Bệnh viêm màng não có lây không tùy thuộc vào nguồn gốc gây bệnh. Bệnh xảy ra do màng não bị các loại ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn, virus xâm nhập. Trong một vài trường hợp, người gặp chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu cũng có thể mắc bệnh viêm màng não.
Triệu chứng thường khởi phát trong vòng 1 tuần sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Những dấu hiệu phổ biến nhất thường là đau đầu, sốt và phát ban da. Trong 3 kiểu bệnh, mỗi loại có những khả năng lây nhiễm riêng. Mời bạn cùng tìm hiểu!
Bệnh viêm màng não do nấm có lây không?
Thể bệnh này do một loại nấm có tên là Cryptococcus gây ra. Chúng thường tấn công vào những người có hệ miễn dịch yếu như bệnh nhân ung thư, HIV. Tuy nhiên, viêm màng não do nấm là thể bệnh hiếm gặp và không có khả năng truyền nhiễm.
Khả năng lây nhiễm của bệnh viêm màng não do ký sinh trùng
Viêm màng não do ký sinh trùng cũng là thể bệnh hiếm gặp. Bệnh do một loại amip siêu nhỏ có tên là Naegleria fowleri xâm nhập vào cơ thể thông qua đường mũi. Amip này thường sinh sống ở các nguồn nước bị ô nhiễm. Vì thế, người thường xuyên sử dụng những nguồn nước này thuộc đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao. Dù bệnh có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nhưng nó không có khả năng truyền nhiễm cho người khác.
Bệnh viêm màng não do chấn thương có lây không?
Viêm màng não cũng có thể xảy ra nếu bạn gặp chấn thương nghiêm trọng ở phần đầu. Ngoài ra, đây cũng là một biến chứng hiếm gặp của những ca phẫu thuật liên quan đến hệ thần kinh hoặc tác dụng phụ của một số thuốc điều trị bệnh lupus, ung thư.
Viêm màng não do chấn thương không xuất phát từ yếu tố gây nhiễm trùng nên nó không có khả năng lây nhiễm.
Bệnh viêm màng não có lây không? Khả năng lây nhiễm của bệnh viêm màng não do virus
Viêm màng não do virus là thể bệnh phổ biến nhất nhưng nó thường không gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Hai loại virus gây bệnh thường gặp nhất có tên là enterovirus và arbovirus.
Bệnh viêm màng não do virus enterovirus có khả năng lây lan mạnh khi tiếp xúc qua đường nước bọt, phân hoặc dịch nhầy từ mũi của bệnh nhân. Trong khi đó, arbovirus lây nhiễm qua đường muỗi chích. Giai đoạn cao điểm của căn bệnh này rời vào mùa hè và đầu mùa thu.
Bệnh viêm màng não do vi khuẩn có lây không?
Trong tất cả kiểu bệnh, viêm màng não do vi khuẩn là bệnh có diễn biến rất nhanh và có nhiều khả năng đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.
Bệnh xuất hiện do 2 loại vi khuẩn mô cầu có tên là Neisseria meningitidis và Streptococcus pneumonia xâm nhập vào màng não. Cả 2 loại vi khuẩn mô cầu này đều có thể sống rất lâu ở môi trường bên ngoài cơ thể. Vì thế, chúng có khả năng lây nhiễm rất mạnh.
Việc ở gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân viêm màng não do vi khuẩn sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh. Điều này gây ra mối lo ngại lớn về khả năng bùng phát dịch bệnh ở những nơi công cộng như trường mầm non, ký túc xá, trường học…
Những con đường lây lan phổ biến của vi khuẩn não mô cầu bao gồm:
- Nước bọt
- Chất nhầy
- Dùng chung vật dụng cá nhân
- Nguồn thực phẩm bị ô nhiễm
- Hôn môi
Sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh và bị vi khuẩn tấn công, những triệu chứng ban đầu sẽ khởi phát trong vòng 2-10 ngày. Người bệnh có thể bị sốt cao đột ngột rất khó hạ, đau đầu dữ dội hoặc một số phản ứng bất thường ở da.
Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh viêm màng não
Bạn có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm màng não cho bản thân và gia đình bằng những biện pháp phòng ngừa sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn. Thời gian rửa tay lý tưởng nhất là từ 20 giây trở lên kết hợp với thao tác kỳ cọ cẩn thận ở cả bàn tay và móng tay. Sau đó, lau khô tay bằng khăn sạch. Thời điểm rửa tay bắt buộc là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thay tã và chăm sóc bệnh nhân.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác như muỗng, đũa, ống hút trong lúc ăn uống.
- Dùng khăn giấy che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não đầy đủ và tiêm nhắc đúng lịch, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh vì đây là 2 đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Bạn cũng nên tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não trước khi đi du lịch nước ngoài, nhất là ở những nước có tỷ lệ viêm màng não cao.