bệnh có nhiều lựa chọn điều trị hiệu quả để ngăn ngừa nó phát sinh, từ đó kéo dài thêm tuổi thọ của mình.

Thực tế, chữa bệnh thận mạn tính triệt để là điều bất khả thi. Tuy vậy, những phương pháp điều trị hiện tại vẫn đủ khả năng kiểm soát tốt các triệu chứng cũng như tình trạng bệnh, đồng thời ngăn chặn biến chứng xảy ra.

Các biện pháp chữa bệnh thận mạn ở mỗi người sẽ khác nhau, tùy thuộc vào việc bạn đang ở giai đoạn nào. Những cách điều trị phổ biến thường bao gồm:

1. Áp dụng lối sống lành mạnh

Chú trọng vấn đề dinh dưỡng là bước đầu tiên bạn cần làm để đối phó với bệnh thận mạn.

Không ít chuyên gia cho rằng, bước đầu tiên trong quá trình chữa bệnh thận nên là thay đổi một số thói quen sinh hoạt theo chiều hướng tích cực hơn, chẳng hạn như:

  • Bỏ thuốc lá
  • Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và khoa học
  • Hạn chế tối đa lượng muối tiêu thụ trong mỗi bữa ăn
  • Thường xuyên rèn luyện thể chất, ít nhất 150 phút mỗi tuần
  • Hạn chế hoặc tránh tiêu thụ rượu, bia, đồ uống có cồn
  • Giảm cân (nếu bạn bị béo phì) và duy trì trọng lượng khỏe mạnh
  • Tránh lạm dụng các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs), ví dụ như aspirin, ibuprofen…

2. Sử dụng thuốc kê đơn để chữa bệnh thận mạn

Một số loại thuốc kê đơn có thể giúp bạn kiểm soát tốt nguyên nhân cũng như triệu chứng bệnh thận mạn tính.

Bác sĩ hiện chưa có thuốc đặc trị cho bệnh thận mạn tính. Tuy nhiên, một số loại thuốc kê đơn có thể kiểm soát tốt những vấn đề gây nên tình trạng này, đồng thời kìm hãm sự phát triển của bệnh và ngăn ngừa biến cố phát sinh.

Do đó, khi nói đến thuốc chữa bệnh thận mạn tính, bạn có thể thấy những thuốc như:

Thuốc điều trị tăng huyết áp

Kiểm soát tốt huyết áp là yếu tố hàng đầu giúp thận tránh bị thương tổn thêm.

Thông thường, người mắc các bệnh về thận sẽ đặt mục tiêu đưa chỉ số huyết áp về dưới mức 140/90mmHg. Tuy nhiên, khi bạn mắc đồng thời bệnh đái tháo đường, huyết áp nên giảm xuống dưới mức 130/80mmHg.

Thuốc điều trị tăng huyết áp có rất nhiều loại, nhưng quen thuộc nhất vẫn là thuốc ức chế men chuyển (ACE), ví dụ như ramipril, enalapril và lisinopril.

Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số tác dụng phụ của các thuốc này gồm:

  • Ho khan kéo dài
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi hoặc suy nhược cơ thể
  • Đau đầu

Nếu bạn gặp phải những tác dụng phụ bên trên, bác sĩ có thể giúp bạn đổi sang thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) để chữa cao huyết áp hiệu quả.

Thuốc trị cholesterol cao

Bệnh thận mạn là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát sinh của các bệnh về tim mạch, bao gồm cả đau tim hay đột quỵ. Điều này có thể bắt nguồn từ việc nguyên nhân gây tổn thương thận cũng làm tăng huyết áp và hàm lượng cholesterol trong máu cao.

Do đó, để hạ chỉ số cholesterol về lại mức cho phép, bác sĩ sẽ kê cho bạn toa thuốc statin, thường là atorvastatin và simvastatin. Đôi khi nhóm thuốc này cũng được áp dụng để điều trị tăng huyết áp.

Trong quá trình sử dụng, bạn có thể bắt gặp vài tác dụng phụ như:

  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Đau cơ và khớp

Thuốc chữa phù nề

Tình trạng sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc bàn tay rất dễ xuất hiện nếu bạn không chữa bệnh thận hiệu quả. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc lúc này, thận không thực hiện tốt vai trò loại bỏ dịch dư thừa trong máu, khiến chúng tiếp tục tích trữ tại các mô trong cơ thể, gây nên hiện tượng phù nề.

