Biết được ảnh hưởng của suy thận đến sự phát triển của trẻ, bạn sẽ có sự chăm sóc tốt nhất về thể chất và tinh thần cho bé khi con mắc bệnh.
Ảnh hưởng của suy thận khá đáng kể. Bệnh xảy ra không giới hạn nhóm tuổi nào, ngay cả trẻ sơ sinh cũng có khả năng sinh ra với quả thận không bình thường và cần phải lọc máu ngay sau khi sinh. Tương tự như người lớn, trẻ em cũng phải phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Bài viết sau sẽ giúp bố mẹ tìm ra cách để con vượt qua vấn đề này.
Sai lầm của nhiều bậc cha mẹ
Khi bé bị suy thận và cần tiếp nhận phương pháp điều trị là chạy thận hoặc ghép thận, việc bố mẹ chăm sóc chu đáo cho con hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ thường nghĩ rằng, bé đã chịu đựng quá nhiều nỗi đau, cho nên luôn muốn bảo bọc con tuyệt đối, không để bất cứ điều gì làm tổn thương trẻ được nữa.
Giải pháp tâm lý dành cho con
Để phát triển và trưởng thành, trẻ em cần cảm thấy chúng đủ tự do để trải nghiệm, khám phá và thể hiện hết khả năng của mình. Nếu bạn quá bảo bọc, con sẽ thấy bực bội hơn là biết ơn bạn. Nếu con muốn thử một hoạt động thể thao, nhưng bạn lại rất lo lắng thì hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi quyết định có cho trẻ tham gia hay không. Biết đâu kết quả là bé có thể tham gia, thậm chí đạt được sự tự tin và lòng tự trọng. Bạn cần hiểu chính xác ảnh hưởng của suy thận đến cuộc sống của trẻ là lớn hay nhỏ để có biện pháp phù hợp.
Ảnh hưởng của suy thận đến trẻ và tầm quan trọng của bố mẹ
Ảnh hưởng của suy thận đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ hay trẻ lớn phụ thuộc vào độ tuổi khi con mắc suy thận. Nói chung, trẻ nhỏ bị suy thận thường thấp còi hơn so với bạn bè đồng trang lứa và quá trình dậy thì cũng sẽ chậm hơn.
Ngoài ra, các bé chạy thận nhân tạo có xu hướng tăng trưởng chậm hơn so với những trẻ được ghép thận. Nếu trẻ bị suy thận ở tuổi thiếu niên, trẻ có khả năng chậm dậy thì hoặc thậm chí không dậy thì. Ví dụ, nếu là bé gái thì con có thể không có kinh nguyệt. Quá trình dậy thì muộn sẽ gây khó chịu hoặc thậm chí thất vọng cho một số bé. Con sẽ cảm thấy mình không giống người bình thường, từ đó mất niềm tin và lòng tự trọng.
Nếu con bị suy thận, bạn nên quan tâm đến các vấn đề liên quan đến tâm sinh lý của bé nhiều hơn, đặc biệt là trong lứa tuổi dậy thì. Cố gắng không bảo vệ con quá mức khỏi những thách thức và cuộc phiêu lưu trong quá trình trưởng thành. Các bé trong độ tuổi thanh thiếu niên cần phải được tự do khám phá các vấn đề về thể chất, tình cảm để phát triển toàn diện.
Phải đi lọc máu thường xuyên sẽ khiến trẻ cảm thấy rất buồn. Trong khi bạn bè đang bắt đầu thực hiện kế hoạch thực sự cho tương lai, trẻ lại thấy tương lai của mình dường như đã chấm hết. Trẻ cũng dễ dàng lo sợ rằng nếu bạn bè biết tình trạng của mình thì họ sẽ xa lánh. Với một đứa bé ở tuổi vị thành niên, việc bị bạn bè xa lánh còn tồi tệ hơn rất nhiều điều.
Quan trọng là bố mẹ cần phải giúp con hiểu rằng dù suy thận làm cuộc sống của trẻ bị thay đổi, nhưng vẫn còn nhiều điều đặc biệt nữa đang chờ đợi con phía trước. Bằng cách kiên trì với các phương pháp điều trị lọc máu, uống thuốc và chế độ ăn uống theo quy định, các bé ở độ tuổi vị thành niên mắc bệnh thận vẫn có thể trải nghiệm những điều tuyệt vời.
Hầu hết các chương trình thẩm tách và ghép thận cho trẻ em đều có một chuyên gia tư vấn cho trẻ về các mối quan tâm, nỗi lo sợ và cảm xúc của mình. Tuy nhiên, hơn ai hết, bố mẹ sẽ là người sát cánh và hỗ trợ con vượt qua giai đoạn khó khăn này.