Các chuyên gia cho rằng, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để loại bỏ lượng dịch dư thừa này là chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, chẳng hạn như giảm lượng muối tiêu thụ và hạn chế lượng chất lỏng trong mỗi bữa ăn, bao gồm cả những món như canh, súp, cháo…

Nếu tình trạng sưng phù nghiêm trọng, bạn có thể cần đến sự trợ giúp từ nhóm thuốc lợi tiểu, như furosemide.

Tuy nhiên, bạn sẽ cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm:

  • Mất nước
  • Hao hụt khoáng chất natri và kali

Thuốc dành cho người bị thiếu máu

Một số người mắc bệnh thận giai đoạn cuối có nguy cơ phát sinh biến chứng thiếu máu. Lúc này, họ có thể biểu hiện một số dấu hiệu như:

  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng hay thậm chí là suy nhược cơ thể
  • Khó thở
  • Tim đập mạnh (đánh trống ngực) hoặc tốc độ đập bất thường

Đối với trường hợp này, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn dùng thuốc erythropoietin ở dạng tiêm tĩnh mạch. Đây là một loại hormone hỗ trợ cơ thể gia tăng số lượng hồng cầu được sinh ra.

Nếu bạn bị thiếu máu do hao hụt chất sắt, việc bổ sung khoáng chất này cũng là điều thiết yếu.

Thuốc điều trị các vấn đề ở xương

Bên cạnh tích tụ dịch dư thừa, tình trạng tổn thương nghiêm trọng ở thận còn có nguy cơ giữ lại phốt pho trong cơ thể.

Cùng với canxi, phốt pho là loại khoáng chất cần thiết để duy trì xương khỏe mạnh. Tuy nhiên, hàm lượng hoạt chất này quá cao có khả năng làm đảo lộn sự cân bằng của canxi trong cơ thể, từ đó dẫn đến hàng loạt vấn đề phát sinh, bao gồm cả loãng xương.

Để giải quyết tình trạng này, trước hết, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn hạn chế lượng phốt pho hấp thụ từ thức ăn, ví dụ như thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa, trứng và cá.

Nếu biện pháp trên không làm giảm nồng độ phốt pho đáng kể, các chuyên gia sẽ tiếp tục kê cho bạn loại thuốc đặc trị là phosphate binder, thường bao gồm canxi acetate với canxi cacbonat.

Xương yếu do thiếu vitamin D

Bệnh thận mạn cũng là một trong những nguyên nhân dễ gây nên tình trạng thiếu hụt vitamin D trong cơ thể. Đây là vitamin cần thiết để giữ cho xương chắc khỏe.

Do đó, nếu bạn rơi vào trường hợp trên, bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng colecalciferol hoặc ergocalciferol để tăng hàm lượng vitamin D lên.

Thuốc điều trị viêm cầu thận

Bệnh thận mạn còn có thể phát sinh do tình trạng viêm tại các bộ lọc bên trong cơ quan này, gọi là viêm cầu thận. Trong một số trường hợp, nguyên nhân viêm cầu thận có thể bắt nguồn từ hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào tại đây.

Nếu kết quả sinh thiết cho thấy bạn mắc phải tình trạng này, bác sĩ sẽ kê thuốc ức chế miễn dịch nhằm kìm hãm khả năng hoạt động của các tế bào bạch cầu. Các loại thuốc phổ biến gồm steroid và cyclophosphamide.

3. Chữa bệnh thận bằng phương pháp thẩm tách

Chạy thận nhân tạo thường được áp dụng cho người bị suy giảm chức năng thận nặng nề.

Trong một số trường hợp, chức năng thận sẽ suy yếu dần theo thời gian rồi ngưng hẳn. Khi đó, bạn chỉ còn hai lựa chọn chữa bệnh thận là thẩm tách hoặc cấy ghép nội tạng.

Thẩm tách là biện pháp can thiệp y tế dùng để loại bỏ các chất thải và dịch dư thừa trong máu. Các chuyên gia chia phương pháp này thành hai cách nhỏ gồm:

Chạy thận nhân tạo

Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị chuyên dụng để lọc máu thay thận. Thông thường, bạn sẽ cần đến bệnh viện khoảng ba lần mỗi tuần để tiến hành phương pháp này.

Thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng)

Sử dụng chính lớp phúc mạc (màng bụng) làm thành bộ lọc máu thay cho thận. Bạn có thể tiến hành phương pháp này trong lúc ngủ.

Theo các nhà nghiên cứu, trong trường hợp chức năng thận suy giảm nghiêm trọng, nếu không được ghép thận, bạn sẽ phải áp dụng phương pháp thẩm tách suốt đời.

Trước khi lựa chọn chạy thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc, bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ về những ưu, nhược điểm của từng loại. Đồng thời, hãy phối hợp với bác sĩ để tìm ra hướng giải quyết hiệu quả và phù hợp với thể trạng cũng như tài chính của bạn nhất.

4. Cấy ghép thận

Ghép thận là phương pháp đem lại nhiều triển vọng nhất cho người bệnh.

Thay vì phải thẩm tách suốt đời, những người bị suy giảm chức năng thận còn có thể lựa chọn biện pháp cấy ghép thận.

Đây thường là cách chữa bệnh thận hiệu quả nhất, đặc biệt khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý ghép thận là một thủ thuật phức tạp với nhiều yêu cầu gắt gao, chẳng hạn như:

  • Ghép thận là một ca đại phẫu thuật.
  • Thận hiến tặng phải phù hợp với cơ địa người nhận. Điều này khiến bạn có thể phải chờ một thời gian dài mới có thể áp dụng phương pháp này.
  • Người ghép thận sẽ phải dùng thuốc ức chế miễn dịch cho đến cuối đời để ngăn cơ thể đào thải tạng ghép. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn lúc trước.

Trong khoảng thời gian chờ ghép thận, bạn sẽ cần thẩm tách để tiếp tục lọc máu khi thận đã suy yếu.

Ngoài ra, theo thống kê, triển vọng cho người ghép thận rất tốt. Khoảng 90% trường hợp thận được ghép vào vẫn có khả năng hoạt động bình thường sau hơn một thập kỷ.

Bệnh thận, đặc biệt với trường hợp mạn tính, có nguy cơ cao gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Mặc dù các bác sĩ vẫn chưa có biện pháp chữa bệnh thận triệt để nhưng họ vẫn có nhiều cách kiểm soát tốt tình trạng này, từ đó kéo dài tuổi thọ của người bệnh.

Đánh giá:

Bài viết liên quan

Tìm hiểu 7 công dụng sức khỏe tuyệt vời của củ dền

(90)
Củ dền đã trở nên quá quen thuộc với các bà nội trợ và được xem như thực phẩm hàng đầu cho món canh trong bữa cơm mọi gia đình. Với giá trị dinh ... [xem thêm]

Rối loạn hoảng sợ

(70)
Tìm hiểu chungRối loạn hoảng sợ là bệnh gì?Rối loạn hoảng sợ là một chứng bệnh của nhóm rối loạn lo âu. Cơn hoảng sợ là tình trạng tâm lý, là cảm ... [xem thêm]

Phù vô căn

(14)
Tìm hiểu chungPhù vô căn là gì?Phù là thuật ngữ y khoa dùng để mô tả tình trạng giữ nước, ứ nước trong cơ thể và gây sưng, phù nề. Còn “vô căn” ... [xem thêm]

Tập thể dục khi đang ốm có tốt không?

(27)
Nhiều người vẫn tập thể dục khi đang ốm để mong chóng khỏe hơn hoặc chỉ đơn giản là vì không muốn bỏ lỡ một buổi tập nào. Tuy nhiên, sự cố gắng ... [xem thêm]

5 cách chẩn đoán trào ngược dạ dày mà bạn cần biết

(29)
Việc chẩn đoán trào ngược dạ dày giúp người bệnh phân biệt được triệu chứng liên quan đến bệnh. Từ đó, bác sĩ cũng xác định tình trạng bệnh và ... [xem thêm]

Mệt mỏi và sốt nhẹ là dấu hiệu của bệnh gì?

(43)
Mệt mỏi hay sốt nhẹ khiến bạn giảm năng suất trong công việc và cảm thấy không thoải mái để vui chơi hay làm bất cứ hoạt động giải trí nào.Mệt mỏi ... [xem thêm]

Bệnh xơ gan: Nguyên nhân và triệu chứng

(98)
Trong lúc bạn say sưa nhậu nhẹt, hút thuốc… thì bệnh xơ gan vẫn đang âm thầm tiến triển đấy. Có rất nhiều người chủ quan về vấn đề sức khỏe của ... [xem thêm]

Cạm bẫy cỏ Mỹ: Loại ma túy mới hiểm họa khôn lường!

(47)
“Cỏ Mỹ” là cơn lốc ngầm khủng khiếp đang thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, bạn đã hiểu rõ về chất nghiện nguy hiểm này hay chưa? Hãy cùng Chúng tôi tìm ... [xem thêm]

DANH SÁCH PHÒNG KHÁM BỆNH VIỆN